Đến thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền bị chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, gần 300 khách hàng của địa ốc Alibaba ở Đồng Nai cũng đã khai báo với cơ quan công an là mua dự án đất nền “ảo” của công ty này.
Số khách hàng của địa ốc Alibaba được cho là lên đến hơn 6.700 người. Tuy nhiên, có một điều lạ là, chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, hết tổng giám đốc rồi đến chủ tịch của địa ốc Alibaba bị khởi tố và bắt giam, số đơn tố cáo của khách hàng mới tăng lên nhanh chóng.
Có phải cách làm ăn kinh doanh bất động sản đa cấp để lừa đảo huy động vốn của địa ốc Alibaba tinh vi, xảo diệu tới mức không thể bị phát hiện, và chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc nó mới bị lật tẩy? Không, trong khoảng thời gian gần hai năm qua, “hiện tượng” địa ốc Alibaba nếu đã cuốn bao nhiều người với lòng tham lãi nhanh lãi lớn vào guồng của nó, thì cũng không ít người đã nhìn thấy các dấu hiệu lừa đảo khá rõ.
Địa ốc Alibaba khi chưa vỡ trận song không có nghĩa là các phương thức, mánh khóe kinh doanh đa cấp của nó an toàn và không thể bị phát hiện. Bằng chứng là, cách đây hai, ba tháng trở về cả năm trước, không ít phương tiện truyền thông đã chỉ ra và cảnh tỉnh những “nhà đầu tư” muốn lời nhiều lãi nhanh khi đổ tiền vào địa ốc Alibaba mua đất nền trên giấy là một cuộc chơi đầy mạo hiểm và “giao trứng cho ác”. Thế nhưng, dường như rất ít người đủ tỉnh táo trong cơn say lợi nhuận, số người tham gia càng lúc càng nhiều lên…
Số người tham gia càng nhiều cũng đồng nghĩa là nạn nhân của mạng lưới kinh doanh bất động sản đa cấp lừa đảo này ngày càng lớn, nạn nhân trước để khắc phục thiệt hại quay ra dẫn dắt đưa những khách hàng sau vào tròng thay vì họ làm đơn tố cáo thẳng thừng với nhà chức trách, cơ quan điều tra.
Rất đông người đã trở thành khách hàng của địa ốc Alibaba (ảnh:LĐO). |
Ai cũng muốn lấy lại được phần vốn của mình. Nhưng lấy lại được rồi thì không rút chân ra, mà lại muốn lôi thêm người khác sa lầy vào để bản thân mình có thêm lợi nhuận. Trên thực tế, không hẳn số tiền mà các nạn nhân bị lừa đều rơi vào tay anh em nhà Nguyễn Thái Luyện mà còn vào túi rất nhiều người đứng đầu các đường dây đa cấp của mạng lưới địa ốc Alibaba, những lớp khách hàng đầu tiên và sớm sủa đã kịp thu hồi vốn và còn thu vén được thêm lợi nhuận từ những khoản tiền đầu tư của các khách hàng đến sau…
Hàng trăm vụ lừa đảo đa cấp đã bị vỡ lỡ và khởi tố điều tra trong suốt hàng chục năm qua cho thấy một điểm rất chung từ các khách hàng – nạn nhân: Biết bị lừa nhưng vẫn hi vọng lấy lại được số tiền của mình cho nên im lặng; im lặng nhằm tránh “bứt dây động rừng” ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân nhưng vô hình chung lại càng dẫn đến thêm nhiều nạn nhân và gây thiệt hại lớn hơn cho nhiều người khác. Đến lúc vỡ trận, thấy việc thu hồi vốn không còn khả thi, thì mới kêu than, tố cáo đến cơ quan chức năng.
Chẳng có vụ việc lừa đảo đa cấp nào mà các nạn nhân tố cáo khi mạng lưới đã vỡ trận có thể thu hồi được toàn bộ số vốn của mình. Những khách hàng đã hưởng lợi được thì tránh xuất đầu lộ diện hoặc biến mất tăm, trong khi những nạn nhân thực sự mới còn hiện diện.