“Hỏa Diệm Sơn” trong đời thực

Người ta sống ra sao tại một trong những thành phố nóng nhất thế giới, nơi chỉ thở thôi cũng đã là một việc rất khó khăn?

Jacobabad là một trong những thành phố nóng nhất thế giới, với nhiệt độ trong các tháng mùa hè thường xuyên ở ngưỡng 50 độ C.

Người ta sống ra sao tại một trong những thành phố nóng nhất thế giới, nơi chỉ thở thôi cũng đã là một việc rất khó khăn?

“Chảo lửa” theo nghĩa đen

Mới chỉ 7 giờ sáng, tại thành phố Jacobabad của Pakistan mà Ahsan Khosoo - một người điều khiển xe lừa kéo - đã đẫm mồ hôi trên thân thể. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ vừa qua, lao động trẻ mới 24 tuổi này đã tất bật vận chuyển nhiều thùng nước uống tới cho cư dân trong vùng. Mỗi khi một giọt nước vô tình bắn ra khỏi các thùng chứa màu xanh và văng xuống vệ đường, nó tạo nên một tiếng xèo nhỏ và nhanh chóng biến thành hơi. “Mặt đất dưới chân như thể là biển lửa” - anh nói rồi vục đầu vào một cái xô nước, trước khi trở lại công việc đang làm dở. 

Jacobabad là “hỏa diệm sơn”, là thành phố nóng nhất tại Pakistan. Đây cũng là nơi nóng nhất Châu Á, và có lẽ cả thế giới. “Khí hậu biến đổi. Đây là vấn đề mà nơi tôi ở đang phải chịu đựng. Nhiệt độ đang tăng dần lên và năm sau càng nóng hơn năm trước” - anh chia sẻ. Một tuần trước khi phóng viên tờ Time tìm tới Jacobabad vào mùa hè 2019, thành phố đã đạt nhiệt độ đỉnh điểm là 51,1 độ C. Nhiệt độ cao tương tự xuất hiện tại tỉnh Sahiwal gần đó, kết hợp với việc bệnh viện bị mất điện đột ngột, đã làm 8 trẻ sơ sinh thiệt mạng trong một ngày - đơn giản chỉ vì người ta không thể chạy điều hòa để cứu các bé. Mùa hè ở tỉnh Sindh - nơi có thành phố Jacobabad - rõ ràng không phải là một trò đùa. Năm nào cũng có người chết vào mùa nóng. 

Để tránh cái nóng nung người, các tài xế máy kéo ở khu vực có hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp này chỉ dám ra đồng vào ban đêm. Nông dân tránh không làm việc trong khoảng thời gian từ trưa tới 3 giờ chiều. Nhưng nếu mọi hoạt động trong cuộc sống cứ phải ngừng lại mỗi khi nhiệt độ cao hơn 40 độ C, chắc chắn sẽ chẳng có thứ gì được làm xong ở Jacobabad. Mai Latifan Khatoom - một cô gái trẻ - nói rằng, cô phải thu rạ ngoài đồng rồi đốt chúng, phải quạt thóc, xới đất... Tất cả công việc nặng nhọc đó của nghề nông phải được thực hiện xong chỉ trong vài giờ ít ỏi. Cô đã có nhiều lần ngất xỉu ngoài đồng vì nắng nóng. Việc chóng mặt đau đầu là chuyện xảy ra như cơm bữa. Nhưng cô không thể ngừng lại, vì như thế công việc sẽ không bao giờ xong và sẽ chẳng nhận được tiền công. 

Nếu Trái đất tiếp tục nóng lên với tốc độ ngày càng cao như hiện nay, sẽ không chỉ có người dân ở Jacobabad phải sống qua các mùa hè nóng tới 50 độ C. Tất cả người dân trên Trái đất rồi sẽ chung cảnh ngộ. Nhiều đợt nắng nóng đã xuất hiện trên khắp các quốc gia nằm ở bắc bán cần trong mùa hè này. Hồi tháng 7, nắng nóng kỷ lục đã xuất hiện tại Đức, Bỉ, Pháp và Hà Lan. Cháy rừng dữ dội xuất hiện ở khắp nơi và các núi băng ở Greenland đang tan chảy với tốc độ kỷ lục. Trên toàn cầu, tháng 7 đã trở thành tháng nóng nhất từ trước tới nay. 

Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu thời tiết đã thận trọng khi nói rằng, các hiện tượng tăng vọt nhiệt độ bất thường chưa chắc đã do thay đổi khí hậu gây ra. Nhưng trên toàn cầu, kể từ năm 2001 đã có 18 lần thế giới xuất hiện các đợt nóng kỷ lục. Camilo Mora - một nhà khoa học chuyên về khí hậu tại Đại học Hawaii - người hồi năm 2017 từng xuất bản một nghiên cứu đáng báo động cho thấy mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các đợt nắng nóng chết chóc. Khi được đặt câu hỏi rằng nắng nóng dữ dội có phải sắp trở thành hiện tượng thường xuyên xảy ra ở Châu Âu hay không, ông cười và đáp rằng như thế vẫn còn nhẹ. Bởi thực tế sẽ còn tồi tệ hơn nhiều, giống như những gì đang diễn ra tại Jacobabad.

Giới khoa học ước tính, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng ít nhất 3 độ C vào cuối thế kỷ 21. Theo Mora, điều này có nghĩa Trái đất sẽ có số lượng các đợt bão tố, cháy rừng và nắng nóng nhiều gấp 3 lần hiện nay. Tại một số nơi, người ta sẽ không thể làm việc ngoài trời. Và nếu họ phải chấp nhận làm việc dưới ánh Mặt trời thì số vụ say nắng, đột quỵ do sốc nhiệt và cái chết do nắng nóng sẽ tăng vọt. Hiện nay, tại Mỹ, nắng nóng đã làm khoảng 1.500 người thiệt mạng mỗi năm. Một đợt nắng nóng bất thường ở Châu Âu hồi năm 2003 được cho là đã gây ra tới 70.000 cái chết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa nhìn nhận mối đe dọa mà nắng nóng gây ra nghiêm trọng giống như động đất, hay khủng bố. “Nắng nóng cướp đi nhiều sinh mạng hơn tất cả thảm họa khác cộng lại. Châu Âu trong năm 2003 giống như đã phải hứng chịu các vụ khủng bố kiểu 11/9 mỗi ngày, kéo dài trong suốt 3 tuần lễ. Người ta còn muốn nhận thêm bao nhiêu thảm họa nắng nóng nữa, trước khi họ có thể xem xét vấn đề một cách nghiêm túc?”.

Nông dân ở Jacobabad nghỉ trưa khi nhiệt độ lên tới đỉnh điểm.

Sát thủ kinh khủng đi kèm nắng nóng

“Đây là nơi phù hợp để khai thác tư liệu viết bài về nắng nóng” - Anees, một bảo vệ ở Jacobabad, vui vẻ nói với phóng viên Times trong một buổi chiều tháng 6. Anh cho biết, không giấu sự tự hào, rằng Pakistan đang nắm giữ kỷ lục nắng nóng ở Châu Á. Anh cũng có hay rằng vài nơi đang giữ kỷ lục thế giới về nhiệt độ. Tuy nhiên, nơi đang nắm kỷ lục nhiệt cao nhất hiện nay - “Thung lũng chết” ở tiểu bang California của Mỹ - lại chẳng có ai sinh sống, không như Jacobabad. 

Pakistan vẫn thi thoảng nhận rằng Jacobabad là thành phố nóng nhất thế giới. Nhưng sau các nghiên cứu thận trọng và chuyên sâu, Tổ chức Khí tượng Thế giới tuyên bố hồi đầu năm nay rằng Turbat của Pakistan mới là thành phố có nhiệt độ cao nhất thế giới. Nơi này đạt kỷ lục 53,7 độ C vào ngày 28.5.2017. Dù không nắm kỷ lục nhiệt độ, Jacobabad vẫn có thể lập kỷ lục “nóng bền vững” do nơi này thường xuyên có nhiệt độ trên 50 độ C vào các tháng mùa hè. 

Đa phần các ngày, Jacobabad - với quy mô dân số 1 triệu người, sẽ rơi vào cảnh mất điện, có lúc lâu tới 12 giờ đồng hồ. Kể cả khi có điện, chỉ vài nhà mới đủ khá giả để chạy điều hòa. Cư dân địa phương đành phải dựa vào các phương thức chống nóng truyền thống như thadel - một loại đồ uống được cho là có công năng giải nhiệt, làm từ hạt... thuốc phiện trộn với gia vị, si rô hương hoa hồng và nước đá. Họ cũng ăn mặc cho phù hợp với điều kiện thời tiết nóng nực, trong đó phụ nữ mặc bộ shalwar kameez làm từ vải cotton nhẹ, thoáng khí và thấm mồ hôi tốt. Đầu họ quấn khăn để tránh nắng. Đàn ông cũng mặc trang phục tương tự, nhưng ít màu sắc hơn phụ nữ. 

Khosoo thường nhúng ướt quần áo vài lần mỗi ngày, trong khi Nabi Bux cho biết, các ca khúc pop của một số ngôi sao bản địa phát oang oang từ trong chiếc máy kéo khiến tâm trí anh quên đi cái nóng. Ông Mohammad Ayub (khoảng 60 tuổi) chia sẻ rằng, bản thân thường xuyên trú dưới bóng cây để tránh nắng. Vấn đề duy nhất mà ông phải đối mặt là phần lớn cây xanh trong vùng đều đã bị đốn hạ để biến thành củi đun. “Đôi lúc, khi nhiệt độ tăng cao hơn 52 độ C, tôi cảm thấy như não bộ đang nhào lộn trong đầu. Thời tôi còn bé, chưa lúc nào trời lại nóng đến thế. Khi ấy, chúng tôi còn nhiều cây xanh. Giờ, cây đã biến mất cả rồi” - ông than vãn. 

Theo Abdu Hamim Soomro - một bác sĩ trong vùng, phương thức chống nóng thực sự là uống nhiều nước và tránh nóng. Anh nói rằng, thadel chỉ là một món đồ uống sinh ra từ sự mê tín. Nhưng dù nói thế, Soomro vẫn uống thadel: “Nó khiến chúng tôi thấy đỡ hơn và cuối cùng ai cũng nghiện món đồ uống đó”. 

Ban đêm ở Jacobabad cũng không dễ chịu hơn ban ngày là bao nhiêu. Vào lúc 10 giờ tối của một đêm tháng 6, nhiệt kế phóng viên Time mang theo bên người vẫn báo nhiệt độ lên tới 41,1 độ C. Thay vì nằm đệm, nhiều người dân địa phương đã ngủ trên charpoy - những chiếc thảm đan từ da, qua đó giúp không khí lưu thông phía dưới lưng họ, giúp làm mát cơ thể. 

Các tấm thu năng lượng mặt trời vốn hoạt động tốt vào ban ngày đã hoàn toàn ngưng chạy khi đêm xuống. Khi ấy, Khosoo mới thấy mình may mắn. Ban đêm anh lại bắt con lừa làm việc. Nó sẽ phải kéo một cái guồng phát điện cho chiếc quạt trần lắp trong nhà anh. Nhưng vẫn phải có ai đó thức giấc để điều khiển lừa, vì thế trong những tháng mùa hè, hiếm khi anh được ngủ yên giấc. 

Nick Obradovich - một nhà nghiên cứu tại Học viện công nghệ Massachusetts, đã bắt đầu xem xét tác động do biến đổi khí hậu gây ra với sức khỏe tinh thần của con người, khi một số đồng nghiệp cho ông biết về mối quan hệ giữa việc nhiệt độ tăng lên tỉ lệ thuận với sự gia tăng của số vụ tự sát tại Mỹ, Mexico.

Sau khi nghiên cứu hơn 1 tỉ bài viết trên các mạng xã hội thuộc nhiều nền tảng khác nhau, với những tài khoản thuộc về nhiều nhóm người đang sống trong các điều kiện khí hậu khác nhau, đội của ông thấy rằng nhiệt độ bất thường gây tâm lý tồi tệ hơn và làm tăng các vấn đề về tinh thần.

Khi nhiệt độ ngoài cơ thể vượt ngưỡng thân nhiệt bình thường (37 độ), cơ thể chỉ có một cách làm mát duy nhất là bốc hơi -  toát mồ hôi. Nhưng khi độ ẩm lớn, hoạt động đổ mồ hôi sẽ không có nhiều tác dụng, bởi không khí khi ấy đã đầy hơi nước. Kết quả là nhiệt độ trung tâm của cơ thể tăng lên, khiến nó phải kích hoạt một loạt quy trình khẩn cấp để bảo vệ các chức năng quan trọng nhất.

Trước tiên, do yêu cầu phải giải nhiệt cấp bách, hệ tuần hoàn sẽ đẩy máu tới da nhanh và nhiều hơn. Tim tăng nhịp đập, huyết áp lòng mạch tăng, hệ mao mạch nông dưới da dãn ra để tăng thải nhiệt. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến tim phải hoạt động hết công suất và dễ gây ra biến chứng tim mạch cấp như suy tim, nhồi máu cơ tim. 

Tiếp đó, não bộ yêu cầu cơ bắp phải giảm hoạt động, khiến chúng ta thấy mệt mỏi. Các tế bào thần kinh cũng hoạt động thiếu ăn ý với nhau, khiến chúng ta thấy đau đầu và chóng mặt. 

Nếu nhiệt độ trung tâm tiếp tục tăng lên quá 40 độ C hoặc 41 độ C, nhiều nội tạng trong cơ thể bắt đầu ngừng hoạt động và tế bào thi nhau phân hủy. Mora - nhà nghiên cứu tại Đại học Hawaii - cho hay, cơ thể có tới 27 khả năng phản ứng khác nhau khi bị quá nhiệt, từ mệt mỏi cho tới ngộ độc máu hoặc suy đa tạng. Tất cả đều có thể dẫn tới cái chết trong vài giờ đồng hồ. 

Đội của Mora đã phân tích dữ liệu trên 783 cái chết vì nhiệt cao xuất hiện trong vòng 35 năm qua, để xem xét điều kiện thời tiết nào có thể đoạt mạng người ta dễ nhất. Kết quả là nhóm thấy rằng nhiệt lớn không hẳn đã là vấn đề nghiêm trọng nhất, mà chính là độ ẩm. Ngay cả một đợt nắng nóng bình thường, với nhiệt độ từ 38 tới 39 độ, cũng có thể trở nên chết chóc nếu nó đi kèm độ ẩm hơn 50%.

Một người đàn ông bị say nắng ở Jacobabad.

Một mối đe dọa vẫn đang bị xem nhẹ

Ở Jacobabad, trời nắng hiếm khi đi kèm độ ẩm cao. Nhưng vào năm 2100, khoảng 74% dân số toàn cầu sẽ phải trải qua ít nhất 20 ngày nắng nóng ẩm cao mỗi năm. Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ ước tính rằng, nắng nóng và ẩm cao đã làm giảm 10% số người có khả năng lao động ngoài trời trên toàn cầu. Con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. 

“Tôi không nghĩ rằng mọi người đã nắm được tầm quan trọng của vấn đề” - Mora nói. “Rất nhiều công việc phụ thuộc vào các hoạt động ở ngoài trời. Hãy tưởng tượng bạn là một công nhân công trường, nhưng lại không thể làm việc khoảng 2 tháng mỗi năm. Vậy, bạn sẽ sống bằng gì trong suốt thời gian đó?”.

Người Pakistan nói rằng mấy năm qua, mùa hè càng lúc càng nóng hơn, hạn hán càng lúc càng dài hơn, mùa mưa cũng ngắn đi đáng kể và thường xuất hiện khá muộn.“Trước kia chỉ có 1 hoặc 2 tuần nhiệt độ đạt đỉnh 50 độ C. Giờ thì nó kéo dài tới nhiều tháng” - quan chức giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu của Pakistan là Malik Amin Aslam cho biết. 

Trời nắng nóng kéo dài không chỉ đoạt mạng người ta mà còn mang tới những hậu quả nặng nề về kinh tế. Aslam ước tính thay đổi khí hậu có thể khiến Pakistan tốn từ 7 tới 10 tỉ USD mỗi năm chỉ để ứng phó thảm họa. Và ông cảnh báo Pakistan sẽ không phải là nước duy nhất lâm vào tình cảnh này. Không ai có thể thoát khỏi cuộc sống khổ sở khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm từ 3-5 độ C nữa. 

Cách duy nhất để giảm bớt các đợt nắng nóng là thông qua việc giảm lượng phát thải carbon trên toàn cầu và trồng thêm nhiều cây xanh. Bất kỳ ai bước dưới bóng cây trong một ngày nóng sẽ chẳng cần các nghiên cứu khoa học để thấy rằng nó mát hơn nhiều việc đi đầu trần dưới nắng. Theo nghiên cứu do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ thực hiện, khí hậu do một vài cây xanh tạo ra có thể làm giảm nhiệt độ ở khu vực có tán cây xuống tới 5 độ C so với bên cạnh. 

Doanh nhân Pakistan Shahzad Qureshi từng gây chú ý khi lên kế hoạch tạo ra cái mà ông gọi là “rừng đô thị” tại Lahore và Karachi, hai thành phố lớn nhất nước. Ông cho hay, các công viên thu nhỏ này giúp thành phố thở và đóng vai trò là một ốc đảo giúp tránh cái nóng hầm hập của đô thị. Nhưng cho dù dự án này có thành công, chưa chắc nó đã mang lại lợi ích cho các thành phố nhỏ như Jacobabad.

Và khi chưa có giải pháp lập tức nào để thay đổi tình hình, Jacobabad chỉ còn biết trần mình chịu trận. Mùa hè 2019, Trung tâm y tế Jacobabad nhận tới 10 trường hợp say nắng và sốc nhiệt mỗi ngày. Các bác sĩ ở trung tâm này tin rằng, số bệnh nhân sẽ chỉ còn tăng lên trong thời gian tới. Thường thì những nạn nhân dễ tổn thương nhất luôn là người già, trẻ em. Nhưng ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể bị nắng nóng quật ngã bất kỳ lúc nào. Halima Bhangar là một quả phụ 38 tuổi, sống tại một ngôi làng nhỏ cách không xa Jacobabad. Cô mất chồng vì nắng nóng vào tháng 5.2018. Lần ấy, chồng cô đi vào thành phố để bán gia súc, nhưng bất ngờ anh thấy chóng mặt và tim đập bất thường. Biết bị say nắng, anh vội đi tới một nhà thuốc để mua nước điện giải, nhưng đã quá muộn. Anh ngã xuống và chết ngay trên phố. “Nắng nóng đã tước đi mạng sống của anh ấy” - Bhangar rầu rĩ chia sẻ. “Khi đó, chúng tôi không hề biết nắng nóng có khả năng chết chóc”.

Hương Giang (Theo Time)  08/12/2019 | 07:45

Mỗi trẻ sơ sinh Mỹ ra đời đã gánh nợ 69.700 USD

Nợ công của Mỹ cao hơn thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Donald Trump sẽ càng khó nói.

Lạ đời căn nhà 300 tỷ như... dòng thác tuôn chảy

Với kiến trúc thiết kế độc đáo, bạn sẽ cảm thấy như mình đang ngắm dòng thác chảy trước mắt.

Bruno Fernandes cực phũ với M.U, đòi khoác áo Tottenham

Bruno Fernandes sẽ đầu quân cho Tottenham thay vì Man Utd ở mùa hè năm nay.

/ laodong.vn