Gốc rễ sâu xa đằng sau nạn bạo lực và cướp bóc ở Nam Phi

Mức độ bất bình đẳng về tài sản và thu nhập ngày càng tăng khiến Nam Phi trở thành một trong những xã hội bất công nhất xét về kinh tế. Do đó, sự việc cựu Tổng thống Jacob Zuma vào tù chỉ như đốm lửa làm bùng lên mâu thuẫn âm ỉ nhiều năm và bạo loạn lan tràn khắp đất nước

Gốc rễ sâu xa đằng sau nạn bạo lực và cướp bóc ở Nam Phi ảnh 1
Hàng trăm trung tâm mua sắm ở Nam Phi đã bị cướp phá, hôi của trong tuần qua

Cư dân tự trang bị vũ khí chống bạo loạn

Trong gần 1 tuần bạo loạn, Nam Phi đã trải qua một trong những cuộc biểu tình tồi tệ nhất kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc vào năm 1994. Hơn 200 trung tâm mua sắm đã bị nhắm mục tiêu trong 4 ngày đầu tiên của cuộc biểu tình ở

KwaZulu-Natal và tỉnh miền Trung Gauteng, trong đó có trung tâm kinh tế Johannesburg. Đám đông đã cướp phá các ngôi nhà ở một số khu vực sau khi các cửa hàng được dọn sạch. Các ngân hàng và chuỗi bán lẻ lớn nhất của đất nước đã đóng cửa và giao thông trên một số tuyến đường giao thông chính đã bị gián đoạn.

Hàng nghìn binh sĩ Nam Phi đã được triển khai, dẫn đến hàng chục người thiệt mạng do đụng độ và giẫm đạp lên nhau. Ít nhất 1.200 người đã bị bắt tính đến ngày 14-7. Trong bối cảnh bạo lực lan rộng, người dân trong một khu dân cư ở Durban đã tự trang bị súng và gậy bóng chày để chặn đường ra vào và đuổi những kẻ cướp bóc ra khỏi các siêu thị địa phương. Nhưng trên hết, người ta không khỏi lo ngại về tác động của tình trạng bất ổn đối với nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu.

Bạo lực cũng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Nam Phi. Đồng rand, một trong những đồng tiền mới nổi hoạt động tốt nhất trong thời kỳ đại dịch, vừa chạm mức thấp nhất trong 3 tháng hôm 13-7. Trái phiếu và cổ phiếu của các ngân hàng, công ty bất động sản cũng giảm. Ngày 14-7, nhà máy lọc dầu lớn nhất Nam Phi, đặt tại Durban, đã tạm thời ngừng hoạt động.

Đại diện cơ quan Liên hợp quốc tại Nam Phi hôm 13-7 cũng cảnh báo rằng, bạo lực sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn do nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng gây ra.

Mâu thuẫn âm ỉ trong nhiều năm

Các cuộc biểu tình bạo lực ở Nam Phi nổ ra sau khi cựu Tổng thống Jacob Zuma tình nguyện ra đầu thú. Ông Zuma đang thụ án 15 tháng tù vì khinh thường tòa án sau khi ông ta cố tình phớt lờ yêu cầu trả lời các câu hỏi trước một ủy ban điều tra tư pháp có nhiệm vụ khám phá sự thật về tình trạng tham nhũng nhiều năm trước. Tuy nhiên, thật sai lầm khi cho những gì đang diễn ra như một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ chính trị lớn dành cho ông Zuma.

Ngược lại, nó là hậu quả có thể thấy trước của những thất bại về kỹ trị của đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) từ lâu đã quá bận rộn với các cuộc chiến giữa các phe phái, điển hình là giữa cựu Tổng thống Zuma và người kế nhiệm Cyril Ramaphosa, nên hiệu quả quản lý Nhà nước ở mức hạn chế. Khi bạo loạn nổ ra, cảnh sát không có sự hỗ trợ đầy đủ từ các nhân viên tình báo để dự đoán xu hướng bạo lực và kịp thời dập tắt. Giờ đây, quân đội đã được triển khai để hỗ trợ cảnh sát. Đó là dấu hiệu của tình trạng chính phủ không có khả năng đảm bảo an toàn cho công dân bằng các cơ chế chính sách thông thường.

Tuy nhiên, gốc rễ câu chuyện lại là những mâu thuẫn trong lòng xã hội. Hơn 74% thanh niên dưới 25 tuổi ở Nam Phi không có việc làm. Một nửa số người Nam Phi nghèo kinh niên. Tình hình kinh tế kiệt quệ do đại dịch Covid-19 khiến cho đời sống người dân Nam Phi thêm phần khó khăn. Tình trạng đói nghèo càng trở nên trầm trọng vì nhiều biện pháp hạn chế kinh tế và xã hội để hạn chế sự lây lan của đại dịch.

Hàng triệu người da màu Nam Phi cảm thấy mờ mịt về tương lai. Họ không hề nao núng nếu bị kết tội bạo lực và trộm cắp nơi công cộng, bởi vì người ta chỉ có thể đánh mất những gì mình có. Họ thiếu hy vọng và tin tưởng vào chính phủ, bởi vì đảng ANC từ sau khi xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc năm 1994 đã không thực hiện đúng khẩu hiệu nổi tiếng của họ là “Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.

“Những người gây bạo loạn trên đường phố Nam Phi rõ ràng đang nhắm trực tiếp vào một nhà nước và xã hội đã bỏ rơi và khiến họ trở nên vô hình. Việc bắt giữ, trừng trị những kẻ coi thường pháp luật không giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Giải pháp sẽ được tìm thấy trong việc trả lời câu hỏi: Người dân Nam Phi sẽ làm gì để xóa bỏ mọi hình thức bất bình đẳng?

Ông Eusebius McKaiser (Nhà phân tích chính trị ở Johannesburg)

(Theo Reuters/Washington Post)

Sử dụng máy bay quân sự sai mục đích, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi bị cắt lương Sử dụng máy bay quân sự sai mục đích, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi bị cắt lương

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi bị cắt lương 3 tháng vì sử dụng máy bay quân sự để cho những người không có trách ...

Nam Phi công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước dịch COVID-19 Nam Phi công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước dịch COVID-19

Nam Phi sẽ thành lập ngay Trung tâm phản ứng quốc gia nhằm điều phối tập trung mọi hoạt động liên quan đến các tình ...

/ anninhthudo.vn