Thành phố Hà Nội vừa tăng gấp ba mức phí sử dụng vỉa hè, lòng đường khu trung tâm.
vỉa hè
Chính quyền cũng đề xuất đấu giá việc sử dụng lòng đường, vỉa hè. Theo giải thích, tổng phí cho thuê vỉa hè thu được của thành phố sẽ đạt khoảng 38 tỷ đồng năm 2017, và điều này “không phải để tăng ngân sách mà là để vỉa hè quy củ hơn”.
Song tôi lại quan tâm đến giá trị văn hóa, lịch sử của vỉa hè Hà Nội. Nếu “quy củ” một cách lạnh lùng mà thiếu đi “hệ sinh thái vỉa hè” đầy sống động, Hà Nội sẽ không còn là Hà Nội.
Trong hơn tám năm sống ở Hà Nội, từ 2002 đến 2010, tôi chưa bao giờ chán đi lang thang phố xá, ngắm nghía cuộc sống nhộn nhịp, và bắt gặp những nét cá tính của nó nơi nơi.
Đi bộ trong thành phố, ta sẽ nhảy từ điều này sang điều khác mà không có logic gì rõ ràng: từ con phố thẳng tắp cây xanh sang ngay một đoạn đường hỗn độn, từ phong cách kiến trúc Beau Arts nhảy sang kiến trúc thời Xô viết, vừa qua một cái chợ đông đúc ồn ào lại đến ngay một nơi thờ cúng tôn nghiêm. Các ngõ phố và vỉa hè Hà Nội là những khu chợ nhộn nhịp, là chỗ lý tưởng để người ta tìm mua ít hoa quả, cắt tóc hay sắm một chậu cây cảnh. 20 năm qua, 10 năm, và bây giờ vẫn thế.
Không theo một trật tự nào cả, nhưng lần đi nào cũng vô cùng thú vị.
Vỉa hè nói lên rất nhiều điều về bản chất của cuộc sống đô thị, từ hạ tầng cơ sở đến mối quan hệ người với người.
Du khách mới đến luôn cảm thấy vỉa hè truyền thống Hà Nội là sự hỗn loạn. Cực kỳ hỗn loạn. Ngoài việc mọi người tạt vào để dựng xe máy, nó còn diễn ra vô số sinh hoạt mà ở nơi khác người ta chỉ thực hiện trong nhà. Giữa mù mịt khói xe và bụi đường, khó mà tin được rằng có quầy thức ăn đường phố nào có thể vượt qua được cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cơ bản. Người ta rửa hàng trăm chén bát ly cốc trong cùng một chậu nước. Chỉ riêng việc đó cũng đủ làm người nước ngoài khiếp sợ. Chưa kể, cách hàng ăn đó vài mét, những hàng xóm đang tỉ mỉ nhổ tóc cho nhau.
Nhưng lạ thay, vỉa hè Hà Nội lại thực sự quyến rũ. Khách nước ngoài rồi cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng sự hỗn loạn đó vẫn đang được điều khiển bằng những luật lệ rất tinh tế, những quy tắc không thành văn nhưng đều được ngầm hiểu.
Cũng chẳng mất nhiều thời gian lắm để người ta nhận ra rằng đồ ăn đường phố cũng tinh tế không kém đồ ăn trong nhà hàng, nếu không muốn nói tinh tế hơn. Vấn đề vệ sinh thực phẩm có thể không được hoàn hảo, nhưng nguyên liệu chế biến thì luôn tươi ngon đến mức vệ sinh trở thành vấn đề thứ yếu. Chỗ ngồi ăn có thể hơi bừa bộn, nhưng đó lại là nơi gần nhất bạn có thể nhìn cuộc sống của người Hà Nội. Họ thích hè phố hơn những căn phòng chật chội trong phố cổ. Ở đó, người bán hàng rong vẫn mải mê sắp xếp “quầy hàng”. Những bà mẹ vẫn đang cho con bú. Những người đàn ông vẫn ngồi đánh cờ tướng. Các cụ già vẫn đi dạo trong bộ quần áo ngủ… Còn có thể ở đâu khác ngoài Hà Nội, người ta mới thấy một ông già lịch lãm với chòm râu để kiểu truyền thống đang tỉ mỉ chăm sóc con chó xù mới tắm của mình bằng cái máy sấy tóc màu hồng?
Vỉa hè những “khu vực truyền thống” mang một cá tính mạnh, làm nên nét riêng biệt của Hà Nội.
Quay lại câu hỏi làm gì với vỉa hè. Có thể bạn cho rằng khi các thành phố ngày càng phát triển thì vỉa hè nên hạn chế vai trò là nơi giao tiếp xã hội và chỉ nên để đi lại. Nhưng điều này có xảy ra hay không lại là vấn đề của sự lựa chọn, chứ không phải sự sắp đặt của số phận.
Vì sao gọi là lựa chọn? Singapore đi theo hướng giao thông hiệu quả, những vỉa hè sạch bóng và lạnh lùng. Nhưng một số nước châu Âu trong chính sách phát triển đô thị lại ưu tiên vỉa hè như không gian công cộng, nơi diễn ra các giao tiếp xã hội. Ví dụ Barcelona, nơi được coi là một trong các thành phố hiện đại và sống động nhất trái đất. Một vị lãnh đạo thành phố đã nói rằng họ muốn giữ bản chất của sinh thái đô thị, làm thành phố là nơi sống vui. Họ chuyển hơn một nửa các tuyến phố dành cho ôtô thành những “không gian công dân” để người dân vui chơi và giao tiếp.
Chính Hà Nội cũng có một bước tiến quan trọng theo phong cách Barcelona chứ không phải Singapore. Vào cuối tuần, các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã trở thành phố đi bộ. Trong 48 giờ hạnh phúc này, những con phố đó trở nên rất sinh động. Phụ nữ tập thể dục, nam nữ học khiêu vũ, trẻ con đạp xe, các nghệ sĩ biểu diễn… Không khí đó cho thấy sự ủng hộ nhiệt tình của người dân với ý tưởng này của chính quyền.
Từ góc nhìn của mình, một ‘ông tây” yêu Hà Nội, tôi cảm nhận số đông người Hà Nội, và cả tôi, vẫn thực sự yêu quý không khí của những vỉa hè xưa cũ.
Để có thể đưa ra lựa chọn cho Hà Nội, cần làm rõ câu hỏi vỉa hè để làm gì? Để dễ dàng lưu thông? Để duy trì sinh kế? Để nuôi dưỡng văn hóa xã hội? Vỉa hè có nên được dọn dẹp gọn gàng? Hay để chúng mang lại lợi nhuận? Hoặc để chúng phát triển sống động nhưng vẫn phải gọn gàng?
Với ví dụ về ẩm thực đường phố: liệu có thể tách riêng vấn đề an toàn thực phẩm để giải quyết thay vì coi nó như phần tất yếu của hệ “sinh thái vỉa hè”, để rồi dẹp bỏ toàn bộ?
Hẳn nhiên, vừa muốn giữ hồn vía vừa muốn có trật tự sẽ là bài toán khó gấp đôi, gấp ba. Nhưng nếu chỉ đề ra duy nhất tiêu chí “quy củ” để làm chính sách, thì có thể Hà Nội sẽ mất đi nhiều điều từng khiến con người xúc động.
Hà Nội: Đề xuất lắp camera phạt nguội lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có khả thi?
Đề xuất phạt nguội hành vi lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến ... |
Sao không cán bộ nào bị xử lý?
Tham gia chất vấn tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016, liên quan đến vấn đề trật ... |