Hà Nội và “giấc mơ” kỳ tích đường sắt đô thị

Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để hiện thực hóa “kỳ tích” làm đường sắt đô thị. Mục tiêu đặt ra là tầm nhìn đến giai đoạn 2065, Hà Nội có 15 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài gần 617km.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội gồm 15 tuyến với tổng chiều dài khoảng hơn 616,9km, trong đó đã đưa vào vận hành khai thác 21,5km của tuyến Cát Linh-Hà Đông dài 13km và tuyến trên cao đoạn Nhổn-Cầu Giấy dài 8,5km, chiếm khoảng 4% trên tổng số 616,9km.

Với mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%. Với mục tiêu này, ông Thường cho hay thành phố Hà Nội đã đề xuất Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô với một kế hoạch, 3 phân kỳ.

7-1.jpg -0
Hà Nội quyết tâm phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 410,8km đường sắt đô thị.

Cụ thể, thành phố Hà Nội quyết tâm phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 410,8km đường sắt đô thị và giai đoạn tiếp theo (2036-2045) phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 200,7km, nâng tổng số chiều dài hệ thống đường sắt đô thị lên khoảng 616,9km.

Để hoàn thành kế hoạch đầy thách thức nêu trên, thành phố đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm ưu tiên bố trí vốn đầu tư; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô; rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án. Hiện nay, Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất báo cáo Bộ Chính trị thông qua và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025 làm cơ sở cho thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh triển khai theo đúng tiến độ yêu cầu của Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, theo ông Thường, thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT hoàn thiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư tổng thể toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để rút ngắn trình tự, thủ tục thời gian chuẩn bị đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện nhanh.

Hà Nội sẽ xây dựng, ban hành khung chính sách thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án, trong đó công tác thu hồi đất được thực hiện song song với quá trình chuẩn bị đầu tư để bảo đảm có sẵn mặt bằng sau khi dự án được phê duyệt. Thành phố tập trung, ưu tiên tối đa bố trí vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, trong đó đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, kết hợp đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công-tư để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Song song đó, Hà Nội có các chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt và công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao; tuyển chọn tư vấn quốc tế có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và quản lý dự án để thực hiện lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga tích hợp chặt chẽ với quy hoạch đô thị; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khai thác giá trị gia tăng từ đất, bù đắp chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, bảo dưỡng…

Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn thiện quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu đầu mối thành phố bảo đảm đồng bộ, có tính kết nối với mạng lưới quy hoạch đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Bộ GTVT đẩy nhanh công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi (diện tích khoảng 250ha) đáp ứng được các quy hoạch đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội, bao gồm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt quốc gia hiện trạng, đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi, Ngọc Hồi-Cảng Hàng không Hà Nội 2 ở phía Nam, Ngọc Hồi-Nội Bài và có tính kết nối với đường sắt quốc tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng nối với Côn Minh (Trung Quốc) đang được nghiên cứu, đề xuất, và kết nối chặt chẽ với các loại hình vận tải công cộng khác như buýt nội vùng, buýt liên vùng,...

Lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh thêm: “Với các chính sách mang tính đột phá thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành để hiện thực hóa kỳ tích đường sắt đô thị, nhằm hướng đến mục tiêu là một trong các khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô về một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường”.

10 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch GTVT Thủ đô gồm:

Tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên dài hơn 38km; Tuyến số 2, Nam Thăng Long (kéo dài đi Sóc Sơn) dài hơn 47km; Tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, kéo dài Xuân Mai dài 33km; Tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, kéo dài đến Sơn Tây dài 57km; Tuyến số 4, Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà dài 54km; Tuyến số 5, Văn Cao - Hòa Lạc dài 38km; Tuyến số 6, Nội Bài - Ngọc Hồi dài 43km; Tuyến số 7, Hà Đông - Mê Linh dài 28km; Tuyến số 8, đoạn Sơn Động - Mai Dịch, kéo dài đến Dương Xá dài 39km; Tuyến số 9, Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai dài 32km.

5 tuyến bổ sung theo điều chỉnh Quy hoạch chung gồm: Tuyến 1A, Ngọc Hồi - sân bay thứ 2 phía Nam dài 29km; Tuyến số 9, Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá dài 48km; Tuyến số 10, Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 12km; Tuyến số 11, vành đai 2 - trục phía Nam - sân bay thứ 2 phía Nam, dài 42km; Tuyến số 12, Xuân Mai - Phú Xuyên dài 45km.

Đặng Nhật / CAND