Từ niềm tự hào của cả hòn đảo, ngày nay thủy cung Ocean Park trở thành nỗi hổ thẹn của nhiều người Hong Kong.
Hồng Kông: Giá thuê nhà cao nhất thế giới, nhân viên ngân hàng cũng đành sống tập thể |
Thế giới ngầm bên dưới ánh hào quang của Hong Kong |
Đã 50 năm kể từ khi Hong Kong đồng ý cấp đất cho dự án xây thủy cung mới. Ocean Park mở cửa đón khách vào tháng 1/1977.
Ngày khánh thành công viên. Ảnh: SCMP.
Ocean Park trở thành niềm tự hào trong trái tim người Hong Kong, giống như một nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ êm đềm của bao thế hệ. Tại sân khấu thủy cung, bốn con cá heo bơi từ lồng ra bể trình diễn. Chúng tung người thuần thục như những diễn viên ballet trên nước. Vào phút cao trào, một con tàu được đẩy vào giữa sóng nước giả làm bão để tạo ra cảnh tàu đắm, những con cá heo sẽ cứu huấn luyện viên khỏi cơn nguy hiểm giữa âm nhạc hào hùng và tiếng hò reo từ khán giả.
"Điều khiến Ocean Park nổi bật hơn những thủy cung khác tại châu Á chính là trải nghiệm thực", người đại diện thủy cung cho hay.
Tuy nhiên, biểu tượng một thời đang chật vật tồn tại sau năm thập kỷ. Năm 2016, Ocean Park báo cáo doanh thu thâm hụt tới mức kỷ lục, lỗ 241,1 triệu đôla Hong Kong (khoảng 30,8 triệu USD). Lời tuyên bố của ban quản lý thủy cung rằng họ là nhà vô địch trong công tác bảo tồn và giáo dục về môi trường biển giờ như một lớp véc-ni bong tróc.
Zoe Ng, người bản địa, cho hay: "Tôi thực sự xấu hổ về Ocean Park". Zoe hiện là người đồng sáng lập cho chiến dịch Empty the Tanks (Dọn sạch những chiếc bể), phản đối hoạt động nuôi nhốt động vật biển có vú.
Show cá heo tại Ocean Park. Ảnh: SCMP.
Nhiều nhà hoạt động xã hội như Zoe cũng đang tích cực đấu tranh,khi thủy cung nuôi nhốt cả những con cá heo sông Dương Tử - vốn không phải loài địa phương. Theo một nghiên cứu của Đại học Hong Kong, loài này chỉ còn khoảng 368 cá thể tại vùng nước ngọt của Trung Quốc.
Zoe bày tỏ băn khoăn về việc thủy cung Ocean Park nuôi nhốt những con cá heo sông Dương Tử để biểu diễn cho khán giả, điều này còn gây tổn hại cho chúng nhiều hơn đạt được mục đích bảo tồn.
Ocean Park không hề công bố tỷ lệ động vật tử vong cho tới năm 2010, nhưng số liệu từ tổ chức phi chính phủ Ceta-Base khiến nhiều người bất bình. Theo đó, tờ Post liệt kê 47 con cá heo chết trong khu nuôi nhốt ngay cả trước khi thủy cung mở cửa. Từ năm 1974 tới 2002, có 131 sinh vật biển chết tại đây.
Từ khi công khai số liệu, thủy cung này cho rằng những show biểu diễn động vật là một phần quan trọng của quá trình giáo dục bảo tồn, là chìa khóa cho họ thực hiện sứ mệnh của mình với người dân trên đảo và du khách.
Ocean Park cho rằng những show biểu diễn đã đem lại tác động giáo dục tích cực qua đánh giá khách quan từ khán giả. Họ dẫn ra kết quả nghiên cứu độc lập của tổ chức Alliance of Mammal Parks and Aquarium vào năm 2011, cho thấy 89% phàn hồi đồng ý rằng trẻ em học hỏi được nhiều về động vật biển có vú ở hồ cá hoặc vườn thú hơn là trong lớp học.
Một show cá heo tại Ocean Park. Video: The Tummy Traveler.
Sau 40 năm nghiên cứu, nhiều người trong giới bảo tồn biển cho rằng hoạt động tại các thủy cung không tạo ra nhiều sự khác biệt.
"Chương trình gây sốc và không tính giáo dục khi khán giả chỉ thấy những con cá heo nhào lộn", Gary Stokes, thuộc Hiệp hội Bảo tồn biển ở Hong Kong, giúp nâng cao nhận thức về loài cá heo trắng trên sông Dương Tử.
Yuki Lui Hiu-ying, điều phối dự án tại Hiệp hội Bảo tồn Cá heo tại Hong Kong đồng ý với quan điểm trên: "Tôi không thấy những show cá heo có tác dụng nâng cao nhận thức về cá heo".
Khi người ta chỉ trình chiếu vài slide trên sân khấu khi buổi biểu diễn chuẩn bị kết thúc với dòng chữ: "Không bao giờ tiếp cận cá heo trong bán kính 50 m, không cho cá heo ăn và không chạm vào chúng". Những quy định này hoàn toàn bị phớt lờ trong show diễn có hàng nghìn người đón xem.
Bên trong thủy cung, sát bể trưng bày lớn Grand Aquarium là một màn hình hiển thị những thông tin về tác động tiêu cực của ngành thương mại thủy sản, đặt cạnh một kiosk quảng cáo mực ống Hàn Quốc giá 3 đôla Hong Kong một cân (khoảng 0,4 USD).
Bể cá trong thủy cung. Ảnh: SCMP.
Nghiên cứu cho thấy, điều kiện sống trên bờ biển Hong Kong gây khó khăn cho loài cá heo sông Dương Tử và diện tích nhanh chóng bị thu hẹp do mật độ cầu đường gia tăng, sân bay mở rộng, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường biển và thay đổi khí hậu. Dân số tăng trưởng khoảng 2,5 % trên hòn đảo, đồng nghĩa với toàn bộ cá heo nước ngọt trên đảo có nguy cơ biến mất trong vòng 60 năm tới.
Ocean Park là đối tác hàng đầu của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Bảo tồn Trung Quốc khi cứu trợ những sinh vật biển có vú mắc cạn. Trong đó có 81 con rùa biển được cứu và 63 cá thể trong đó được thả về tự nhiên. Tuy nhiên, trong vòng 40 năm, Ocean Park không hề cứu trợ, di tản hay thả ra một con cá heo trắng nào, Zoe cho biết.
Thủy cung này mạnh mẽ bảo vệ quá trình bảo tồn và giáo dục về cá heo nước ngọt, thể hiện qua quỹ bảo tồn Ocean Park Conservation Foundation, Hong Kong (OPCFHK) được thành lập từ năm 1993.
Đại diện Ocean Park cho biết, trong năm tài chính 2015/2016, thủy cung đã đóng góp 12,1 triệu đôla Hong Kong (khoảng 1,5 triệu USD) để hỗ trợ 32 dự án tại 9 quốc gia, bảo vệ 22 loài vật hoang dã của châu Á.
Song, Hiệp hội Bảo tồn Cá heo tại Hong Kong cho biết họ chưa từng nhận quyên góp từ Ocean Park hay quỹ OPCFHK. Ông Yuki Lui Hiu-ying lo ngại những thành công trong quá khứ của thủy cung này, với những show biểu diễn có tiếng, sẽ nhân rộng mô hình giải trí thủy cung ra toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, nhiều nơi không đạt chuẩn về điều kiện nuôi nhốt động vật hoang dã.
Ông Allan Zeman, chủ tịch được bổ nhiệm năm 2003,đã sáng lập ra công viên làm trung tâm bảo tồn và giáo dục, đồng thời khởi động một chương trình cải cách lớn vào năm 2005. Tạp chí Forbes đã gọi ông trùm là "Sát thủ Chuột" vì thành công của ông trong việc vực dậy cả một cơ ngơi sắp sụp đổ, khi đối mặt với sự cạnh tranh từ Disneyland, mở cửa vào tháng 9/2005.
"Ocean Park hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi là đem đến cho du khách những trải nghiệm thật với động vật hoang dã, cung cấp kiến thức về giáo dục và bảo tồn môi trường biển", Zeman nói với tạp chí Forbes vào năm 2007. Nhưng với sự ra đi của Zeman vào năm 2014, mục tiêu đó dường như đi vào ngõ cụt khi những show biểu diễn ngày càng giả tạo và lỗi thời.
https://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/goc-khuat-sau-show-ca-heo-cua-thuy-cung-lau-doi-nhat-hong-kong-3640185.html