Các Ban quản lý dự án giao thông (PMU) “đình đám” một thời như PMU2, PMU6, PMU Thăng Long… đang trong “cơn khát” việc làm vì nhiều dự án đã vào hồi kết thúc. Trong khi, tại một số PMU, người đứng đầu đã nhanh chân tìm “chân trời” mới.
Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện do PMU2 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư |
Lo tiền “nuôi quân”
Đại dự án nâng cấp QL1 cũng như một số dự án khác kết thúc khiến cho cửa của các PMU Giao thông thuộc Bộ GTVT bớt xe cộ, bớt người lui tới cầu cạnh.... Các “Ban A” quyền lực một thời, giờ đang trong cảnh thiếu việc làm; thậm chí, có nơi còn phải đi quản lý dự án thuê cho một số nhà đầu tư hạ tầng để kiếm tiền “nuôi quân” và duy trì hoạt động của đơn vị.
Xin ví dụ ở PMU2 (tiền thân PMU18), từng nổi tiếng là đại diện chủ đầu tư những dự án lớn như QL18, QL3 và mới đây là Dự án cầu đường vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện trị giá hàng chục ngàn tỷ - hiện cũng đang vào giai đoạn vãn việc.
Một số dự án BOT đường bộ mà PMU2 đã, đang thực hiện cũng chỉ trong vai là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chứ không là chủ đầu tư “hét ra lửa” như mươi, mười lăm năm trước… Thực trạng trên, khiến cho Ban này phải tính chuyện “đá” ngoài ở một dự án án của Tập đoàn kinh tế tư nhân Vingroup, để có thêm thu nhập.
“Chúng tôi tin đến khi Dự án cao tốc Bắc - Nam bắt đầu, thì tình hình sẽ khác bây giờ”, Tổng Giám đốc PMU2 Phạm Hồng Sơn hy vong siêu dự án đường bộ nói trên sẽ tạo việc làm cho một đơn vị đang có 200 lao động.
Vẫn chủ đề này, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hữu Long - Tổng Giám đốc PMU6 nói: “Ban này giờ chủ yếu đang tiến hành công tác nội nghiệp phục vụ việc thanh, quyết toán cho các dự án đã hoàn thành. Còn dự án mới thì đang phải chờ. Công ăn việc làm cho 170 con người ở đây đang là vấn đề rất nan giải! Chúng tôi cũng trong đợi Dự án cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) được thông qua”.
Ngay như PMU Thăng Long, một Ban đang có việc làm gọi là “túc tắc” với các dự án vay vốn JICA, ADB, EDCP như đường vành đai 3 Hà Nội, QL217, cầu Thịnh Long và một số Dự án BOT đường bộ khác… cũng đang “mơ” tới ngày khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam.
“Là Ban lớn của Bộ, với hơn 250 người nên chuyện việc làm luôn là điều rất quan trọng. Vì thế, ngoài việc quản lý các dự án trái phiếu, ODA, BOT, lãnh đạo Bộ GTVT còn gợi ý chúng tôi nghiên cứu quản lý thêm các dự án ngoài lĩnh vực đường bộ như đường sắt, đường thuỷ nội địa trong phạm vi khu vực được giao”, ông Dương Viết Roãn - Tổng Giám đốc PMU Thăng Long cho biết thêm.
Cựu Giám đốc PMU6 Phạm Tuấn Anh (phải) đã rời Ban này về Bộ GTVT làm Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng hồi cuối tháng 10/2017 |
Nhiều Giám đốc “thức thời”...
“Trong bối cảnh việc ít người nhiều, Bộ GTVT đã chọn giải pháp sáp nhập, hợp nhất một số PMU để giảm đầu mối, từ đó giảm chí phí và tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định với PLVN.
Thế nhưng, trong mắt một số người, PMU Giao thông giờ đã hết thời “hoành tráng”? Bởi chỉ trong trong vòng chưa đầy 4 tháng qua, liên tiếp có 2 Giám đốc PMU đã “dứt áo ra đi”. Cụ thể, ở PMU6, Giám đốc Phạm Tuấn Anh đã chuyển việc về Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) làm Vụ trưởng, và trước đó không lâu, ông Lê Kim Thành - Giám đốc PMU Đường sắt cũng giã từ Ban này để về Bộ GTVT làm Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.
Thực tế, các PMU Giao thông ít việc và việc một số lãnh đạo không còn mặn mà với chức vụ người đứng đầu các “Ban A”… đã ít nhiều cho thấy vị thế và hình ảnh của các PMU Giao thông trong thời điểm hiện tại. Và điều đó cũng phần nào lý giải cho câu hỏi vì sao các PMU đường bộ đang từng ngày, từng giờ mong đợi ngày động thổ Dự án cao tốc Bắc - Nam.
Được biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến có 11 dự án thành phần, với 3 dự án đầu tư công và 8 dự án thực hiện theo hình thức BOT. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn này là hơn 118 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 55 ngàn tỷ; hơn 63 ngàn tỷ đồng còn lại do các nhà đầu tư huy động.
Với dự án hạ tầng, PMU Giao thông chỉ thực sự quyền hành khi trong vai đại diện chủ đầu tư các dự án do nhà nước bố trí vốn. Còn dự án xã hội hoá theo hình thức Hợp đồng BOT, các PMU Giao thông chỉ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cung cấp “dịch vụ” tư vấn quản lý dự án. Và trong trường hợp đó, nếu không thực sự chuyên nghiệp, bài bản… PMU Giao thông có khi còn không có việc làm.
PMU Hàng hải, Đường thuỷ có “khát” việc? Bộ máy dù không kềnh càng như các PMU đường bộ, các PMU Hàng hải và Đường thuỷ đã, đang triển khai nhiều dự án tạo ra hệ thống hạ tầng để kết nối các phương thức vận tải. Với đặc thù là đại diện chủ đầu tư các dự án dưới nước, công việc của PMU Hàng hải mấy năm gần đây tương đối ổn định, có gối đầu với Dự án luồng tàu biển vào sông Hậu, Cảng quốc tế Lạch Huyện. PMU Đường thuỷ cũng có các dự án nổi bật như Kênh chợ Gạo, WB5, WB6 nâng cấp một số trục đường thuỷ khu vực phía Bắc và Nam. Ông Nguyễn Văn Thể - tân Bộ trưởng GTVT là người đặc biệt quan tâm lĩnh vực này khi vừa nhậm chức ít ngày đã yêu cầu các đơn vị tham mưu tiến hành sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 47 của Thủ tướng về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy. |
Phí cao tốc Bắc - Nam khởi điểm 1.500 đồng/km/xe
Nhà đầu tư tính mức thu phí bình quân 2.500 đồng/km/ôtô 5 chỗ nhưng Chính phủ xác định mức giá ban đầu chỉ 1.500 đồng/km, ... |
Cao tốc Bắc-Nam: Lo vốn lớn, phí cao
Cao tốc Bắc - Nam sẽ có nhiều trạm thu phí BOT, mức thu bình quân là 2.500 đồng/km, cao hơn mức thu bình quân ... |
Tránh tư duy \'cứ vay, đời sau sẽ trả\'
Chiều 3.11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luật Quản lý nợ công (sửa đổi), trong đó có việc quy một đầu mối quản lý ... |
(http://baophapluat.vn/kinh-te/het-thoi-het-ra-lua-pmu-giao-thong-ngoi-trong-cao-toc-bac-nam-367030.html)