Khoảng 2 năm trở lại đây, những sự cố liên quan đến việc người dân phản đối vị trí các trạm BOT đường bộ ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến các dự án hạ tầng giao thông dự kiến được triển khai bằng hình thức này. Khoan hãy bàn đến chuyện đúng-sai, chỉ xét ở khía cạnh hậu quả, là có hàng chục dự án cầu, đường cực kỳ quan trọng đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ vì sự cố này. Điều đáng nói, các dự án hạ tầng này hầu hết đều rất quan trọng và cần thiết.
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, do nguồn vốn lớn, nếu không thực hiện theo hình thức BOT, rất khó để thực hiện các dự án này bằng hình thức đầu tư thay thế khác trong bối cảnh như hiện nay.
Có thể khẳng định, nhu cầu sử dụng nguồn vốn BOT hiện nay ở nước ta là rất cần thiết và cấp bách. Mô hình này thực chất là việc kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân góp vốn để xây dựng hạ tầng giao thông (cầu, đường) trong khi nguồn vốn nhà nước khó khăn.
Ngay cả các nước phát triển, Nhà nước cũng hạn chế đầu tư các dự án hạ tầng để cho doanh nghiệp góp vốn thực hiện. Đặc biệt, ngay chính các doanh nghiệp vận tải, người dân, đối tượng sử dụng dự án BOT cũng có thể đầu tư, góp vốn để hoàn thành các dự án theo các hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, do sự quản lý thiếu chặt chẽ, giám sát chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, nên một số dự án BOT ở nước ta vừa qua đã nảy sinh các bất cập, sai sót, thậm chí không đúng với các quy trình, quy chế và luật pháp có liên quan. Do đó, không ít người dân, doanh nghiệp sử dụng đã phản đối.
Nhưng điều đó không có nghĩa hình thức đầu tư xây dựng hạ tầng BOT là tiêu cực. Ngược lại, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông hiện nay, nếu không thực hiện theo hình thức BOT thì sẽ đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện được vì nguồn lực đầu tư công là bất khả thi.
Ví dụ Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 một cây cầu huyết mạch nối liền TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và TP Bến Tre (tinh Bến Tre). Dù nhiều lần được chào mời nhưng hiện nay, nhiều nhà đầu tư tỏ ra dè dặt khi thực hiện dự án này trong khi cầu Rạch Miễu hiện hữu đang có dấu hiệu quá tải, thường xuyên ùn tắc, kẹt xe vì lưu lượng phương tiện tăng nhanh. ở hoàn cảnh tương tự, các công trình như Dự án xây dựng cầu Cửa Hội nối liền 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; Dự án án cải tạo tuyến quốc lộ 53, quốc lộ chạy dọc sông Hàm Luông, đi qua Sóc Trăng, Trà Vinh hay Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 30 đi qua Tiền Giang, Đồng Tháp…
Điều đáng nói, đó lại hầu hết là các dự án hạ tầng lớn, nhiều kỳ vọng và nếu được hoàn thành, sẽ góp phần đáng kể cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Đáng lưu ý là có một dự án quan trọng, dù chưa triển khai nhưng cũng đang đối mặt nhiều thách thức, đó là Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc-Nam. Đây dự án lớn, tuy nhiên, dù đã được quy hoạch, phê duyệt nhưng nhiều người nhìn nhận, hiện nay Dự án này rất khó để kêu gọi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư vì có thể phát sinh rắc rối khi thu hồi vốn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước gần như là không thể thực hiện dự án khổng lồ này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau những hệ lụy phát sinh từ các trạm thu phí BOT đến nay, rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy e ngại và rủi ro khi đầu tư vào các dự án thực hiện theo hình thức này.
Như chủ đầu tư Dự án BOT xây dựng, cải tạo tuyến đường ĐT 830 đi qua huyện Đức Hòa, Bến Lức (tỉnh Long An) chia sẻ, dù hạ tầng dự án đã hoàn thiện cả tháng nay nhưng Công ty vẫn chưa được phép thu phí vì lãnh đạo địa phương e ngại phát sinh tiêu cực. Điều đáng nói, vốn đầu tư dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại không thể thu hồi, khiến doanh nghiệp vẫn phải trả cả tiền gốc lẫn lãi của ngân hàng trong khi đối tượng sử dụng hạ tầng lại không phải trả phí.
Một chuyên gia hạ tầng giao thông nhìn nhận, các dự án BOT có ưu điểm kích thích nhà đầu tư cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân. Ví dụ điển hình là Dự án BOT xây dựng tuyến đường cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây. Kể từ khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng cách đây mấy năm, tuyến đường này là sự lựa chọn hàng đầu của tất cả các phương tiện ở khu vực, dù phải trả phí.
Không những vậy, Dự án này còn kích thích hạ tầng, dân cư, kết nối vùng miền ở khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, giúp kéo ngắn khoảng cách di chuyển tới trung tâm TP HCM. Và trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu các dự án hạ tầng bị đình trệ sẽ mang đến những hệ lụy rất lớn. Và đối tượng chính bị ảnh hưởng chính là người dân, doanh nghiệp trong vùng dự án vì nhu cầu sử dụng hạ tầng giao thông không được đáp ứng.
Có thể nói, trong khi nhu cầu sử dụng các hạ tầng giao thông đang ngày một gia tăng và cần thiết nhưng xu hướng doanh nghiệp e ngại đầu tư sẽ mang đến nhiều hệ lụy. Nó không chỉ kéo lùi sự phát triển mà còn khiến cho môi trường đầu tư không còn hấp dẫn với doanh nghiệp.
Vì vậy, việc minh bạch, có giải pháp đúng đắn, công bằng dành và hành lang pháp lý chặt chẽ đảm bảo sự công bằng, hợp lý, các bên cùng có lợi cho các dự án BOT là điều vô cùng cần thiết lúc này. Có lẽ, phải bắt đầu từ các điểm đen BOT hiện nay, giải quyết thỏa đáng và triệt để, cả người dân và doanh nghiệp đều thấy rằng tất cả cùng được hưởng lợi hài hòa.
Sẵn sàng cho đặc khu Phú Quốc
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác chuẩn bị và kế ... |
Nhiều cơ hội giảm chi phí logistics
Sáng nay (16-4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết ... |
Buýt nhanh BRT vẫn "độc đạo" một đường: Lãng phí hạ tầng giao thông
Buýt nhanh BRT vẫn “một mình một đường”, đó là thông tin được ông Ngô Mạnh Tuấn - PGĐ Sở GTVT Hà Nội - cho ... |
Hà Nội cần ngàn tỷ làm hạ tầng giao thông: Tiền đâu?
Với số lượng dự án và tổng mức đầu tư quá lớn, theo chuyên gia, dẫu huy động nguồn lực xã hội cũng không thể đủ. |
Đoàn Xá