Theo chuyên gia trong ngành điện, để đối chứng việc ghi số điện , người dân có thể tự kiểm tra tại nhà bằng cách đấu 2 công tơ nối tiếp nhau và so sánh chỉ số trên hai công tơ. Công tơ này được đấu nối ngay phía sau công tơ do cơ quan điện lực lắp cho khách hàng theo hợp đồng mua bán.
Lắp đặt thêm công tơ để đối chứng
Sau khi ngành điện thông báo hóa đơn tiền điện của tháng 5 đến các hộ sử dụng điện, đã có nhiều kiến nghị, thắc mắc của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt về số tiền điện phải nộp trong tháng tăng cao, mặc dù tiền điện trong tháng đã có sự hỗ trợ giảm giá do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong đó, có kiến nghị, thắc mắc và nghi ngờ về tính chính xác của công tơ điện, số liệu công tơ sai lệch khiến số tiền điện phải trả tăng cao.
Trả lời Báo Lao Động, TS Phạm Văn Minh - Trưởng khoa Điện (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết, nếu khách hàng nghi ngờ công tơ của mình sai do đo đếm có thể yêu cầu đơn vị kinh doanh điện kiểm tra, để đảm bảo công bằng trong việc mua bán điện.
Người dân cũng có thể tự kiểm tra tại nhà bằng cách đấu 2 công tơ nối tiếp nhau và so sánh chỉ số trên hai công tơ. Công tơ này được đấu nối ngay phía sau công tơ do cơ quan điện lực lắp cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, mục đích là để đối chứng việc ghi chỉ số điện.
"Việc làm này rất dễ dàng và thuận tiện, những người không làm trong ngành điện cũng có thể lắp được", TS Minh cho hay.
Chuyên gia cho rằng, người dân cần lắp thêm 1 đồng hồ điện để đối chứng việc ghi số điện. Ảnh: EVN |
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Minh, công tơ lắp đối chứng phải được kiểm định, dám tem đảm bảo chất lượng. Đồng thời, để hạn chế tranh cãi, vào thời điểm chốt số nên có biên bản giữa các bên và có ý kiến đơn vị độc lập.
Trưởng khoa Điện (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết, trong trường hợp khách hàng không đồng ý với kết quả kiểm tra của bên bán điện, khách hàng có quyền yêu cầu điện lực kiểm định công tơ.
Khách hàng có thể kiểm định tại đơn vị kiểm định đo lường thuộc EVN. Nếu khách hàng chưa đồng ý với kết quả kiểm định của ngành điện thì có thể đề nghị chỉ định tổ chức kiểm định độc lập để kiểm tra lại.
Nếu bị xâm phạm quyền lợi có thể kiện bên bán điện ra toà
Nói về việc hoá đơn tiền điện tăng "sốc", theo số liệu EVN cung cấp, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5.2020 cao hơn 30% so với tháng 4.2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng trước đó.
EVN cho biết, nếu một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do COVID-19).
Sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.
Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng – tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng - tăng 138,87% so với tháng 4.
Trước nghi vấn của người dân về độ chính xác của công tơ, EVN khẳng định các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. “Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ”, EVN cho biết.
Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo khách quan khi người dân "than" hoá đơn tiền tiện tăng cao thì cần một bên thứ ba độc lập đứng ra phân xử.
Về cơ quan độc lập đứng ra phân xử những nghi ngờ về hoá đơn tiền điện, ông Ánh cho rằng, có thể mời Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng. Thậm chí, theo ông Ánh, nếu khách hàng bức xúc cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm có thể kiện bên bán điện ra toà.
Cường Ngô
1 triệu khách hàng có tiền điện tăng cao bất thường: Công tơ có chính xác?
Gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ ... |
Hoá đơn điện lại \'nhảy vọt\'
Hoá đơn điện tháng 6 của nhiều hộ gia đình miền Bắc tăng đột biến gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần tháng trước, dù đã được ... |
Giá điện nhà trọ: Tăng bất chấp, dân "cắn răng" chịu
Phải mua 5.000 đồng cho 1 số điện, cao gấp nhiều lần so với mức 1.864 đồng/số khi giá điện tăng 8,36%, nhiều sinh viên, ... |