Hà Nội yêu cầu xe buýt, taxi không được chở khách quá 50% ghế ngồi

Hà Nội vừa ra chỉ thị yêu cầu các phương tiện giao thông công cộng bố trí hành khách ngồi giãn cách 1 ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi để phòng dịch COVID-19.

Ngày 5/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ động bố trí số lượng phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Sở cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch như: Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách 1 ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép, trên xe có nước sát khuẩn tay, hành khách và lái xe đeo khẩu trang.

Hà Nội yêu cầu xe buýt, taxi không được chở khách quá 50% ghế ngồi - 1
Xe buýt, taxi ở Hà Nội không được chở khách quá 50% ghế ngồi để phòng dịch.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền, các cấp thành phố phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Các đơn vị tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác… không để dịch lây lan diện rộng trên địa bàn thành phố.

Người đứng đầu các sở, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý; không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch có thể xảy ra.

Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc lây nhiễm trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, lực lượng chức năng vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc...

Các đơn vị tổ chức khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, đảm bảo đúng quy mô, mức độ, số lượng đối tượng hẹp nhưng chặt chẽ. Đối với các khu vực đã phong toả, cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra vào theo đúng tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”...

Ngành y tế xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao, trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp... và những người có nguy cơ như người về từ vùng dịch, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở để đánh giá nguy cơ dịch bệnh...

Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa bị yêu cầu tạm dừng dịch vụ phải trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn và đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc.

Đối với nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh, thực hiện giãn cách tối thiếu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích mang bán về nhà…

MINH TUỆ

30 phút đối đầu kẻ ngáo đá trên xe buýt 30 phút đối đầu kẻ ngáo đá trên xe buýt
Háo hức khám phá xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam với trải nghiệm "cực chất" Háo hức khám phá xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam với trải nghiệm "cực chất"
Xe buýt tông chết người đi bộ trên vỉa hè Xe buýt tông chết người đi bộ trên vỉa hè

/ vtc.vn