Sở TN-MT Hà Nội cho biết, Sở này vừa ban hành quyết định hủy kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát gồm: Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) và mỏ Châu Sơn (huyện Ba Vì).
Lý do Sở TN-MT Hà Nội có quyết định nêu trên là do nhà thầu vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.
Cụ thể là "cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong các hồ sơ liên quan nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư" và khoản 4, khoản 5, Điều 5 quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BTP ngày 8/2/2022 của Bộ Tư pháp.
Sở TN-MT giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội chủ trì cùng các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục tiếp theo đảm bảo đúng quy định. Phòng Khoáng sản chủ trì cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội và các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả thực hiện.
Trước đó, ngày 5/11/2023 và ngày 6/11/2023, cơ quan chức năng TP Hà Nội tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát Thượng Cát, Tây Đằng - Minh Châu và Châu Sơn. Kết quả có 3 đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Buổi đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn Hà Nội vào ngày 5/11 và kéo dài đến sáng 6/11/2023 vừa qua |
Ngày 11/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1087/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm…
UBND TP Hà Nội sau đó đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT về việc đấu giá 3 mỏ cát 1.700 tỷ đồng trên địa bàn.
Theo báo cáo, ngày 5/11/2023 và 6/11/2023, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Kết quả, có 3 đơn vị trúng đấu giá với số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng,
Cụ thể, mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703.000 m3. Giá khởi điểm được đưa ra là 2,881 tỷ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Qua 89 vòng đấu giá, Ban tổ chức xác định được giá trúng là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn.
Ở mỏ cát thứ hai là mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát hơn 508.000 m3. Giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng.
Mỏ cát thứ ba là mỏ Tây Đằng – Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì), mỏ này có trữ lượng cát khai thác khoảng gần 4,9 triệu m3. Giá khởi điểm là 19,29 tỷ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Qua 21 vòng đấu, giá trúng đấu giá là 883,93 tỷ đồng, gấp 46 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh.
UBND TP Hà Nội cho biết, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị này đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra và đã có văn bản chưa công nhận kết quả trúng đấu giá.
Hà Nội thời điểm đó báo cáo, theo cách hiểu thông thường, 1m3 khối cát chưa khai thác (theo giá trúng đấu giá) đã cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với giá cát đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội; dẫn đến các dự án khai thác cát tại 3 mỏ cát này không thể có lợi nhuận khi các đơn vị thực hiện khai thác với trữ lượng cát sẽ được cấp phép.
Khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư sẽ vừa không đạt tiêu chí về lợi nhuận kinh tế, có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.