Trong 9 năm làm thủ tướng New Zealand, Helen Clark không xa lạ với những cuộc họp thượng đỉnh quốc tế mà bà là người phụ nữ duy nhất.
Cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark tại tọa đàm "Phụ nữ tham chính và Phụ nữ lãnh đạo" và buổi công chiếu bộ phim tài liệu "Một năm cùng Helen" tại Hà Nội này 7/11. Ảnh: Đại sứ quán New Zealand.
Dù ở bất cứ đâu trên thế giới và dù bận rộn đến đâu, Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand ba nhiệm kỳ liên tiếp, người sau này trở thành nữ tổng giám đốc đầu tiên của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, luôn dành thời gian cuối ngày gọi điện về cho bố. Trước mỗi chuyến công tác dài, người từng được xếp vào danh sách 25 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes, lại xắn tay áo nấu hàng chục hộp thịt hầm và xếp gọn gàng vào tủ đông để bố ăn dần trong cả tháng.
Helen Clark sinh ra trong một gia đình ba đời làm nông trên sườn núi Pirongia ở khu vực Waikato, phía bắc New Zealand. "Nhà không có con trai. Bố huy động 4 chị em gái chúng tôi làm mọi việc trên nông trại. Tôi chưa bao giờ có khái niệm con gái không thể làm được việc này hay việc kia. Trong gia đình chúng tôi không tồn tại định kiến về giới", nữ lãnh đạo Clark nói trong cuộc phỏng vấn với VnExpress.
Nhờ gia đình, từ rất sớm, Helen Clark đã ý thức được sức mạnh của phụ nữ. Kể từ khi bắt đầu hoạt động chính trị năm 21 tuổi cho đến khi làm thủ tướng rồi trở thành lãnh đạo quyền lực thứ ba tại Liên Hợp Quốc, bà không ngừng tranh đấu cho sự bình đẳng giữa nam và nữ. "Có những vấn đề chưa từng được New Zealand ưu tiên cho đến khi một lãnh đạo nữ như tôi lên nắm quyền", bà Clark nhấn mạnh.
Khi giữ chức Bộ trưởng Y tế, bà vận động thông qua luật cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và trường học, đồng thời xây dựng thành công chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung và ung thư vú trên phạm vi toàn quốc. Trên cương vị thủ tướng, Clark tiếp tục ủng hộ các chính sách tăng quyền lợi cho phụ nữ. Dưới sự lãnh đạo của bà, trẻ em New Zealand từ 3 đến 4 tuổi được chính phủ tài trợ 20 giờ trông nom mỗi tuần nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ. Theo một nghiên cứu trong nhóm các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới OECD, bao gồm New Zealand, việc chính phủ hỗ trợ dịch vụ chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi sẽ giúp tăng tỷ lệ phụ nữ có con nhỏ tham gia thị trường lao động. Một khảo sát 10 nước trong khối này cho thấy khi chi phí chăm sóc trẻ giảm đi một nửa, số giờ làm việc của các bà mẹ tăng thêm 7-10%.
Theo nghiên cứu năm 2010 của viện đánh giá chính sách thị trường lao động thuộc Bộ Việc làm Thụy Điển, mỗi tháng người chồng nghỉ ở nhà chăm sóc con nhỏ giúp lương của vợ tăng tương ứng 7% trong 4 năm kế tiếp. Học hỏi mô hình của các nước Bắc Âu, Helen Clark là lãnh đạo New Zealand đầu tiên đưa quyền hưởng chế độ thai sản dành cho các ông bố vào luật. Bà nhắc đến gia đình riêng của nữ thủ tướng đương nhiệm Jacinda Ardern như là một ví dụ chứng minh sự tiến bộ về bình đẳng giới ở New Zealand. Bạn đời của Thủ tướng Ardern đã tạm gác công việc của một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng để ở nhà chăm con gái mới sinh. "Phụ nữ và đàn ông trẻ tuổi trên khắp thế giới sẽ nhìn vào họ và tự nhủ: \'Điều này thật sự tuyệt vời!\'", bà Clark tin rằng đây là một thông điệp mạnh mẽ về sự sẻ chia trách nhiệm gia đình.
Helen Clark đặc biệt tin vào sức ảnh hưởng của phụ nữ khi họ nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Trong một báo cáo năm 2015, tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu McKinsey nhận định nếu phụ nữ tham gia một cách bình đẳng với nam giới trên thị trường lao động, giá trị tăng thêm của kinh tế thế giới sẽ đạt 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025, gần bằng giá trị của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cộng lại. "Các công ty tư nhân có nhiều lãnh đạo nữ cấp cao làm ăn tốt hơn. Các nghiên cứu đã chứng minh các công ty này nhạy bén hơn với nhu cầu của khách hàng", cựu thủ tướng New Zealand khẳng định.
Người phụ nữ phá vỡ \'các bức trần kính\'
"Tôi đụng phải bức trần giới hạn khi chân ướt chân ráo vào quốc hội", bà nhắc đến hình ảnh "bức trần kính" tượng trưng cho những định kiến chống lại nữ giới, những rào cản khiến phụ nữ không thể phát huy hết khả năng.
Helen Clark được bầu làm nghị sĩ năm 1981, trước đó bà vừa hoạt động chính trị vừa giảng dạy tại đại học Auckland. "Các nghị sĩ nữ chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ yếu thế trong quốc hội", nhà lãnh đạo năm nay 68 tuổi đã trải qua đủ thăng trầm trên chính trường bất giác nhún vai và rướn nhẹ lông mày khi nhớ lại đầu những năm 80, quốc hội New Zealand chỉ có 8 nghị sĩ nữ, chiếm chưa tới 9% tổng số nghị sĩ. "Nếu lúc đó ai hỏi tôi có nghĩ tới ngày trở thành thủ tướng hay không, câu trả lời của tôi chắc chắn là \'Vô vọng\'".
Tháng 12/1993, Helen Clark trở thành lãnh đạo của phe đối lập trong chính phủ. Ba năm tiếp theo là giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà khi các kết quả thăm dò ý kiến cử tri đều cho thấy tỉ lệ tín nhiệm thấp dành cho vị nữ chủ tịch đảng Lao động. "Tôi mất ba năm chiến đấu để gây dựng uy tín và để được nhìn nhận một cách nghiêm túc". Kết quả, Helen Clark không chỉ thoát vụ đảo chính trong nội bộ đảng mà còn vượt qua được "lời nguyền" của cánh báo chí rằng: "Bà ta sẽ không bao giờ trở thành thủ tướng". Năm 49 tuổi, Helen Clark là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử của New Zealand và là một trong 5 thủ tướng tại vị lâu nhất.
Làm thủ tướng đã không dễ nhưng làm nữ thủ tướng còn khó hơn. "Khi bạn là một nữ lãnh đạo, mọi thứ liên quan đến bạn đều thành chuyện chính trị", Clark nói từ phong cách ăn mặc, kiểu tóc cho đến tông giọng trầm của bà đều trở thành chủ đề bình phẩm. Thậm chí các vấn đề riêng tư, như hai vợ chồng bà quyết định không sinh con, cũng bị đem ra phê phán.
"Đàn ông mạnh mẽ thì luôn được ngưỡng mộ nhưng khi phụ nữ mạnh mẽ, họ bị chỉ trích là quan bà, lắm mồm và hung hăng. Điều này thật nực cười", bà vừa nói vừa vuốt mái tóc ngắn.
Kết thúc ba nhiệm kỳ thủ tướng, Helen Clark chuyển đến New York, Mỹ năm 2009 và tiếp quản chức tổng giám đốc của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Bà là nữ lãnh đạo đầu tiên của tổ chức chuyên giải quyết các thách thức toàn cầu như đói nghèo, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với ngân sách gần 6 tỷ USD mỗi năm cùng đội ngũ nhân viên hơn 8.000 người làm việc tại 177 quốc gia.
Trong lịch sử hơn 70 năm của Liên Hợp Quốc, theo thông lệ, mỗi khi chức tổng thư ký để ngỏ, các ứng viên tiềm năng sẽ vận động hành lang 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Sau khi Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc nhất trí chọn ra lãnh đạo tiếp theo của Liên Hợp Quốc, việc trình ra trước các quốc gia thành viên khác ở Đại hội đồng chỉ là thủ tục.
Tuy nhiên, năm 2016, quy trình chọn ra người kế nhiệm Tổng Thư ký thứ 8 Ban Ki-Moon hoàn toàn thay đổi. Lần đầu tiên, Liên Hợp Quốc kêu gọi các ứng viên công khai tranh cử. Và cũng lần đầu tiên, một nửa số ứng viên bước vào vòng chất vấn trước Đại hội đồng là phụ nữ. Trước đó, Liên Hợp Quốc chưa bao giờ có nữ tổng thư ký. Helen Clark là một trong số 4 người phụ nữ nhắm đến vị trí cao nhất này. Trong bài phát biểu tranh cử, Clark nhấn mạnh bà không ra ứng cử với tư cách một người phụ nữ mà như một cá nhân có khả năng lãnh đạo tổ chức đại diện cho tiếng nói của 7 tỷ người. Kết quả người kế nhiệm ông Ban Ki-Moon, tổng thư ký thứ 9 của Liên Hợp Quốc, vẫn là một người đàn ông. Và đó có lẽ là "bức trần kính" duy nhất mà Helen Clark không thể phá vỡ.
\'Về hưu không có trong vốn từ vựng của tôi\'
Đến Hà Nội vào ngày đầu tháng 11, cựu thủ tướng New Zealand nói mỗi lần quay trở lại, bà đều ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của thành phố. "Tôi vẫn chưa xác định được phương hướng", bà hóm hỉnh nói. Năm 2014, bà đến Việt Nam với tư cách là giám đốc UNDP để thảo luận với chính phủ về biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của thiên tai.
Mặc quần tây ống đứng cùng chiếc áo vest cách điệu cổ tròn màu đen, mái tóc muối tiêu ngắn tỉa gọn ôm sát gương mặt, bà ngồi trong một góc yên tĩnh ở sảnh khách sạn. Lúc đó, bên trong khán phòng, hơn 100 khách mời đang chăm chú theo dõi bộ phim tài liệu dài 90 phút kể lại quá trình vận động tranh cử của bà vào vị trí tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Helen Clark ngồi bên ngoài, đợi bộ phim Một năm cùng Helen kết thúc.
"Từng làm thủ tướng, từng chạy đua vào vị trí cao nhất của Liên Hợp Quốc. Hiện còn có vị trí nào khiến tôi cảm thấy hứng thú nữa đây?" bà miêu tả bản thân là một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động tự do "đang dùng kỹ năng và kiến thức" giúp các tổ chức và ủy ban quốc tế trong các lĩnh vực phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe trẻ em, biến đổi khí hậu và kiểm soát chất kích thích.
Đương nhiên bà vẫn theo đuổi các chính sách trao quyền cho phụ nữ, phụ nữ lãnh đạo và bình đẳng giới. Helen Clark đặc biệt ủng hộ phong trào #metoo chống quấy rối và lạm dụng tình dục. "Phong trào lan rộng trên toàn cầu hơn một năm qua đã phơi bày nhiều hành vi xâm hại phụ nữ tại nơi làm việc", cựu thủ tướng New Zealand nói đôi khi truyền thông "tô hồng" vấn đề bình đẳng giới trong khi trên thực tế, phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản và quấy rối tình dục nơi công sở là một trong những rào cản như vậy. Bà cho biết New Zealand đang xúc tiến đưa hành vi quấy rối tình dục vào luật bảo đảm an toàn lao động.
Bà hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội. Hiện có gần 200.000 người theo dõi tài khoản Twitter Helen Clark. Mạng xã hội là nơi bà chia sẻ suy nghĩ về các vấn đề nổi cộm của thế giới. "Khi trở thành tổng giám đốc của UNDP, tôi không có một đội ngũ trợ lý chuyên trách truyền thông như hồi còn làm thủ tướng. Là một nhà lãnh đạo về các vấn đề phát triển, tôi buộc phải có công cụ giao tiếp với công chúng. Thế nên tôi mở tài khoản trên Facebook, Twitter, Instagram, Linkedin và dùng cả Snapchat", bà giải thích.
"Tôi luôn lắng nghe các ý kiến phản biện có tính xây dựng và không nương tay với những bình luận chửi rủa", theo bà cách giải quyết là chặn tất cả những phát ngôn thù hằn. "Hãy tống khứ những kẻ đó ra khỏi cuộc đời bạn".
Hiện Helen Clark chủ yếu làm việc tại văn phòng ở Auckland cùng một trợ lý riêng. Ngoài thời gian bay khắp thế giới họp hành và diễn thuyết, bà thích "đi dạo trên bãi biển Waihi gần nhà bố". Bà mê trượt tuyết băng đồng và đi bộ đường dài. Gần 10 năm sống ở New York, Mỹ là khoảng thời gian bà say đắm với nghệ thuật nhạc kịch. "Tôi đặc biệt yêu thích opera, âm nhạc là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi".
Nữ nghị sĩ trẻ năm nào từng tự ti cho rằng: "Giỏi lắm mình chỉ có thể làm đến chức bộ trưởng rồi nghỉ" giờ đây, khi đã gần 70 tuổi, Helen Clark cười ngất nói: "Về hưu ư? \'Về hưu\' không có trong vốn từ vựng của tôi".
Không khí đóng chai giá 65 USD bán ở sân bay New Zealand
Nhiều người không ngờ một chai không khí thanh khiết dạng xịt bán ở quầy miễn thuế có giá tới 65 USD. |
New Zealand đẹp như mơ trong clip du lịch của Quỳnh Anh Shyn
Không chỉ trải nghiệm các cảnh quan kỳ vĩ và hoạt động hấp dẫn tại New Zealand, Quỳnh Anh Shyn còn đem đến cho người ... |
Người chèo thuyền New Zealand bị hải cẩu ném bạch tuộc vào mặt
Người đàn ông New Zealand đang tận hưởng buổi chèo thuyền kayak thì con hải cẩu bỗng nhảy lên từ mặt nước, hất con mồi ... |