Hội bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng bảo vệ ai?

Hội này bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng nhưng mọi chi phí hoạt động phải tự chủ và tất nhiên nguồn tài chính ấy phải do doanh nghiệp… ủng hộ.

Những ngày qua, doanh nhân Hoàng Khải, chủ doanh nghiệp Khaisilk bị dư luận “bóc phốt” nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam để đánh tráo nhãn mác gây bức xúc cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng bị thiệt thòi, nhưng các Hội bảo vệ người tiêu dùng lại… nín thinh. Một sự im lặng khó hiểu từ các Hội “nhân danh” bảo vệ người tiêu dùng, chống hàng gian hàng giả…

Qua sự việc này, cho thấy công tác của các Hội bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng có vấn đề, nhất là khi “đụng” chuyện thì không thể hiện được vai trò bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Có ý kiến cho rằng, Hội là các tổ chức tự chủ về mặt tài chính nên mọi hoạt động đều phải phụ thuộc vào sự đóng góp của các doanh nghiệp. Thế nên, dưới tên gọi “Bảo vệ người tiêu dùng”, “chống hàng gian, hàng giả”… thì các Hội gần như bị “khống chế” hoàn toàn bởi các doanh nghiệp. Hội lập ra làm bù nhìn và chỉ góp phần “bảo vệ cho các doanh nghiệp” là chính.

Để có cái nhìn khách quan hơn, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Hậu đánh giá, mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã được thi hành hơn 6 năm nhưng các vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn không có chiều hướng giảm mà ngày càng gia tăng cả về số lượng, mức độ nghiêm trọng và độ tinh vi. Điển hình như các vụ sản xuất, cung cấp thực phẩm bẩn, sản xuất, kinh doanh hàng giả, quảng cáo lừa đảo người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như chế độ hậu mãi,…Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do sự hạn chế trong nhận thức của người tiêu dùng về việc bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình đối với quan hệ tiêu dùng. Đồng thời là do tâm lý e ngại trong việc tìm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Hơn hết, nguyên nhân chủ yếu là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam được thành lập với mục tiêu trước mắt là bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó là nhằm phục vụ cho mục đích lâu dài nhằm góp phần ổn định xã hội, đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, đây là tổ chức có vai trò rất quan trọng.

Tuy nhiên, Hội vẫn chưa được phát huy hết vai trò của mình. Điều này là do trong công tác quản lý Hội vẫn chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận thông tin gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và đưa ra các biện pháp bảo vệ thích hợp; Việc thông tin của Hội đến người tiêu dùng về các vấn đề liên quan vẫn chưa được tích cực thực hiện. Ngoài ra, trong việc này còn phải xét đến trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quản lý đối với tổ chức trên.

Trước thực trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm ngày càng nhiều thì việc tồn tại của Hội là điều cần thiết, vì Hội là tổ chức trực tiếp đứng ra bảo về quyền lợi của người tiêu dùng.

Để Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hoạt động có hiệu quả và quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo một cách tối ưu thì cơ quan nhà nước cần xây dựng lại quy chế hoạt động đối với tổ chức này theo hướng chặt chẽ hơn. Cần quy định về trách nhiệm Hội đối với các vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương trong trường hợp Hội không nắm thông tin hoặc không tích cực giải quyết.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm:

Từng thành viên trong Hội cần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực.

Đồng thời, cần có biện pháp nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia quan hệ tiêu dùng, đặc biệt các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội”.

Vụ Khaisilk gây bức xúc và tổn hại đến sản xuất trong nước

"Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt, gây thiệt hại lớn tới sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng", ...

Vụ Khaisilk: Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Quản lý thị trường đang làm gì?

Câu hỏi đặt ra sau vụ Khaisilk mua khăn Trung Quốc gắn mác Made in Vietnam bán cho người tiêu dùng chính là vai trò ...

Doanh nhân Khải Silk có thể bị phạt đến 15 năm tù

Hành vi của doanh nhân Khải Silk làm giả hàng hóa, xuất xứ nguồn gốc, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng có thể bị ...

http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Hoi-bao-ve-quyen-loi-cho-nguoi-tieu-dung-bao-ve-ai-post180977.gd

/ Đan Quỳnh/Giáo dục Việt Nam