Các bệnh viện mắt tư nhân tại Gia Lai đã gom bệnh nhân dưới hình thức khám "từ thiện, nhân đạo". Nhiều trường hợp được "tư vấn" phải phẫu thuật, phẫu thuật xong mắt bị biến chứng, tệ hơn. Mới 6 tháng, các bệnh viện này đã yêu cầu thanh toán vượt quỹ bảo hiểm y tế hàng tỉ đồng so với mức dự toán giao cả năm.
Các bệnh viện mắt tư nhân tại Gia Lai đã gom bệnh nhân dưới hình thức khám "từ thiện, nhân đạo". Nhiều trường hợp được "tư vấn" phải phẫu thuật, phẫu thuật xong mắt bị biến chứng, tệ hơn. Mới 6 tháng, các bệnh viện này đã yêu cầu thanh toán vượt quỹ bảo hiểm y tế hàng tỉ đồng so với mức dự toán giao cả năm.
Ngày 17.7, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai - Trương Công Hoài - đã ký văn bản số 2297 yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh việc "lấy danh nghĩa làm từ thiện để gom bệnh nhân, trục lợi bảo hiểm y tế".
Hai bệnh viện có dấu hiệu "thu gom" bệnh nhân được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai chỉ mặt điểm tên trong văn bản số 380/BHXH-GĐBHYT là bệnh viện mắt Cao Nguyên (248/ Lê Duẩn, phường Trà Bá, TP Pleiku, Gia Lai) và bệnh viện mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai (126/ Wừu, phường Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai).
Tổng nguồn kinh phí chi, khám chữa bệnh BHYT năm 2019 là 18,6 và 17 tỉ đồng nhưng mới 6 tháng bệnh viện mắt Cao Nguyên và bệnh viện mắt Quốc tế - Gia Lai lại yêu cầu thanh toán lần lượt là 24,2 và 14,2 tỉ đồng. Ảnh Phong Nam |
Trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện mắt Cao Nguyên có 13.488 lượt người khám bệnh ngoại trú (nội tỉnh 10.465 lượt; ngoại tỉnh 3.023 lượt) và điều trị nội trú là 4.662 lượt người (nội tỉnh 3.165 lượt; ngoại tỉnh 1.497 lượt). Bệnh viện mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai có 4.952 lượt người khám ngoại trú và 2.418 lượt người điều trị nội trú.
Nhiều bệnh nhân cho biết, mang tiếng là khám bệnh “từ thiện”, “miễn phí” nhưng lại bắt người dân phải có thẻ bảo hiểm và chứng minh nhân dân để làm thủ tục. Nếu thiếu các giấy tờ trên, bệnh viện yêu cầu bổ sung đầy đủ rồi mới được chữa trị.
Ông Nguyễn Đức H (SN 1949, xã Đắk Hlơ, huyện K'Bang) có 2 mắt bị giảm thị lực. Trong đó, mắt phải giảm thị lực còn khoảng 3/10 do đã 70 tuổi; mắt trái giảm thị lực còn 5/10. Sau khi được "tư vấn", ông Hải được bệnh viện mắt Cao Nguyên chở lên bệnh viện mổ luôn 2 mắt. "Nếu biết mổ 2 mắt thì không bao giờ tôi đồng ý”, ông H thắt lòng.
Ông Nguyễn Đình N (cùng trú xã Đắk Hlơ) sau khi được bệnh viện mắt Cao Nguyên về tận xã khám “từ thiện”, nói ông thị lực kém phải mổ. Ông được bệnh viện "chở" lên tận TP Pleiku để mổ mắt. Mổ xong, mắt lúc nhìn được, lúc nhòe. Nước mắt liên tục chảy.
Một số bệnh nhân sau khi khám, phẫu thuật mắt tại bệnh viện mắt Cao Nguyên phản ánh mắt có dấu hiệu bị biến chứng, tình trạng xấu hơn lúc chưa bị chữa trị. "Sự việc này này được các bệnh nhân kiến nghị làm rõ tại buổi tiếp xúc cử tri" - Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế (BHXH tỉnh Gia Lai) - ông Nguyễn Văn Mau - thông tin.
Dự toán chi, khám chữa bệnh theo quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) năm 2019 của bệnh viện mắt Cao Nguyên là 18,6 tỉ đồng. Tuy vậy 6 tháng đầu năm, bệnh viện này đã kiến nghị BHXH tỉnh Gia Lai thanh toán 24,2 tỉ đồng.
Còn bệnh viện mắt Quốc tế - Sài Gòn nguồn dự toán kinh phí chi, khám chữa bệnh BHYT là 17 tỉ đồng, mới 6 tháng, bệnh viện này cũng "đòi" BHXH thanh toán 14,2 tỉ đồng.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai - ông Lê Quốc Khánh ký văn bản 380 nêu rõ, BHXH đã trích xuất dữ liệu chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do 2 bệnh viện trên gửi đề nghị BHXH tỉnh Gia Lai thanh toán trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, BHXH tỉnh Gia Lai nhận thấy "có dấu hiệu thu gom bệnh nhân". Vì lý do này, BHXH tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam nhờ can thiệp.
Thu gom bệnh nhân, trục lợi quỹ bảo hiểm