Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước đạt 414,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Người dân lựa chọn mua đồ tại siêu thị. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Theo Tổng cục Thống kê, tháng Hai là tháng sau Tết Nguyên đán và là tháng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước đạt 414,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 325,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6,7% và tăng 8,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, giảm 13% và giảm 3,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 21% và giảm 6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,2% và tăng 1,8%.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 863,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước đạt 674 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2019; trong đó, ôtô tăng 11,2%; xăng, dầu tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,5%; may mặc tăng 8,9%; lương thực, thực phẩm tăng 8,6%; phương tiện đi lại tăng 7,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 4,7%.
Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá là: Quảng Ninh tăng 13,8%; Hải Phòng tăng 13,6%; Thanh Hóa tăng 11,9%; Nghệ An tăng 10,9%; Hà Nội tăng 10,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,6%; Đà Nẵng tăng 8,2%; Khánh Hòa tăng 7,9%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người dân hạn chế đi lại và ăn uống ngoài gia đình. Việc tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương; trong đó, Khánh Hòa giảm 24,2%; Lâm Đồng giảm 10,2%; Hà Nội giảm 8,1%; Cần Thơ giảm 5,6%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 5%; Thanh Hóa giảm 2,9%; Bình Định giảm 1,6%.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm ước tính đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu của Bình Thuận tăng 5,3%; Đà Nẵng tăng 1,5%; Hà Tĩnh tăng 0,8%; Hải Phòng giảm 0,7%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1,2%; Hà Nội giảm 9,5%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 9,7%; Quảng Nam giảm 12,8%; Thanh Hóa giảm 23,6%.
Doanh thu dịch vụ khác trong 2 tháng đầu năm ước tính đạt 87,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2019./.
Hàng tiêu dùng, thực phẩm tăng giá
Thị trường hàng hóa ghi nhận dịp sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một số mặt hàng có xu hướng tăng giá, đặc biệt ... |
Khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng, cân nhắc khi vay tiền online
Việc giao dịch với các mô hình vay tiền online có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt ... |
Thói quen của người tiêu dùng trong thời đại 4.0
Với những nội dung cập nhật, hấp dẫn liên quan đến các thông tin tiêu dùng trong và ngoài nước, Bản tin Tiêu dùng 24h ... |