Từng đạt được sự đồng thuận gần như tuyệt đối khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện các chính sách kể từ đầu năm 2020, Chủ tịch FED Jerome Powell đang đối mặt với những thức lớn chưa từng có suốt nhiệm kỳ.
Với lạm phát có lúc cao tới 9% trong năm vừa qua, ông Powell và các đồng nghiệp đã dốc toàn lực cho cuộc chiến áp chế giá cả, với một đợt tăng lãi suất 0,25% tiềm năng có thể là cuối cùng trong vài ngày tới. Tuy nhiên, sự đồng thuận đó đã có dấu hiệu rạn nứt, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao nhưng ngay cả các chuyên gia kinh tế của FED cũng nghi ngờ một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Kể từ khi Covid-19 đe dọa nền kinh tế Mỹ đầu năm 2020, ông Powell đã giành tới hơn 98% phiếu ủng hộ từ Ủy ban Thị trường mở Liên bang cho các chính sách của mình. Đầu tiên là những gói kích thích khủng trong suốt thời kỳ suy thoái và sau đó là những chính sách chống lạm phát chưa từng có nhiều thập niên qua.
Tuy nhiên, bất đồng quan điểm gia tăng khi FED ngày càng có ít công cụ hơn để chống lại lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG LLP, cho biết: “Cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị trường mở Liên bang sẽ rất quan trọng. Chúng ta đang hướng tới giai đoạn khó khăn nhất của FED trong cuộc đua marathon này – khi mà những phản ứng với chính sách tăng lãi suất của FED sẽ ngày càng gay gắt tới mức mà chưa ai ở cơ quan này từng phải đối mặt”.
Các quan chức FED báo hiệu rằng FOMC sẽ tăng lãi suất 0,25% trong cuộc họp ngày 2-3/5, đưa lãi suất lên cao nhất là 5,25%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2007 và là một trong những đợt tăng lãi mạnh nhất suốt 4 thập kỷ qua.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao. Những nạn nhân điển hình là Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature. Các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát nhấn mạnh việc lãi suất tăng thêm 0,5% so với mức hiện tại sẽ dẫn tới việc chắt chặt hơn nữa các điều kiện cho vay với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản.
David Wilcox, người phụ trách nghiên cứu kinh tế Mỹ, của Bloomberg Economics, nhấn mạnh: “Sau khi lãi suất liên bang tăng thêm một bậc nữa tại cuộc họp ngày 2-3/5, FOMC có thể tuyên bố rằng họ nghĩ lãi suất như vậy là đủ để đưa lạm phát về mực tiêu 2%”.
Trong khi đó, việc rất nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả những người làm việc cho FED, đồng thuận rằng kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái dẫn tới việc FOMC đứng trước tình thế khó khăn: Tiếp tục chống lạm phát hay hỗ trợ nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại.
Vincent Reinhart, nhà kinh tế trưởng tại Dreyfus và Mellon, người trước đây đã dành 1/4 thế kỷ làm việc tại Fed, cho biết: “Ông Powell sẽ gặp khó trong việc giữ cho FOMC tiếp tục đồng thuận với nhau. Những điều dễ dàng trong năm ngoái đã không còn nữa và xuất hiện nhiều quan điểm khác biệt giữa các thành viên FOMC.
Các dự báo của FED hồi tháng 3 cho thấy 7 trong số 18 người tham gia FOMC ủng hộ ít nhất một lần tăng lãi suất nữa sau điều chỉnh hồi tháng 5. Thậm chí, có 1 người còn mong muốn đẩy lãi lên tới 6%. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm thận trọng với lãi suất bởi lo ngại nó có thể tác động nặng nề tới nền kinh tế lớn nhất thế giới.