Hãi hùng với bộ ngực sập sệ sau khi nâng cấp

 
Túi nâng ngực đã cải tiến nhiều nhưng tỷ lệ biến chứng có thể gặp 1-6%, trong đó bao xơ là biến chứng khó chịu nhất cho người đặt túi nâng ngực.
 

Khổ sở vì nâng ngực

Tới “cầu cứu” các bác sĩ BV Xanh Pôn, Hà Nội trong tình trạng bộ ngực căng tức, to lên, chị K.T.H, 45 tuổi, cho biết, hơn 1 năm trước, chị thực hiện nâng ngực tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội. Chị được đặt túi tròn trơn theo đường quầng vú và đặt trước cơ. Sau phẫu thuật 6 tháng, chị H. thấy ngực co cứng và dần biến dạng cả hai bên vú. Hơn một tháng trước, chị H. được bác sĩ phẫu thuật mổ tháo túi nhưng để lại bao xơ. Sau khi tháo túi 1 tháng, hai ngực dần to căng, đau tức.

Ngực sập sệ vì... nâng ngực

Qua thăm khám, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình (BV Xanh Pôn, Hà Nội) đã tiến hành siêu âm và thấy có tình trạng đọng dịch ở cả hai ngực kích thước 24x80mm. Bệnh nhân được phẫu thuật để kiểm soát tình trạng bao xơ. Cả hai bên ngực đều bị bao xơ dày 4mm, bên trong lòng bao xơ chứa 150ml dịch màu đỏ và máu tụ.

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình (BV Xanh Pôn) cho biết, đây là một biến chứng thường gặp khi không bóc bỏ bao xơ và không cầm máu kỹ khi rạch bao xơ. Đối với những bệnh nhân bị bao xơ như trường hợp này, cách xử trí tốt nhất là lấy bỏ bao xơ, cầm máu kỹ, đặt lại túi độn nhám sau cơ ngực để tránh tái phát bao xơ.

Bao xơ nguy hiểm thế nào?

GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết thêm, hình thành bao xơ là một biến chứng không mong muốn sau khi đặt túi độn ngực. Nguyên nhân tạo bao xơ do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

“Nguyên tắc để xử trí bao xơ bao gồm bỏ túi độn và loại bỏ bao xơ. Tuy nhiên, nhiều phẫu thuật viên chỉ bỏ túi độn và để lại bao xơ bằng cách gây tê tại chỗ nhằm hy vọng bao xơ sẽ tiêu đi trong một thời gian. Gây tê có nhược điểm là không thể cầm máu kỹ sau khi lấy bỏ túi độn ngực. Chảy máu tại đường rạch bao xơ và đọng lại trong bao xơ là do bao xơ có rất nhiều mạch máu. Biến chứng chảy máu sau khi lấy túi độn hiếm gặp nhưng khi xảy ra sẽ tiên lượng không tốt cho bệnh nhân”, GS.TS Sơn cho hay.

Hiện túi ngực là vật liệu dùng trong y khoa có nhiều cải tiến theo thời gian. Về kỹ thuật đặt túi ngực cũng có nhiều tiến bộ và gần như hoàn thiện quy trình đặt túi ngực sao cho đạt 2 mục tiêu chính là đẹp và an toàn. Trong đó, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu.

Trường hợp bị biến chứng vì nâng ngực

Để tránh rủi ro, các bác sĩ khuyến cáo, những người muốn đặt túi ngực, phải có sức khỏe đầy đủ, không bị rối loạn đông máu, không bị rối loạn miễn dịch, không bị các bệnh cấp tính. Nếu mắc những bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đều phải được kiểm soát cho ổn định trước khi tiến hành phẫu thuật.

Bao xơ co thắt là biến chứng khó chịu nhất của phẫu thuật đặt túi ngực. Đó là phản ứng của cơ thể đối với vật lạ. Tỷ lệ bao xơ co thắt nói chung hiện nay là 1-5%. Các chuyên gia cũng chỉ ra 2 loại bao xơ gặp phải khi đặt túi nâng ngực. Bao xơ sinh lý và bao xơ bệnh lý. Bao sơ sinh lý thường mỏng, mềm mại, xuất hiện chậm (có thể 10-20 năm sau khi đặt túi) và không gây ra một triệu chứng lâm sàng nào đáng kể.

Bao xơ bệnh lý, được kích hoạt bởi một số yếu tố rất đa dạng có thể từ cơ địa bệnh nhân, chất lượng túi ngực, thao tác phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nên bao xơ xuất hiện sớm, dày, co rút và làm biến dạng ngực, gây đau, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân và thẩm mỹ.

Lệ Hà / Theo Báo Lao Động