Hà Nội: 2.455 cây đổ, khắc phục hậu quả mưa bão xuyên đêm

Tính đến tối 7/9, Hà Nội đã có 1 người thiệt mạng, 3 người bị thương do bão. Toàn TP Hà Nội có 2.455 cây đổ.

Đêm ngày 7/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có chỉ đạo tới các cơ quan, sở, ngành của Hà Nội bao gồm: Sở Xây dựng, Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công thương và Tổng Công ty điện lực Hà Nội tập trung xử lý thông đường giao thông sau bão, khôi phục cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trong chiều 7/9, trước khi bão số 3 đổ bộ, dông lốc đã khiến hàng ngàn cây xanh ở Hà Nội gãy đổ, kéo theo nhiều cột điện và hệ thống dây điện bị ảnh hưởng. Một số khu vực tại Hà Nội đã bị mất điện. Điện lực Hà Nội khẳng định không có chuyện cắt điện diện rộng do bão.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, các hoạt động khắc phục hậu quả mưa bão cần được thực hiện trong thời gian sớm nhất để ổn định lại đời sống và sản xuất tại Thủ đô.

Hà Nội khắc phục hậu quả mưa bão ngay trong đêm -0
Cây đa nổi tiếng cạnh đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm) bị bão quật đổ.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, chiều tối và đêm nay 7/9, trên địa bàn Hà Nội có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên giật cấp 10. Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ chiều tối đến đêm ngày 7/9.

Số liệu từ các trạm Khí tượng - Thủy văn trên địa bàn TP cho thấy, xuất hiện mưa diện rộng từ chiều ngày 6/9, tính đến 19h ngày 7/9, lượng mưa phổ biến từ 30,6mm đến 118,0mm; cao nhất là 118mm tại trạm Thủy văn Thượng Cát; thấp nhất là 30,6mm tại Ứng Hòa (Ba Thá).

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội: Đến thời điểm 19h ngày 7/9, trên địa bàn TP không có điểm úng ngập. Công ty tiếp tục vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Đồng Bông 1 vận hành 3/3 tổ máy bơm; trạm bơm Đồng Bông 2 vận hành 2/3 tổ máy bơm; trạm bơm Cổ Nhuế vận hành 3/4 tổ máy bơm; trạm bơm DPS (Bắc Thăng Long - Vân Trì) vận hành 2/4 tổ máy bơm; Trạm bơm Yên Sở vận hành 7/15 máy bơm loại 5m3/s.

Một số quận, huyện tổ chức di dời các hộ dân sinh sống tại những khu vực không an toàn: Huyện Thanh Trì di dời 25 hộ dân (75 nhân khẩu) tại Tập thể 3 tầng khu nhà liên cơ, phường Hoàng Liệt đến Nhà văn hóa liên cơ và khách sạn An Vinh (Pháp Vân, xã Tứ Hiệp); quận Ba Đình di dời 3 hộ (11 nhân khẩu) tại tòa nhà G6A Thành Công, (tòa nhà trong diện xây dựng lại, các hộ dân đã di dời, còn lại 3 hộ kiên quyết không di dời) đến Nhà văn hóa phường và Trường mầm non Họa Mi; Thị xã Sơn Tây di dời tránh bão 33 hộ dân đến nơi an toàn; quận Tây Hồ di dời 19 hộ gia đình sang Trung tâm Phát triển phụ nữ; quận Đống Đa di dời 69 người dân; quận Bắc Từ Liêm di dời 30 người dân; quận Hoàn Kiếm di dời 86 người dân đến nơi an toàn.

Hà Nội cũng đã có 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Thủ đô, nạn nhân tên là Cáp Minh Công, sinh năm 2002, quê quán Hưng Yên. Ba người bị thương ở quận Ba Đình, đã được đưa đi cấp cứu. Ngoài ra, có tổng 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão.

Ở khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm 19h ngày 7/9, mưa lớn làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại. Còn theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến 19h hôm nay có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy.

Một số thiệt hại khác: Có 5 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ 60m tường bao (thị xã Sơn Tây); 3 nhà bị tốc mái (quận Ba Đình); 20m tường nhà dân bị đổ (quận Bắc Từ Liêm); sập mái nhà cấp 4 (Quận Hai Bà Trưng); đổ 35m tường bao, sập đổ 1 bếp nhà dân, 1 nhà dân tốc mái tôn (huyện Ba Vì); 20m tường bao nhà dân bị đổ (huyện Chương Mỹ); khoảng 240 m tường bao bị đổ, 3 nhà tôn sập (huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức); thiệt hại 170 con gia cầm (huyện Ba Vì). 17 trạm bơm tại địa bàn các huyện: Hoài Đức, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng mất điện, đang được khắc phục.

Theo CAND