- Kỳ vọng đột phá từ đường sắt tốc độ cao
- Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Tìm phương án khả thi nhất
UBND TP Hà Nội cho rằng, ga đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam khu vực đầu mối, đơn vị tư vấn kiến nghị giữ hành lang đoạn tuyến Ga Hà Nội - Ngọc Hồi để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận Ga Hà Nội là chưa phù hợp định hướng quy hoạch.
Tàu đường sắt tốc độ cao dừng ở ga Ngọc Hồi
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội để thống nhất các nghiên cứu, làm cơ sở tổ chức triển khai, thực hiện.
Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã báo cáo UBND TP về vấn đề này. Theo Sở Quy hoạch- Kiến trúc, thực hiện nhiệm vụ thành phố giao làm đầu mối phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam về việc lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội, Sở đã gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan để phối hợp nghiên cứu góp ý.
Sau khi nghiên cứu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, việc Bộ GTVT triển khai lập Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội là phù hợp.
Tuy nhiên, nội dung nghiên cứu tại dự thảo của tư vấn còn thiếu một số yêu cầu quan trọng như: Phương án kết nối mạng lưới đường sắt, các ga đường sắt với các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất; xác định nhu cầu sử dụng đất của mạng lưới đường sắt... cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện.
TP Hà Nội vẫn giữ nguyên quan điểm, tàu đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam không vào đến Ga Hà Nội |
Về hướng tuyến các tuyến đường sắt, phương án quy hoạch tuyến cần bổ sung làm rõ các nội dung như sau:
Đối với các tuyến đường sắt hướng tâm hiện có (5 tuyến, gồm: Hà Nội – TP.HCM; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên), tại đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định nâng cấp thành đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa.
Tại dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối chưa xác định rõ phương án quy hoạch tuyến là đường sắt đơn/đôi, quy mô hành lang xây dựng tuyến. Do vậy cần phải bổ sung làm rõ, xác định lộ trình, thời điểm phù hợp quy hoạch cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia để cập nhật vào các quy hoạch của thành phố đang triển khai cũng như dự trữ quỹ đất hành lang bố trí các tuyến đường sắt quốc gia và triển khai dự án khi đủ điều kiện.
Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu từ ga Ngọc Hồi.
Tại dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối, đơn vị tư vấn kiến nghị giữ hành lang đoạn tuyến Ga Hà Nội - Ngọc Hồi để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận Ga Hà Nội là chưa phù hợp định hướng quy hoạch.
Tổ hợp ga đầu mối Ngọc Hồi |
Đối với tuyến đường sắt vành đai phía Tây và đoạn tuyến vành đai phía Đông từ ga Ngọc Hồi đến cầu Mễ Sở, trên địa phận Hà Nội đã dự trữ quỹ đất dọc theo phía ngoài đường Vành đai 4 để xây dựng đường sắt. Tại đồ án quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội cần lưu ý bố trí các tuyến đường sắt vành đai đi trong hành lang này để bảo đảm thống nhất.
Về các nhà ga, ga đầu mối phía Bắc: Việc bổ sung quy hoạch ga Yên Thường với chức năng ga đầu mối lập tàu hàng kết hợp với ga Yên Viên là ga đầu mối lập tàu khách phía Bắc, Tây Bắc để thay thế cho chức năng ga đầu mối Bắc Hồng đã định hướng trong Quy hoạch GTVT Thủ đô là thuận lợi trong khai thác vận hành mạng lưới đường sắt quốc gia. Tuy nhiên phạm vi ga Yên Thường có một phần diện tích thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, do vậy cần có ý kiến thống nhất của UBND tỉnh Bắc Ninh về phương án quy hoạch ga.
Ga đầu mối phía Nam: Tại dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối hiện chưa xác định quy mô diện tích mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi so với quy mô quỹ đất TP Hà Nội đã xác định trong các đồ án đã được phê duyệt (khoảng 114ha). Vì vậy cần bổ sung xác định cụ thể quy mô diện tích khu vực dự kiến mở rộng để tích hợp depot của tuyến đường sắt tốc độ cao, bố trí kết hợp các chức năng công nghiệp đường sắt (sản xuất, chế tạo, bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy, toa xe, thiết bị... liên quan đến đường sắt) phục vụ di chuyển các cơ sở hiện có tại khu vực các ga Hà Nội, Giáp Bát, Gia Lâm... ra khỏi khu vực nội đô theo định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, tại khu vực phía Nam cần nghiên cứu, bổ sung 1 ga tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam để kết nối với cảng hàng không thứ hai Thủ đô và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực.
Đối với các ga khác, cần bổ sung đánh giá sự phù hợp, sự cần thiết, tính khả thi của vị trí quy hoạch một số ga trên mạng lưới như: Ga Tây Hà Nội (thuộc tuyến vành đai phía Tây) nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy khó xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của ga; ga Hà Đông (tuyến vành đai phía Tây) nằm giữa khu vực phát triển đô thị (khu vực Đồng Mai);
Ga Thạch Lỗi nghiên cứu bổ sung quỹ đất xây dựng ga mới nằm dọc theo tuyến vành đai phía Tây (dự kiến là ga trung gian nối ray giữa tuyến vành đai và tuyến Hà Nội - Lào Cai, đồng thời là hạt nhân đầu mối logistics phía Tây Bắc thành phố); nghiên cứu xây dựng ga Đông Anh thành trung tâm logistics kết nối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
Về lộ trình đầu tư và phương án tổ chức khai thác vận tải đường sắt: Với mục tiêu đầu tư xây dựng để đưa vào khai thác 50% chiều dài mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội vận hành trước năm 2030, trong đó, có tuyến đường sắt đô thị số 1, cần xác định tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông và tổ hợp ga Ngọc Hồi hoàn thành trước năm 2030 để bàn giao hành lang đoạn tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và các cơ sở vật chất của đường sắt trên tuyến về TP Hà Nội bảo đảm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đáp ứng tiến độ trên…