Trước ý kiến của cử tri đề nghị phân loại rác tại nguồn để thuận lợi cho công tác thu gom, xử lý hoặc tái chế rác, thành phố đang nghiên cứu thí điểm phân loại rác tại từng hộ gia đình.
Học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, sắp tới sẽ có 4 giải pháp lớn được triển khai. Thứ nhất, thay vì thu phí xử lý rác cào bằng theo hộ hoặc theo đầu người, các địa phương sẽ phải thu phí rác theo khối lượng hoặc thể tích với nguyên tắc càng thải nhiều rác càng phải trả nhiều tiền thông qua việc bán bao bì đựng rác chuyên dụng. Khi đó, nếu người dân phân loại tại nguồn, phần rác tái chế sẽ không bị tính phí mà chỉ tính phần phí rác không tái chế, tạo động lực cho họ phân loại rác tại nguồn. Đây là giải pháp về kinh tế.
Thứ hai, để tránh tình trạng phân loại xong lại đổ chung một xe, vận chuyển về cùng một bãi, các địa phương phải đầu tư đồng bộ hạ tầng từ phương tiện vận chuyển, hoạch địch tuyến thu gom, các điểm lưu giữ cũng như công nghệ xử lý tương ứng. Thứ ba, có nhiều giải pháp giám sát như lắp đặt hệ thống camera ở nhiều nơi. Người vứt rác bừa bãi có thể bị bêu tên trên loa phường hay cuộc họp dân phố.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, tổ dân phố cùng nhau giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Thứ tư là nâng chế tài xử lý các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác nguồn, thay đổi cách xử phạt, đối tượng có thể xử phạt để quy định có thể đi vào thực tiễn.
Tại Hà Nội, rác sẽ được chia thành loại đốt được và không đốt được để phù hợp với công nghệ xử lý của thành phố.
Rác thải sinh hoạt phân thành hai loại sẽ nhằm loại bỏ, giảm thiểu thành phần trơ (như gạch, đá, cát, sỏi, thuỷ tinh) để phù hợp với công nghệ xử lý.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, thành phố đang chú trọng đầu tư công nghệ xử lý rác thải, trong đó có việc xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện. Hiện nhà máy điện rác ở Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đang được xây dựng. Ngoài ra, nhà máy điện rác 1.000 tấn/ngày tại khu vực bãi rác Xuân Sơn (thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) cũng sẽ được xây dựng.
Thành phố sẽ khuyến khích cơ chế thu mua để người dân tách các loại rác thải có thể tái chế như nhựa, chai lọ, kim loại nhằm giảm thiểu rác thải sinh hoạt.
Từ giữa tháng 8/2020, Urencon (Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội) phối hợp với quận Hoàn Kiếm tổ chức thực hiện thí điểm phân loại rác tại 4 phường, sau đó sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn bộ 18 phường của quận.
Theo đề án của quận Hoàn Kiếm, trong năm 2020 thực hiện giai đoạn 1 của đề án phân loại rác tại nguồn, rác được phân loại thành hai nhóm: Rác tái chế và rác còn lại.
Giai đoạn 2 (từ 2021 đến 2025) thực hiện phân loại rác tại nguồn đáp ứng công nghệ xử lý rác và quy định bảo vệ môi trường nên rác được phân làm 4 loại: rác tái chế, rác hữu cơ, rác đốt được và không đốt được.
Hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh 6.500 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, 5.000 tấn được vận chuyển lên bãi Nam Sơn để chôn lấp; 1.300 tấn chôn lấp ở bãi Xuân Sơn (Sơn Tây), còn lại xử lý ở một số lò đốt rác nhỏ.
PV (th)
"Thu phí theo khối lượng sẽ thúc đẩy phân loại rác" |
Nỗ lực chống rác thải, lái đò kiêm “nhân viên phân loại rác” |
Thành phố thưởng tiền cho người phân loại rác tốt |