Hệ thống camera dày đặc ở nhiều nút giao thông, công sở, nhà dân sẽ được tích hợp vào một trung tâm điều hành.
Khu vực ngã ba Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) có 20 camera, trong đó trên cùng một cột, cùng một chiều có 7 thiết bị. Ảnh: Phương Sơn
Thời gian gần đây, nhiều nút giao thông ở Hà Nội được lắp đặt hàng loạt camera có kiểu dáng và chức năng giống nhau.
Cụ thể, khu vực ngã ba Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) có gần 20 camera và trên một cột sắt ở đây có tới 7 camera cùng chĩa về một hướng. Tương tự, các nút giao như Điện Biên Phủ - Trần Phú, Kim Mã - Núi Trúc, Cửa Nam, cầu vượt Ngã Tư Sở..., đều có hơn chục camera tại cùng một điểm.
Theo đại diện Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, đơn vị này quản lý, sử dụng gần 600 camera các loại, trong đó trên 300 camera để theo dõi lưu lượng phương tiện, trên 100 camera phục vụ xử phạt vi phạm giao thông và gần 100 thiết bị giám sát giao thông.
"Việc lắp đặt camera tùy đặc thù từng tuyến phố, nơi có mật độ phương tiện cao thì lắp đặt nhiều hơn các nút giao khác", Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu (Phòng CSGT) lý giải.
Đơn cử với nút giao như Kim Mã - Núi Trúc, đội đang quản lý tới 12 camera, phục vụ 3 chức năng như giám sát, đếm xe và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, theo ông Nam, nhiều nút giao còn có camera của: Công an quận; Cục cảnh sát bảo vệ để phục vụ công tác an ninh, dẫn đoàn Nhà nước, quốc tế; VOV giao thông; camera theo dõi điểm ngập của Công ty thoát nước...
Anh Nguyễn Văn Tuyên, kỹ sư công nghệ làm việc ở quận Đống Đa, thường xuyên đi làm qua nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch cho rằng, việc thành phố lắp đặt camera không chỉ phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mà còn tạo cho người dân sự yên tâm về an ninh. Tuy nhiên, việc quá nhiều camera ở cùng một nút giao, cùng chiếu về một hướng khiến anh Tuyên thấy lãng phí và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
"Hiện nay có nhiều giải pháp công nghệ để tích hợp, đồng bộ hóa tín hiệu camera thông qua một trung tâm điều hành, từ trung tâm này, các đơn vị có nhu cầu sẽ khai thác, tránh chồng chéo, giảm bớt chi phí", anh Tuyên nói.
"Việc lắp đặt camera cũng đang có tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu. Nhiều khu vực nút giao ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân... là điểm nóng về giao thông nhưng không có hệ thống camera giám sát, xử phạt", anh nhận xét.
Nhiều nút giao lắp đặt các camera có kiểu dáng và chức năng giống nhau. Ảnh. Phương Sơn
Về giải pháp cho vấn đề quản lý chồng chéo giữa các đơn vị có hệ thống camera, đại diện Sở Giao thông Hà Nội cho hay, giai đoạn từ 2018 đến 2020, thành phố đã có đề án giao các đơn vị xây dựng trung tâm công nghệ thông tin điều hành, lắp đặt và quản lý chung toàn bộ hệ thống camera trên địa bàn.
Trung tâm này sẽ hướng đến tích hợp không chỉ camera giám sát của các cơ quan nhà nước mà còn của người dân, doanh nghiệp (sân bay, nhà ga, bến xe, các cơ quan hành chính, ngõ phố...) để hỗ trợ công tác điều hành chung.
"Hiện sở ngành liên quan vẫn trong quá hình họp để xây dựng giai đoạn đầu của dự án trên. Khi hình thành trung tâm thì sẽ có một đơn vị chuyên môn quản lý và là đầu mối lắp đặt, khai thác, sử dụng, chia sẻ hình ảnh với các bên có nhu cầu", vị này nói.
Xe cấp cứu va chạm Mazda: Trích xuất Camera
(Tin tức thời sự) - Xe cấp cứu chở bệnh nhân ung thư va chạm kinh hoàng với Mazda 6 khiến 5 người trọng thương, ... |
Kẻ trộm 100 lượng vàng, lấy luôn đầu thu camera
Camera dự phòng tiệm vàng ở Đồng Nai đã ghi nhận tên trộm là người đàn ông cao khoảng 1,6 m, đeo khẩu trang, đội ... |