Hà Nội cần có đường hầm “2 trong 1”?

Khi chuyện nắng mưa đi quá giới hạn của con người với tình trạng lụt lội và hạn hán diễn ra thường xuyên, thì bài toán ngập lụt luôn trở thành đề tài nan giải ở các đô thị lớn.

Mặc dù Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, nhưng do không theo kịp tốc độ đô thị hóa, tăng dân số, tăng diện tích mặt phủ không thấm nước, nên ngập lụt vẫn liên tục diễn ra.

Hà Nội là TP có địa hình trũng thấp, cao độ trung bình khu vực nội thành chỉ từ 6 - 6,5 m so với mực nước biển, độ dốc dưới 10% chiếm 54,5% diện tích toàn TP. Vào các tháng mùa mưa, mực nước sông Hồng vượt mức báo động I, nước trong TP không thể tự thoát, dẫn đến nguy cơ ngập lụt.

Còn nhớ, trận mưa lịch sử tháng 11-2008 đã gây thiệt hại cho Hà Nội lên đến 3.000 tỷ đồng, tuyến đê sông Hồng đã bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa đã tràn nước. Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội nằm trong danh sách 10 tỉnh, TP bị ngập lụt cần cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Từ đó tới nay, nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm nâng cấp các hệ thống thoát nước đô thị, nhưng hàng năm, mỗi khi gặp những trận mưa lớn, tình trạng lụt lội trầm trọng vẫn tái diễn. Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác quản lý đô thị, quản lý hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, quy hoạch thoát nước còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, đô thị hóa và gia tăng dân số cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại Hà Nội. Hệ thống cống, mặc dù đã được đầu tư, cải tạo, song chưa hoàn thiện nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước của TP. Đặc biệt, Hà Nội chưa có hệ thống giám sát, cảnh báo và điều hành đồng bộ chống ngập.

Ngoài ra, hệ thống thoát nước tự nhiên của TP bị thu hẹp diện tích do bị lấn chiếm. Trong vòng 50 năm qua, có đến gần 80% diện tích mặt nước của Thủ đô bị san lấp. Hơn nữa, một thực tế là việc cải tạo không đồng bộ giữa các khu đô thị nên hiệu quả không cao.

Trạm bơm đầu mối Yên Sở, công suất 90m3/s, tuy đảm bảo công suất, nhưng các đường cống dẫn nước đến lại không đáp ứng, thỏa mãn với công suất máy bơm, nên nước vẫn ứ đọng trên các khu phố có địa hình thấp.

ha noi can co duong ham 2 trong 1

Mỗi khi có trận mưa lớn, nhiều khu vực ở Hà Nội bị ngập lụt. ẢNH TƯ LIỆU

Khi TP vẫn đang phải giải quyết các bài toán chống lụt thì nhiều quốc gia trên thế giới như Malaysia, Singapore, Nhật Bản.. đã nghĩ ra các giải pháp thông minh để tháo gỡ tình thế này. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tiêu thoát nước tại Hà Nội và kinh nghiệm chống ngập từ các quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý, các chuyên gia Malaysia đề xuất giải pháp xây dựng đường hầm thông minh cho TP. Hà Nội nhằm giải quyết triệt để tình trạng ngập của Thủ đô, đặc biệt là khu vực phía Tây TP, đồng thời kết nối hệ thống thoát nước giữa nội thành và các địa phương lân cận.

Các chuyên gia Malaysia lấy dẫn chứng Thủ đô Kuala Lumpur gần với nơi hợp lưu của 2 dòng sông lớn tại Malaysia nên hàng năm, người dân TP cũng phải kêu trời vì lụt. Tuy nhiên, một trong những giải pháp thông minh đã được triển khai tại TP này là xây dựng một đường hầm “2 trong 1”, vừa dùng để thoát lũ và phục vụ giao thông.

Với chi phí nửa tỷ USD, đường hầm mang tên SMART dài 9,7km tại thủ đô Kuala Lumpur đã trở thành hầm đường bộ kết hợp thoát lũ đầu tiên trên thế giới. Trên thực tế, việc xây dựng đường hầm này là một thử thách lớn khi địa hình của thủ đô Kuala Lumpur khá phức tạp.

Cho tới nay, SMART vẫn là đường hầm dài nhất Đông Nam Á. Từ khi đưa vào hoạt động, đường hầm này đã chứng tỏ tính hiệu quả của mình khi những trận ngập lụt nặng nề đã không còn xảy ra với người dân thủ đô Kuala Lumpur như trước kia.

Cũng như nhiều thủ đô khác, việc chống ngập lụt đôi khi khiến đất nước Singapore đau đầu hơn khi vừa phải đảm bảo lụt lội không diễn ra, vừa phải đảm bảo không lãng phí nguồn nước ngọt quý giá đủ cho nhu cầu sử dụng của hơn 6 triệu dân đảo quốc sư tử.

Chính vì vậy, thay vì sử dụng các biện pháp phức tạp, Singapore đã triển khai xây dựng các hồ dự trữ nước trên khắp đất nước để vừa có thể chống ngập, vừa có nguồn nước ngọt cho người dân. Nghe chừng có vẻ đơn giản nhưng 17 hồ chứa nước tại Singapore đang chứng tỏ hiệu quả chống lụt rõ rệt của nó.

Đáng kể nhất trong các công trình chống ngập tại Singapore phải kể tới hồ chứa và đập chắn nước Marina. Công trình hồ chứa nước Marina có tổng chi phí lên tới 135 triệu USD và là hồ chứa nước lớn nhất tại Singapore. Đập Marina hoạt động thông qua hệ thống các cổng và máy bơm.

Công trình bao gồm 9 cổng thép cao 5 m, rộng 30m trên thành đập, trải dài qua con kênh rộng 350 m và 7 máy bơm có tổng công suất hút 280 mét khối nước mỗi giây. Mỗi cổng nặng 70 tấn và mỗi máy bơm có khối lượng 28 tấn.

Trong điều kiện bình thường, những cánh cổng vận hành bằng thủy lực này đóng kín. Khi trời mưa to nhưng thủy triều thấp, cổng sẽ mở để xả nước lũ xuống biển. Khi mưa nặng hạt kết hợp với thủy triều cao, cổng đóng trong khi máy bơm được kích hoạt để bơm hút nước lũ xuống biển. Nhờ hệ thống này, tình trạng ngập lụt giảm hẳn ở các khu vực nằm ở vị trí thấp của Singapore như Chinatown, Jalan Besar và Geylang.

Mô hình đường hầm thông minh giao thông “2 trong 1” vừa dùng để thoát lũ và phục vụ giao thông. Đường hầm thông minh nằm ở dưới mặt đất 20m và có cửa thoát lũ, thông khí. Ở điều kiện bình thường, khi ít mưa hoặc không mưa, đường hầm sẽ được mở cửa cho các phương tiện qua lại (điều này làm giảm tải giao thông cho đô thị). Khi mưa ở mức độ trung bình, chế độ cửa tự động được kích hoạt, nước mưa được dẫn vào đường hầm phụ nằm phía dưới đường hầm chính; các phương tiện vẫn qua lại được. Khi có mưa lớn, bão lũ, các trạm quan sát sẽ theo dõi, kết hợp với tín hiệu cảnh báo các phương tiện giao thông thoát ra khỏi đường hầm. Khi đó các cổng hầm tự động mở để nước mưa tràn vào và thoát lũ ra hồ chứa; sau bão lũ hệ thống đường hầm này sẽ mở cửa lại trong vòng 48 tiếng...

http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/ha-noi-can-co-duong-ham-2-trong-1-144657

Theo phapluatxahoi