Sáng nay (16-4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng vấn đề nổi cộm nhất là chi phí của Việt Nam còn ở mức cao - tương đương 20,9 % so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Do vậy, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), năm 2017, vận tải đường bộ có giá thành cao nhưng chiếm tới 77,2% thị phần vận tải, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm tương ứng hơn 17% và 5,22%. Cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, đường hàng không chỉ chiếm 0,02%.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP HCM (không tính chi phí xếp dỡ 2 đầu) vào khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và cao hơn 2,5 lần so với đường sắt.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cũng nêu rõ việc kết nối giữa các phương thức vận tải biển còn tồn tại một số hạn chế dẫn đến chi phí vận tải cao như tình trạng tắc nghẽn phương tiện và hàng hóa trên các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái (quận 2), khu vực cụm ICD Trường Thọ (quận Thủ Đức, TP HCM).
Vận tải đường bộ dù có giá thành rất cao nhưng vẫn đang chiếm tới 77,2% thị phần vận tải
Ngoài ra, "trên nhiều tuyến vận tải ở ĐBSCL, chi phí xếp dỡ chiếm tới 35%-40% tổng chi phí cho vận tải trọn gói. Thời gian vận tải bằng đường thủy nội địa cao hơn 5 lần và tính ổn định thấp hơn so đường bộ do phụ thuộc vào luồng lạch theo mùa nên không hấp dẫn" - Bộ GTVT cho hay.
Bộ GTVT đưa ra giải pháp tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%.
Dự kiến tại hội nghị, Bộ GTVT sẽ kiến nghị với Thủ tướng 6 giải pháp chính nhằm giảm chi phí logistics. Một là, cần có các giải pháp đồng bộ đầu tư hệ thống giao thông phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hai là, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn (ICD) của Việt Nam, Bộ GTVT đang xây dựng hệ thống chi tiết để ngay trong tháng 4-2018 sẽ trình lên Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Ba là, trong việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông cần ưu tiên cho hệ thống đường thủy nội địa, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL.
Bốn là, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số cảng nước sâu, đầu tư hạ tầng khu Cái Mép - Thị Vải, nâng cấp các tuyến luồng để đón tàu siêu lớn nhằm khai thác tối đa hệ thống hạ tầng hiện có. Bởi hiện nay tàu không thể vào Cái Mép - Thị Vải 24/24 giờ mà phải chờ thủy triều. Nếu tàu ra vào được 24/24 giờ thì các hãng tàu lớn sẽ mở các luồng tàu ra vào nhiều hơn, để hàng hóa đến châu Âu, Mỹ nhanh hơn mà không cần trung chuyển sang Singapore.
Năm là, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục triển khai chủ trương kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện để bảo đảm bình đẳng giữa các phương thức vận tải. Sáu là, tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang là rào cản khá lớn. Bộ GTVT kiến nghị đẩy nhanh hơn, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bỏ hẳn hoặc đơn giản hóa, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Logistics oằn mình cõng phí: Thủ phạm là BOT và “phí bôi trơn”
Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra tới 28,3 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành. Điều ... |
Chi phí logistics của Việt Nam chiếm đến 20,8% GDP
Chi phí logistics ở Việt Nam còn ở mức cao, tương đương trên 20% GDP trong khi ở các nước phát triển chi phí này ... |
Bài và ảnh: VĂN DUẨN