Hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học tại các trường ĐH: Hồi chuông cảnh báo

Mới đây, dư luận hoang mang lo lắng khi thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mỗi năm nhà trường có khoảng 700-800 sinh viên bị buộc thôi học vì không hoàn thành các bài thi, kỳ thi của nhà trường.

Báo động vì mức sinh viên bị buộc thôi học tại các trường ĐH khá lớn​

Theo lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ lý do là các sinh viên sau khi đỗ vào trường đã quá ham chơi, không đảm bảo được chất lượng đào tạo của nhà trường.

"Điểm đầu vào của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tốt, nhưng điểm trung bình học tập trong hai năm đầu của các em phần lớn xoay quanh 2/4 điểm. Những sinh viên dưới 1 điểm sẽ nhận các mức độ cảnh cáo cho thôi học. Mỗi năm có tới 700 - 800 sinh viên bị nhà trường xử lý buộc thôi học, do ý thức học tập nên không đảm bảo được chất lượng".

Cũng theo vị hiệu phó nhà trường, số lượng sinh viên bị thôi học phần lớn do các em mải chơi chứ không phải chương trình học quá khó. Ngoài ra, khi lên đại học các em được bố mẹ nuông chiều và thường có tâm lý "xả hơi".

"Bất kể một trường đại học nào cũng phải sàng lọc, không phải đầu vào thế nào, đầu kia ra đúng như thế. Nhà trường khi học sinh thi vào sẽ xét chỉ tiêu nhưng khi tốt nghiệp ra trường thì phải đáp ứng được hệ thống đảm bảo chất lượng. Những em không đảm bảo được thì có hình thức cảnh cáo mức 1, cảnh cáo mức 2 và nặng nhất là cảnh cáo mức 3 đó là buộc thôi học.

Trong số hơn 700 sinh viên buộc thôi học có rất nhiều em bị cho thôi học do kết quả học tập tín chỉ. Ví dụ các em bị cảnh cáo mức 1 thì có quy định của quy chế đào tạo tín chỉ, khi sinh viên học yếu nữa thì cảnh cáo mức 2 và đến cảnh cáo mức 3. Chỉ cần 6 tháng các em học không tập trung thì kết quả học tập tụt dốc, không thể cố được vì học theo tín chỉ, rất khó để theo học tiếp” - lãnh đạo nhà trường cho hay.

Đây không phải là thông tin quá mới mẻ vì cách đây vài năm, Trường ĐH Tây Nguyên gây xôn xao khi buộc cảnh cáo, thôi học tới gần 1.000 sinh viên. Theo nhà trường lý giải thì nguyên nhân chính vẫn là do các em ham chơi, học hành một cách thụ động.

Và cũng gần đây nhất, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa có cảnh báo học vụ hơn 600 sinh viên học kỳ 2, năm học 2016-2017 vì điểm kém so với chất lượng đào tạo của nhà trường và buộc thôi học tới gần 120 sinh viên.

Các trường như ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM… cũng cho biết mỗi năm nhà trường phải buộc thôi học tới hàng trăm sinh viên ở các ngành học khác nhau.

Chia sẻ với phóng viên, thầy giáo Vũ Hoàng Linh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Ngay sau khi tiếp xúc với môi trường học tập mới, các sinh viên còn khá nhiều bỡ ngỡ vì sự khác biệt trong học tập so với thời phổ thông. Bản thân sinh viên phải tự lập nhiều thứ, thậm chí dễ dàng gặp phải cám dỗ từ bạn bè, xã hội dẫn đến buông lỏng việc học hành. Có những em thi điểm đầu vào ở trường khá cao nhưng sau một thời gian học tập, kết quả học tập giảm sút đáng kể, buộc các sinh viên đó phải rời khỏi giảng đường trong nuối tiếc.

Đâu là giải pháp?

Theo ông Lê Quang Thành - Trưởng phòng đào tạo ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng “Mỗi năm trường tuyển khoảng 3.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng chính quy, tức số sinh viên toàn trường mỗi năm khoảng 13.500 sinh viên thì tỷ lệ sinh viên bị buộc thôi học hàng năm khoảng 1,4%. Tôi xin không bình luận về con số này là nhiều hay ít, cao hay thấp nhưng đối với một gia đình khi có con em bị buộc thôi học là một điều thật khủng khiếp”.

Khẳng định với phóng viên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội thẳng thắn cho rằng ngoài việc để học sinh cố gắng, chính các thầy cô giáo cũng nên quan tâm đến tâm lý của các sinh viên, đặc biệt đối với các sinh viên đang… đứng trên bờ vực của việc thôi học.

Theo các chuyên gia giáo dục cho rằng, phần lớn các sinh viên khi nhập học mới bắt đầu cuộc sống xa gia đình, vì vậy, cần có sự quan tâm giúp đỡ của nhà trường và các đoàn thể một cách sát sao, tránh những sai lầm đáng tiếc. Bên cạnh đó, nhà trường cố gắng tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến chuyên môn ngoài giảng đường như thực tập, thực hành ở các đơn vị tuyển dụng để sinh viên thấy được công việc của mình sau này và hứng thú với ngành, nghề đang học.

Đáng chú ý, các trường ĐH cần có phòng tư vấn tâm lý để sinh viên sẵn sàng đến giãi bày, chia sẻ và trao đổi những áp lực mà mình gặp phải trong học tập, trong cuộc sống để được tháo gỡ. Đối với các sinh viên vào ĐH là bắt đầu một chặng đường học tập vất vả, khó khăn hơn rất nhiều so với ở bậc học phổ thông chứ không phải lúc để xả hơi. Vì vậy, cần đăng ký tín chỉ học tập phù hợp năng lực của mình, từ đó cố gắng nỗ lực để tránh xảy ra những điều đáng tiếc như bị buộc thôi học.

Theo ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định việc thay đổi môi trường học, phương pháp học, định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng khiến nhiều sinh viên bị “lạc” trong chính kiến thức mà mình gặp phải. Hơn nữa, vào ĐH, với mô hình đào tạo theo tín chỉ, tự đăng ký môn học, tự hoạch định kế hoạch học tập cho bản thân, nhiều em theo tâm lý đám đông, đăng ký nhiều tín chỉ nhưng không hoàn thành. Đáng chú ý, nhiều sinh viên từ phổ thông vào ĐH dễ bị thất vọng vì chương trình đào tạo khi phải học các môn đại cương, các môn chính trị sau đó mới được học những kiến thức về chuyên ngành.

Những em yêu thích ngành nghề theo học và những em không đỗ vào trường theo nguyện vọng 1 chấp nhận vào trường theo kiểu cứ đỗ ĐH là được. Tâm lý học tập lung lay, không chọn được ngành, nghề phù hợp cũng là điều dễ hiểu.

“Chưa kể đến việc các sinh viên quá sa đà vào các trò chơi điện tử, chưa xác định rõ con đường phía trước nên chưa có mục tiêu phấn đấu. Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các sinh viên phải chịu áp lực lớn bởi môn Toán cao cấp và Vật lý đại cương được dạy ngay từ năm đầu. Nếu sinh viên không phấn đấu trong học tập thì sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị buộc thôi học".

Để khắc phục, trường ĐH Bách khoa cũng cho biết sẽ cấp mã số tài khoản quản lý học tập cho sinh viên và cả phụ huynh để phụ huynh nắm được lịch học của con mình, kiểm soát được tình hình sau đó sẽ định hướng cho con em mình ổn định tinh thần, giúp đỡ sinh viên học tập ổn định hơn, tránh tình trạng xấu nhất.

Không học được gì mới từ buổi nói chuyện của Jack Ma

Đó là ý kiến của nhiều bạn trẻ trên các diễn đàn mạng xã hội sau khi nghe buổi đối thoại giữa Jack Ma và ...

Sinh viên cần có văn hóa chấp nhận thất bại trong khởi nghiệp

Thứ trưởng Khoa học Công nghệ cho rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thường gắn với rủi ro, sinh viên không nên sợ thất ...

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội buộc thôi học hơn 700 sinh viên mỗi năm

- Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mỗi năm nhà trường phải ...

http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/hang-tram-sinh-vien-bi-buoc-thoi-hoc-tai-cac-truong-dh-hoi-chuong-canh-bao-75381.html

/ Theo Dạ Thảo/báo Một thế giới