Thiết kế kín của tàu ngầm khiến đám cháy nguy hiểm hơn nhiều so với trên mặt đất, thường gây thương vong lớn nếu không được dập tắt kịp thời.
"Nguyên nhân chính dẫn tới sự cố đã được xác định, ngọn lửa bắt nguồn từ khoang chứa pin điện và lan ra xung quanh", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin hôm 4/7, đề cập tới vụ cháy tàu lặn nghiên cứu của hải quân Nga khiến 14 sĩ quan thiệt mạng trước đó ba ngày.
Chuyên gia quân sự Tyler Rogoway cho rằng hỏa hoạn trên tàu chiến vốn rất nguy hiểm, nhưng các đám cháy tàu ngầm là mối đe dọa ở cấp độ hoàn toàn khác. Khi xảy ra hỏa hoạn, thủy thủ đoàn tàu ngầm có rất ít thời gian để xác định nguyên nhân và tìm cách đối phó trước khi nó trở thành thảm họa chết người.
"Khi một ngôi nhà bốc cháy, nhiệt và khói có thể phát tán ra ngoài. Với hỏa hoạn trên tàu ngầm, khí độc và nhiệt lượng không có chỗ thoát, thủy thủ đoàn cũng không thể dễ dàng rời tàu. Nhiệt và khói sẽ nhanh chóng bốc lên, tích tụ tại những vị trí cao nhất và dần bao phủ toàn bộ các khoang tàu", Eric Moreno, cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ, cho biết.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hỏa hoạn, nhưng tàn thuốc lá dường như là thủ phạm lớn nhất bởi đây là nguồn tạo lửa duy nhất được phép xuất hiện trên tàu ngầm. Chập điện cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra hỏa hoạn. Thủy thủ đoàn cần có kiến thức đặc biệt để đối phó, nếu không ngọn lửa sẽ liên tục bùng phát trở lại sau khi được dập tắt.
|
|
Thủy thủ Mỹ diễn tập cứu hỏa trên tàu ngầm USS South Dakota. Ảnh: US Navy. |
"Các tàu ngầm thông thường được chia thành nhiều tầng, giúp phân tán khói và nhiệt. Không gian bên trong càng lớn thì càng có nhiều không khí để hấp thụ nguồn nhiệt, cho phép thủy thủ đoàn có thêm thời gian xử trí và tiến hành dập lửa", Moreno nói thêm.
Bộ Quốc phòng Nga không tiết lộ tên cũng như mẫu tàu gặp cháy, trong khi trang tin RBC của nước này dẫn nguồn giấu tên cho biết sự cố xảy ra trên tổ hợp tàu ngầm hạt nhân do thám tuyệt mật gồm tàu ngầm con AS-12 "Losharik" và tàu ngầm mẹ BS-64 "Podmoskovye".
Losharik áp dụng thiết kế hai thân, trong đó phần thân chịu áp lực gồm 7 khoang hình cầu được nối với nhau. Điều này khiến tàu có rất ít không gian cho thủy thủ đoàn và trang thiết bị, nhưng giúp độ bền cấu trúc vượt xa tàu ngầm thông thường. Losharik từng hoạt động ở độ sâu 2.000-2.500 m ở Bắc Băng Dương hồi năm 2012, sâu gấp nhiều lần giới hạn lặn của tàu ngầm Mỹ.
|
|
Cấu tạo mẫu tàu ngầm hạt nhân do thám bí mật của Nga. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ. |
Các chuyên gia phương Tây cho rằng thiết kế của Losharik giúp nó có độ bền rất cao, nhưng cũng khiến thủy thủ đoàn dễ bị nhiệt và khói tác động trực tiếp khi xảy ra cháy.
"Sự cố này một lần nữa cho thấy hỏa hoạn là hiểm họa lớn nhất với mọi tàu ngầm. Hành động tự khóa cửa khoang bị cháy để chiến đấu với ngọn lửa và chấp nhận hy sinh để cứu tàu của các sĩ quan Nga, cũng như việc nó trở về cảng mà không gặp thêm sự cố nào cũng là minh chứng cho hành động dũng cảm của thủy thủ đoàn", Rogoway nhấn mạnh.
Phát hiện nguồn gốc đám cháy trên tàu ngầm tối mật của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4-7 lần đầu tiết lộ tàu ngầm quân sự tối mật bốc cháy cách đây 3 ngày là tàu ... |
Tàu ngầm Nga - Mỹ đụng độ bất ngờ ở Alaska
Nga và Mỹ đang có các cuộc tham vấn khẩn cấp do vụ chạm trán bất ngờ giữa tàu ngầm hai nước ở vùng lãnh ... |
Duy Sơn (Theo Drive)