Hoạt động trải nghiệm - môn học mới trong giáo dục phổ thông

Học sinh sẽ được tham gia các hoạt động như tham quan thực địa, diễn đàn, giao lưu, các dự án nghiên cứu khoa học...

Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp công bố dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến rộng rãi. So với hiện tại, chương trình mới có một môn học mới - hoạt động trải nghiệm.

Theo Ban soạn thảo, Hoạt động trải nghiệm được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, bậc Tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm; ở THCS và THPT được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Môn học được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản, mỗi học sinh vừa tham gia vừa thiết kế và tổ chức các hoạt động cho chính mình, qua đó tự khám phá, điều chỉnh bản thân, cách tổ chức để sống và làm việc hiệu quả. Ở giai đoạn này, mỗi học sinh bước đầu xác định được sở trường và chuẩn bị một số năng lực cơ bản của người lao động và công dân có trách nhiệm.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, Hoạt động trải nghiệm tiếp tục phát triển những phẩm chất và năng lực đã hình thành từ giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, giáo dục hướng nghiệp, nhưng tập trung cao hơn vào việc phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.

hoat dong trai nghiem mon hoc moi trong giao duc pho thong

Học sinh mót lúa trong chương trình ngoại khóa. Ảnh: Đình Khoa.

Nội dung môn học

Môn học bao gồm bốn nội dung: Hoạt động phát triển cá nhân, Hoạt động lao động, Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Nội dung này được thực hiện thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và câu lạc bộ. Sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên được tích hợp trong hoạt động trên.

Ở tiểu học, nội dung chương trình Hoạt động trải nghiệm tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, có các hoạt động lao động, xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi cũng được tổ chức thực hiện.

Ở THCS, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động phát triển cá nhân, lao động vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Ở THPT, chương trình Hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào nội dung giáo dục hướng nghiệp. Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Hình thức tổ chức Hoạt động trải nghiệm bao gồm: Thực địa - thực tế, tham quan, cắm trại, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, sân khấu hóa, dự án và nghiên cứu khoa học... Khi tổ chức, các trường chủ động lựa chọn hình thức tổ chức cụ thể phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương.

hoat dong trai nghiem mon hoc moi trong giao duc pho thong Mỹ học được dạy từ lớp 1 đến lớp 12

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục mỹ thuật được dạy ở cả ba cấp, chia thành hai giai đoạn: bắt buộc và ...

hoat dong trai nghiem mon hoc moi trong giao duc pho thong Học sinh THPT sẽ được học môn Âm nhạc

Thay vì chỉ dạy ở tiểu học và THCS như hiện nay, Âm nhạc sẽ được đưa vào bậc THPT. Học sinh được làm quen ...

/ VnExpress