Muốn nhà trường phát triển, hiệu trưởng nhà trường phải là người mẫu mực trong mọi chuyện – nhất là trong công tác lãnh đạo, mà trước hết là tu chỉnh bản thân.
LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Thành Dương (công tác tại Trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương Nha Trang) chia sẻ đôi điều suy ngẫm về những tấm gương sáng và tấm gương mờ trong ngành giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bài viết “Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán” trên một tờ báo mới đây về nhà giáo Đỗ Thị Thoa (sinh năm 1943, phường Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã mang lại xúc cảm chung cho độc giả là ngập tràn tình cảm kính phục và ngưỡng mộ.
Chao ôi, cuộc đời này ấm áp, tươi đẹp biết bao khi trong ngành giáo dục nước nhà vẫn còn đó những nhà giáo, những tấm gương vằng vặc sáng đáng kính, đáng trọng, trọn đời toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người như vậy!
|
|
Nhà giáo Đỗ Thị Thoa (Ảnh: Vietnamnet.vn) |
Chói ngời một tấm gương trong
Theo nội dung bài báo, trong thời gian 30 năm công tác trong ngành giáo dục, bà đã trực tiếp giảng dạy, rồi có hàng chục năm làm công tác quản lý ở cương vị hiệu trưởng nhiều trường.
Đến khi nghỉ hưu năm 1993, vẫn đăm đắm tâm huyết với ngành giáo dục, bà tự đứng ra gây dựng và duy trì lớp học tình thương dành riêng cho các em mắc các chứng khuyết tật như thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc màu da cam, câm điếc từ 26 năm nay.
Bà tự trích lương hưu của mình, mua đồ dùng học tập, đồ ăn, nước uống và đồng phục cho các em.
Bà Thoa cho biết thêm, vào các dịp lễ, các phụ huynh quan tâm, gửi bà phong bì. Tuy nhiên, bà đều kiên quyết trả lại. “Tôi không nhận phong bì, đây là việc tôi tự nguyện giáo dục các em. Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán”.
Dù tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn luôn cố gắng đứng lớp và tâm sự rằng “Tôi sẽ tiếp tục đến khi nào còn có thể. Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều nên đi cùng các em được đến bao giờ, tôi sẽ cố hết sức”.
Những con sâu làm rầu... ngành giáo
Vậy mà, trong ngành giáo dục, trên báo chí ngày ngày, đây đó vẫn còn xuất hiện rải rác những vị hiệu trưởng, không những chưa nêu được tấm gương sáng cho thầy cô giáo và học sinh trong trường, mà còn lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi cho bản thân, đang tâm bôi bẩn hình ảnh người lãnh đạo trực tiếp của các cơ sở giáo dục.
Vẫn còn đó những vị hiệu trưởng thể hiện sự tham lam vô độ của mình, cái gì có thể ra được tiền là họ bòn mót tất!
Họ xem “hoa hồng” là loài hoa đẹp nhất nên ép học sinh và phụ huynh mua đủ các thứ thượng vàng hạ cám như mua lịch, mua tăm, mua sách tham khảo; thậm chí gần đây có địa phương còn tiếp tay doanh nghiệp tiếp thị áo lót nữ sinh (!?), mặc cả phần trăm hoa hồng bảo hiểm học đường đầu năm học...
Vì sao có những hiệu trưởng khiến giáo viên ngán ngẩm? |
Có vị hiệu trưởng ngày đêm lao tâm khổ trí nghĩ cách thêm thắt các tiểu tiết xoàng xĩnh trên bộ đồng phục để buộc học sinh mỗi năm đều phải mua đồng phục mới, nhằm thu lợi khoản phần trăm trích lại của đối tác hợp đồng may mặc; có vị còn nghĩ ra cách in ảnh cổng trường mình lên bìa vở và buộc học sinh toàn trường phải dùng vở ấy chứ tuyệt đối không được dùng loại vở nào khác...
Vẫn còn đó những vị hiệu trưởng câu kết với kế toán ăn chặn tiêu chuẩn của học sinh dân tộc thiểu số trường chuyên biệt từ cây bút, cục tẩy, cuốn vở, cái chăn, cái màn..., xà xẻo tiền tàu xe tiêu chuẩn của học sinh về nghỉ hè, nghỉ tết; hay đành đoạn bớt xén suất ăn học đường vốn đã ít ỏi của học sinh, đến mức hiệu trưởng phải bị kỷ luật; hoặc tự ý xây dựng hàng quán trong khuôn viên trường, xây dựng “doanh nghiệp sân sau”, ép giáo viên và học sinh phải mua hàng hóa của gia đình mình bán, hàng tồn kho, quá đát... với giá cao, v.v.
Khi tại nhiệm đã nghĩ ra đủ kiểu kiếm chác, trước khi “hạ cánh an toàn” có vị còn bất chấp nhu cầu thực tế của nhà trường sở tại, ra sức tuyển dụng nhân sự ồ ạt trong chuyến tàu vét, để lại hậu quả dôi dư khủng hoảng thừa, buộc nhiệm kỳ sau loay hoay tinh giản biên chế, giải quyết tàn tích của vị tiền nhiệm để lại.
Có vị còn nghĩ ra đủ công trình xây dựng từ vặt vãnh đến đồ sộ - dưới danh nghĩa là lưu lại xú-vơ-nia cho hậu thế - mà kỳ thực chỉ nhằm chằm hăm kiếm chút hoa hồng; tìm cớ tẩu tán công sản bằng cách bán cơ sở vật chất, đất đai của trường “hốt cú chót” trước khi về vườn.
Danh sách các hiệu trưởng bị kỷ luật về Đảng, bị vướng vòng lao lý thời gian gần đây vẫn chưa thôi ám ảnh ngành giáo dục nước nhà, như Đinh Bằng My (Phú Thọ), Huỳnh Bê (Đăk Lăk), Ngô Thị Hòa (Đà Nẵng), Trần Quốc Khải (Gia Lai), Nguyễn Thị Song Nga (Hà Giang), Đoàn Thiện Tài (Sóc Trăng), Nguyễn Xuân Hợp (Huế), Lê Thị Thu Thủy (Hải Phòng), v.v… khó mà kê ra hết được.
Có thể đúc kết rằng, một số hiệu trưởng hiện nay chỉ vì lợi nhuận trước mắt, để “đồng tiền lăn tròn trên lương tâm” nhà giáo, cố chịu đấm ăn xôi “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” mà đang làm xấu dần đi hình ảnh của mình trong mắt giáo viên, hoặc đánh mất bản ngã của mình để rơi vào vòng tù tội.
Giá như các vị hiệu trưởng trên được một lần đọc biết về tấm gương chói ngời của nhà giáo Đỗ Thị Thoa, để tự thấy áy náy, tự cảm hóa, tỉnh thức về những toan tính, hành vi sai trái của mình?
Cho bức tranh giáo dục ngày càng tươi sáng
Nỗi đau của ngành giáo dục |
Kể ra như vậy, hoàn toàn không phải “vạch lá tìm sâu” từ góc nhìn tối tăm bi quan về ngành giáo dục hiện nay, mà nhằm chỉ ra góc tối, những vết nhơ - dù nhỏ bé, ít ỏi, lẩn khuất đâu đó trong bức tranh của ngành giáo dục, để mỗi cá nhân trong ngành “trồng người” chúng ta xác định ý thức gột rửa, khôi phục cho bức tranh ấy ngày thêm sáng tươi, đẹp đẽ.
Mong sao ngành chúng ta không còn cảnh những hiệu trưởng bị mất chức, bị kỷ luật, bị điều chuyển công tác, thậm chí bị truy tố, vướng vòng tù tội vì những đơn thư khiếu tố.
Ai cũng biết: muốn nhà trường phát triển, hiệu trưởng nhà trường phải là người mẫu mực trong mọi chuyện – nhất là trong công tác lãnh đạo, mà trước hết là tu chỉnh bản thân để làm gương không chỉ cho giáo viên mà còn cho cả nhiều thế hệ học sinh.
Trong thực tế, hiện không hiếm những thầy cô hiệu trưởng khi về hưu hay phải luân chuyển sang trường khác, ra đi trong niềm luyến lưu, nuối tiếc vô bờ của giáo viên, nhân viên.
Tha thiết mong rằng, từ những tấm gương cao đẹp như nhà giáo Đỗ Thị Thảo, môi trường giáo dục ở cơ sở sẽ ngày thêm lành mạnh, tươi sáng hơn.
Cải cách giáo dục là sự nghiệp lâu dài của toàn dân, trong mọi phương diện, cần sự góp sức chung tay của toàn xã hội, trong đó không thể không kể đến vai trò tiên phong, đầu tàu gương mẫu của các hiệu trưởng – “hiệu trưởng đi trước làng nước theo sau”.
Có như vậy thì sự nghiệp giáo dục của nước nhà sẽ nhanh khởi sắc và sớm thành công như cả xã hội vẫn hằng ước mơ, mong đợi.