Mưa lớn, các sông hạ lưu đầy nước không còn chỗ tiêu thoát dẫn đến nhiều khu dân cư ở hạ lưu sông Bùi bị ngập úng lâu ngày.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Hà Nội cho hay, đến chiều 7/8, mực nước các sông Tích, Đáy, Bùi đều dưới báo động số 1. Lũ rút, các lệnh báo động lũ ban hành trước đó cũng hết hiệu lực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân ở huyện Chương Mỹ bị ngập.
Một số khu dân cư của huyện Quốc Oai bị cô lập do ngâp lụt trong đợt mưa cuối tháng 7. Ảnh: Giang Huy.
Nhiều xã Chương Mỹ ngập sâu 22 ngày
Mực nước trên sông Tích (huyện Quốc Oai) ở thời điểm cao nhất là 8,6 m, vượt báo động 3 và kéo dài 13 ngày liên tục làm một số khu dân cư bị cô lập.
Tại Chương Mỹ, lũ trên sông Bùi (tại Yên Duyệt) đạt đỉnh chiều 30/7 là 7,51 m (vượt báo động 3 là 0,51 m). Đây là mức lũ lịch sử cao nhất từ khi có số liệu so sánh. Đến ngày 7/8, nhiều xã đã bị ngập 22 ngày.
Mưa lũ đã làm nhiều địa bàn dân cư, lúa, hoa màu bị ngập như Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Sơn Tây, Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thạch Thất. Ba huyện bị thiệt hại nặng nhất là Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ.
Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho hay, đợt mưa lũ đã làm hơn 4.600 hộ với 22.300 nhân khẩu bị ngập; trên 4.400 ha lúa mất trắng và trên 5.000 ha ngập sâu. Khoảng 500 ha hoa màu, 880 ha thủy sản, 300 ha cây lâu năm, 10 km đường giao thông... bị ảnh hưởng. Ước tính riêng thiệt hại tại hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức là 300 tỷ đồng.
Ngập Chương Mỹ không phải do xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình
Trước thông tin trái chiều về khái niệm "lũ rừng ngang" gây ngập cho Chương Mỹ, tại buổi họp báo định kỳ của Hà Nội chiều 7/8, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ được chỉ định giải thích "lũ rừng ngang" và lý giải việc ngập kéo dài ở một số xã của Chương Mỹ.
Huyện Chương Mỹ thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: Giang Huy.
"Lũ rừng ngang nghĩa là lũ từ phía ngang Hòa Bình trở về", ông Mỹ lý giải và cho biết việc xả lũ hồ Hoà Bình không ảnh hưởng đến việc ngập lụt của huyện Chương Mỹ. Chương Mỹ bị ngập là do mưa từ Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), từ huyện Mỹ Đức tràn về và mưa tại Chương Mỹ (Hà Nội).
Lý giải thêm về khái niệm "lũ rừng ngang", Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho rằng chỉ có Chương Mỹ và một phần Mỹ Đức mới có lũ rừng ngang "tức là toàn bộ nước từ thượng nguồn đổ về".
Về lý do ngập kéo dài, Giám đốc Sở Nông nghiệp cho hay, địa bàn bị ngập nằm ở lưu vực sông Bùi, được quy hoạch là vùng thoát lũ. Việc thoát lũ sông Bùi phụ thuộc vào sông Tích, sông Đáy và từ sông Đáy chảy vào sông Hồng. Tuy nhiên do hồ Hòa Bình xả lũ nên mực nước sông Hồng lên cao, việc tiêu nước của sông Đáy vào sông Hồng bị hạn chế.
Theo ông Mỹ, sau trận lụt năm 2017 tại Chương Mỹ, thành phố đã nghiên cứu phương án xây dựng trạm bơm tại khu vực Ba Thá để tiêu nước cho sông Tích, sông Bùi. Nhưng khảo sát thực tế cho thấy, nếu xây dựng trạm bơm thì quy mô sẽ rất lớn, chi phí quá cao mà hiệu quả chưa thực sự rõ.
Bằng mọi giá bảo vệ đê Tả Bùi
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết đê Tả Bùi (bên trái sông Bùi) thiết kế cao 7,5 m và Hữu Bùi (bên phải sông Bùi) cao 7 m. Khi nước sông Bùi dâng cao trên báo động số 3 (trên 7 m) sẽ cho phép tràn qua đê Hữu Bùi để bảo vệ an toàn cho đê Tả Bùi.
Nước từ Lương Sơn, Kim Bôi (Hoà Bình) tràn về, cộng với lượng mưa tại chỗ gây ngập lụt tại nhiều địa bàn của hai huyện Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội). Đồ hoạ: Việt Chung.
"Đê Tả Bùi bảo vệ cho huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ và một phần của nội đô Hà Nội nên bằng mọi giá bảo vệ", Chủ tịch Chương Mỹ nói.
Việc để nước tràn qua đê Hữu Bùi khi lũ vượt báo động 3 được lãnh đạo Chương Mỹ lý giải "là phương án từ xưa đến nay, hàng ngàn đời nay đã và đang tồn tại".
Chủ tịch huyện Chương Mỹ cho biết, chiến lược lâu dài là di dân toàn bộ vùng Hữu Bùi (xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, một phần các xã: Thủy Xuân Tiên, Tốt Động và Hoàng Văn Thụ) để đảm bảo an toàn cho dân có cuộc sống ổn định.
Trước mắt huyện kiến nghị thành phố và trung ương nâng cấp cả đê Tả Bùi và Hữu Bùi để khi nước dâng bà con các xã yên tâm hơn. Bên cạnh đó, huyện cũng kiến nghị đầu tư quy hoạch lại hệ thống giao thông, nước sạch để bà con sống chung với lũ bớt khó khăn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp giải thích về việc ngập ở Chương Mỹ, Quốc Oai. Video: Lộc Chung
Đê Tả Bùi (trên 14 km), Hữu Bùi (hơn 18 km) thuộc loại đê cấp 4. TP Hà Nội có hơn 626 km đê được phân làm 5 cấp. Việc phân cấp đê sông dựa vào các tiêu chí: dân số, diện tích bảo vệ, độ ngập sâu trung bình các khu dân cư so với mực nước thiết kế; lưu lượng lũ thiết kế. Theo các tiêu chí trên, hơn 37 km đê Hữu Hồng, đoạn đi qua địa phận Hà Nội cũ, được phân loại cấp đặc biệt.
10 năm trở lại đây, đã 3 lần nước tràn qua đê Hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Lần đầu là năm 2008, khi Hà Nội bị ngập lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017 và đợt ngập kéo dài từ cuối tháng 7 đến nay là lần thứ ba.
Sau lũ, người dân Chương Mỹ vật vã dọn bùn, nát tay vẫn chưa xong
Sáng 6.8, người dân Chương Mỹ (Hà Nội) bắt đầu dọn đường xá, nhà cửa sau khi nước bắt đầu rút sau nửa tháng bị ... |
Khung cảnh khó ngờ nơi rốn lũ Chương Mỹ sau nửa tháng chìm trong nước
Nửa tháng nay, người dân các thôn, xóm ở Chương Mỹ vẫn sống trong biển nước. Nhiều vùng vẫn ngập cả mét, mọi sinh hoạt ... |
Người dân "ốc đảo" Chương Mỹ xếp hàng nhận 10 tấn gạo cứu trợ
Hơn 10 ngày bị cô lập , người dân hai xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến vui mừng nhận 10 tấn gạo cùng những ... |