Sự có mặt của Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn khiến Washington lo lắng về triển vọng đạt thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn. Ảnh: SCMP. |
Các quan chức chính quyền Mỹ và một số thành viên cao cấp đảng Cộng hòa cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang ngày càng lo ngại về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong bối cảnh thành phần phái đoàn đàm phán của Trung Quốc bất ngờ được sắp xếp lại sau cuộc gặp Trump - Tập bên lề hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản, cuối tháng trước.
Người khiến các quan chức Nhà Trắng cảm thấy bất an nhất là Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, một quan chức được họ đánh giá là cứng rắn. Gương mặt mới này đã tham gia cuộc đàm phán từ xa qua điện thoại với các quan chức thương mại Mỹ hôm 9/7.
Ông Chung Sơn bất ngờ xuất hiện hai tháng sau khi các cuộc đàm phán Mỹ -Trung sụp đổ vì chính quyền Trump cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết quan trọng trong một dự thảo thỏa thuận thương mại sơ bộ. Người dẫn dắt các cuộc đàm phán thương mại của Trung Quốc trong một năm qua là Phó thủ tướng Lưu Hạc.
"Điều này cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc dường như muốn đưa vào nhóm đàm phán một người sành sỏi chính trị hơn so với ông Lưu Hạc. Tôi tin chắc rằng ông Chung Sơn được chỉ đạo phải cứng rắn hơn với Mỹ", Dennis Wilder, cựu chuyên gia phân tích Trung Quốc ở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định.
Ông Chung Sơn, 63 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc từ năm 2017 sau khi lãnh đạo hai công ty nhà nước và giữ ghế phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang vào giai đoạn ông Tập là bí thư tỉnh này.
"Ông Chung là quan chức cứng rắn nhất trong số những quan chức cứng rắn ở Trung Quốc", cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Stephen K. Bannon nhận xét.
Ông Chung là quan chức thương mại kỳ cựu thứ hai được bổ sung vào nhóm đàm phán Trung Quốc gần đây. Hồi tháng 4, Du Kiến Hoa, một trong những nhà đàm phán lão luyện nhất Trung Quốc và là đại diện thường trực của Trung Quốc tại văn phòng Liên Hợp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, đã quay về Bắc Kinh để tiếp sức cho nhóm đàm phán của ông Lưu Hạc.
Nền tảng cho cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là thỏa thuận được Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập nhất trí bên lề hội nghị G20. Trong thỏa thuận này, Mỹ chấp nhận hoãn áp gói thuế mới lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và cho phép tập đoàn Huawei tiếp tục mua hàng từ các công ty Mỹ. Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua "gần như ngay lập tức" nông sản Mỹ với khối lượng lớn.
Trước cuộc điện đàm hôm 9/7, Trump yêu cầu nhóm đàm phán của ông phải bảo đảm Trung Quốc đặt mua các đơn hàng đậu nành và lúa mì mới như cam kết của ông Tập. Tuy nhiên, ông Chung Sơn lẫn ông Lưu Hạc đều không đưa ra các cam kết cụ thể đó, khiến các cuộc đàm phán hiện nay rơi vào thế gần như bế tắc.
Chính quyền Trump vẫn chưa đạt được thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc về ngày mà trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đến Bắc Kinh để tham gia vòng đàm phán trực tiếp tiếp theo dù các quan chức Mỹ vẫn lạc quan rằng vòng đàm phán đó sẽ diễn ra.
Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, đánh giá những tuyên bố của Nhà Trắng về cách Trump sẽ thực hiện thay đổi chính sách với Huawei đã gây bối bối cho các công ty Mỹ và cho thấy họ thiếu các bước đi tiếp theo để thực hiện những thỏa thuận mà hai bên đạt được tại Osaka.
"Tất cả những điều mà họ nói đã không xảy ra", Allen cho hay và thêm rằng ông lo ngại về sự xói mòn niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong tuần này, các quan chức Mỹ và những đồng minh của Trump cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài và tránh đưa ra các cam kết chắc chắn.
"Các thành viên đảng Cộng hòa nói chung tức giận vì Trung Quốc đang tỏ ra bất hợp tác. Và rõ ràng điều này sẽ làm chậm tiến trình đàm phán. Họ (Trung Quốc) tiếp tục rút lại các cam kết và những tiếng nói cứng rắn ở Trung Quốc đang vô tình tiếp thêm sức mạnh cho các tiếng nói cứng rắn ở Mỹ", nhà kinh tế bảo thủ Stephen Moore nhận xét.
Khi hiệu ứng của cuộc gặp Trump - Tập gần đây lắng xuống, các nhà đàm phán hai bên phải đối mặt với một danh sách các việc cần làm từng khiến họ bất đồng gay gắt cách đây hai tháng. Cuộc cuộc đàm phán sụp đổ hồi đầu tháng 5 khi Trung Quốc phản đối các yêu cầu của Mỹ buộc họ cam kết sửa lại luật để giải quyết các khiếu nại của Washington về tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ và chính sách chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Hai bên cũng đang bế tắc trước yêu cầu của Bắc Kinh đòi Trump phải dỡ bỏ tất cả các đòn thuế mà ông đánh vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ năm ngoái.
"Chúng ta đang mắc kẹt ở ngay điểm mà chúng ta bế tắc trước đây. Chúng ta không đạt được tiến triển nào cả", Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, bình luận.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc cho rằng chính quyền Trump đang lo ngại quá mức trước thay đổi nhỏ về nhân sự của Trung Quốc ở nhóm đàm phán thương mại. James Green, cựu quan chức thương mại cấp cao ở đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, cho rằng Phó thủ tướng Lưu Hạc không có nguy cơ bị Bộ trưởng Chung Sơn qua mặt vì ông Lưu và ông Tập là bạn bè thân thiết từ lâu.
"Một số quan chức ở Nhà Trắng, những người có thể không có nhiều kinh nghiệm trong việc giao dịch với các chuyên gia đàm phán Trung Quốc, có thể suy diễn quá nhiều về việc ai là người nắm quyền quyết định trong nhóm đàm phán Trung Quốc. Tất cả các nhà đàm phán Trung Quốc đều khó có thể tự ý đưa ra quyết định", Green nói.
Hồng Vân (Theo Washington Post)
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung "căng hơn trước"
Mỹ và Trung Quốc dự kiến nối lại đàm phán thương mại trong tuần này nhưng sau 1 năm kể từ khi thương chiến nổ ... |