Để ôn thi THPT quốc gia, thủ khoa khối B của Quảng Ngãi dùng máy tính lên Internet luyện đề, nhưng không dùng điện thoại vì sợ "hư người".
Những ngày qua, thầy cô trường THPT Mộ Đức 2 vui mừng vì có hai học sinh là thủ khoa toàn tỉnh ở khối B và A1. Em Võ Mạnh Tùng là thủ khoa khối B với tổng điểm 28,35 (Toán 9,6; Hóa 9; Sinh 9,75), thấp hơn thủ khoa cả nước 1,45 điểm; và Lê Thị Ngọc Ánh là thủ khoa khối A1 với tổng điểm 27,95 (Toán 9,6; Lý 8,75; tiếng Anh 9,6), thấp hơn thủ khoa cả nước 0,95 điểm, cùng học lớp 12A1.
|
|
Võ Mạnh Tùng và Lê Thị Ngọc Ánh là bạn học cùng lớp 12A1. Ảnh: Phạm Linh. |
Thầy Nguyễn Văn Tùng, giáo viên chủ nhiệm cho biết lớp 12A1 là lớp chọn của trường. Mạnh Tùng là thủ khoa đầu vào khi thi lên lớp 10, còn Ngọc Ánh là cô học trò năng động, đứng top đầu của lớp về môn tiếng Anh.
Gương mặt trong sáng, bẽn lẽn, Tùng có vẻ ngoài nhút nhát và kiệm lời, cậu cho biết rất thích học Toán và từng đạt 3 giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh các năm lớp 9, 11 và 12. Là con trai đầu của gia đình có ba anh em, cha mẹ đều làm nông, sự vất vả của cha mẹ chính là một phần động lực để em cố gắng.
"Hồi em còn học tiểu học ba em bị tai nạn, từ đó em ước mơ làm bác sĩ, lớn lên em muốn học kinh tế, rồi lại đổi ý thi khối B làm bác sĩ đa khoa", Tùng nói.
Góc học tập của Tùng được bao quanh bởi hai bức từng dán đầy giấy khen, nam sinh kể chỉ có năm lớp 3 là học sinh khá, 11 năm học còn lại đều đạt loại giỏi. Ở giữa là chiếc máy tính để bàn, đây là người bạn thân thiết của Tùng trong ba năm THPT.
Cậu học trò cho biết, ngoài học trên lớp và học thêm thầy cô của trường, em dùng máy tính học tập và giải đề ở các trang web có trả phí. Chương trình chạy đến đâu, Tùng lên Internet luyện tập đến đó để nắm chắc các dạng bài. Trong hai tháng cuối cùng trước kỳ thi THPT quốc gia, mỗi ngày Tùng đều giải 1-2 đề thi các môn.
"Ngoài giờ học, em lên mạng đọc truyện ngôn tình", Tùng nhoẻn miệng cười và nói những giờ đọc truyện giúp cậu giải trí và có khả năng nắm bắt văn bản nhanh hơn.
Sử dụng Internet song cậu học trò không sa đà vào mạng xã hội, và không dùng điện thoại đến trước kỳ thi THPT vì sợ "hư người". "Thi xong mẹ đã tặng cho em chiếc smartphone đầu tiên", nam sinh khoe.
|
|
Tùng đun nước bằng bếp củi giúp mẹ. Ảnh: Phạm Linh. |
Chị Trần Thị Thu (41 tuổi), mẹ Tùng cho biết vợ chồng đều làm nông, những lúc rảnh rỗi chị phụ làm bánh để kiếm thêm thu nhập. Gia đình luôn động viên và tạo điều kiện để con trai ít làm việc đồng áng, tập trung học tập. Trước ngày thi, chị nấu món chè đậu đỏ để con trai ăn cầu may.
Trái ngược với vẻ nhút nhát của Tùng, Lê Thị Ngọc Ánh, thủ khoa khối A1 thể hiện suy nghĩ trưởng thành và sự năng động, thích giao tiếp với mọi người. Đôi mắt sáng đầy hoài bão, Ánh nói từ nhỏ em đã ước mơ làm doanh nhân nên đăng ký vào ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Kinh tế Luật - TP HCM.
Gia đình có 4 chị em, cha làm thợ xây, mẹ đi mua ve chai nuôi các con ăn học, Ngọc Ánh không giấu được xúc động khi nói về sự vất vả của cha mẹ. Cô học trò bù đắp cho những nhọc nhằn ấy bằng cách nỗ lực học tập hết mình. Năng khiếu và đam mê môn tiếng Anh đã mở ra cho Ánh những chân trời mới.
"Em thấy việc biết một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ rất thú vị, em muốn giao tiếp với mọi người và tìm hiểu văn hóa của các nước", Ánh nói. Không có điều kiện để giao tiếp thường xuyên với người bản xứ, Ánh thường học nghe và nói bằng cách nghe nhạc Âu, Mỹ trên Internet.
|
|
Ánh cùng mẹ và bà nội vui với kết quả thủ khoa khối A1 của tỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Phạm Linh. |
Mỗi khi có cơ hội gặp người nước ngoài, Ánh thường nắm bắt ngay để thực hành. Thầy Nguyễn Văn Tùng, giáo viên chủ nhiệm, kể: "Cả lớp đi du lịch ở Đà Nẵng, mọi người nói chuyện với nhau còn Ánh cứ tìm người nước ngoài nói chuyện".
Từng đạt giải cuộc thi Olympic tiếng Anh cho học sinh THCS, giải 3 học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 12, học bổng tiếng Anh IVS do các Cựu học sinh trường Tiếng Anh IVS Quảng Ngãi trao tặng, Ngọc Ánh nói rằng việc học tiếng Anh không phải là chuyện ôn luyện ngày một ngày hai mà cả một quá trình. "Em nghĩ nước mình còn đang phát triển, tiếng Anh sẽ giúp kết nối với bạn bè quốc tế và giúp cho công việc của em sau này", Ánh nói.
Bà Đoàn Thị Thùy Nho (48 tuổi), mẹ Ánh vui sướng và bất ngờ vì con gái không chỉ đạt điểm cao so với trường mà còn là thủ khoa một khối của tỉnh. "Cháu học chăm mà khi có việc nhà cháu cũng xắn tay vào làm giúp mẹ", bà nói. Còn bà nội Ánh thì trách yêu: "Nhiều lúc nó cứ lọ mọ bật đèn học rồi tắt đèn làm tui mất ngủ".
Theo thầy Nguyễn Văn Tùng, lớp A1 có 40 học sinh thì có 20 em đạt điểm xét tuyển Đại học từ 24 trở lên, 8 em đạt điểm 9 trở lên môn Toán. Đây là lứa học sinh thi điểm cao nhất trong các lớp ông từng chủ nhiệm.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Quảng Ngãi có hơn 12.700 thí sinh tham dự, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 85,92%, thấp hơn gần 7% so với năm ngoái. Trong đó các trường THPT đỗ 88,15%, các trung tâm giáo dục thường xuyên đỗ 45,1%.
Với kết quả trên, Quảng Ngãi xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Trường duy nhất đạt tỷ lệ 100% là THPT Chuyên Lê Khiết. Riêng Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Minh Long, với 10 thí sinh dự thi, không có ai đỗ tốt nghiệp THPT.
Loạt thủ khoa, á khoa vừa xinh vừa giỏi chọn ĐH Ngoại thương
#THPTquốcgia2019, #Thiđạihọc; # Điểmchuẩnđạihọc: Thủ khoa khối A1, D1, D7 hay á khoa khối A toàn quốc đều chọn ĐH Ngoại thương - ngôi trường ... |
Một lớp có hai thủ khoa toàn quốc
Lớp 12 toán của trường chuyên Hà Tĩnh có 11 em được tuyển thẳng đại học, hai thủ khoa khối A1 và D7. |