Theo kế hoạch, ngày 31.3, việc rà soát 95 hồ sơ bị để lại do có đơn thư phản ánh sẽ có kết quả từ thanh tra. Những ứng viên không đạt chuẩn sẽ kiên quyết không được công nhận.
GS Hoàng Xuân Sính cho rằng việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS cần gắn với vị trí việc làm ở các trường đại học, viện nghiên cứu.
Trong số những hồ sơ Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS) bị để lại để rà soát có nhiều hồ sơ của ứng viên là quan chức. Sau đợt rà soát này, Bộ GDĐT cũng sẽ trình Thủ tướng ban hành quy định mới về công nhận chức danh GS, PGS theo hướng tiếp cận với quy chuẩn của thế giới.
Tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn về việc quan chức có nên làm GS hay không? Ở các nước trên thế giới, GS là chức danh nghề nghiệp, là những người đang trực tiếp đào tạo và giảng dạy. Còn ở Việt Nam, GS, PGS là chức danh khoa học, không phải là chức danh nghề nghiệp khiến cho nó "oai hơn".
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS-TSKH Hoàng Xuân Sính (Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Thăng Long) cho rằng, quy định mới về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm GS, PGS cần phải sửa theo hướng: GS trước hết phải là giảng viên, làm việc ở các trường đại học, các viện, học viện có chức năng đào tạo, nghiên cứu.
“Quy định hiện hành của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy trình xét duyệt chức danh GS vẫn đề cập những người thỉnh giảng, làm quản lý. Tôi nghĩ quy định này phải sửa lại. Giáo là dạy, sư là thầy. Chức danh đó là để dạy học, nếu anh không dạy ngày nào mà cũng được phong thì rất vô lý.
Cần xem lại việc phong GS, PGS hiện nay đã thực chất chưa? Có những người được phong chức danh xong thì không nghiên cứu và cũng chẳng giảng dạy nữa, nhưng vẫn rất tự hào vỗ ngực mình là GS. “Giáo sư”có nghĩa chung là thầy dạy học, có gì đâu mà oai” – nhà toán học nữ đầu tiên của Việt Nam chia sẻ.
GS Hoàng Xuân Sính cũng tâm sự, xã hội cứ tưởng GS, PGS phải được bổng lộc gì ghê gớm, nhưng thực ra quyền lợi đâu có nhiều. Tính đến hiện tại, lương GS của bà được hơn 10 triệu đồng/tháng. Trong khi làm nghiên cứu khoa học thì phải làm việc ở phòng thí nghiệm tối thiểu 12 tiếng/ngày, nếu không dành toàn tâm toàn sức như thế thì rất khó có được công trình đặc biệt. Còn những người không bỏ ra ngần ấy thời gian dành cho công việc nghiên cứu, giảng dạy mà vẫn muốn làm GS, chỉ có thể vì muốn giải quyết khâu "oai".
Còn theo GS-TSKH Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam), quy định mới về việc phong chuẩn GS cũng nên sửa theo nguyên tắc trả lại chức danh GS, PGS cho các trường đại học và không nên phong “GS suốt đời” như hiện nay.
“Tôi nghĩ khi một GS ngừng việc giảng dạy và nghiên cứu thì không được gọi là GS nữa, mà chỉ nên là nguyên GS của trường đại học này, hay trường kia. Đã đến lúc cần trả chức danh GS, PGS trở về đúng ý nghĩa của nó, dành cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, các viện nghiên cứu mà thôi”- GS Phạm Tất Dong khẳng định.
Kết thúc rà soát tiêu chuẩn giáo sư vào cuối tháng 3
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định ứng viên nào không đáp ứng đủ điều kiện giáo sư, phó giáo sư thì không công nhận, ... |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không đáp ứng tiêu chí GS, PGS sẽ bị loại, bất kể đó là ai
Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, cuối tháng 3.2018 sẽ có kết quả rà soát chức danh giáo sư, phó giáo sư. Những ứng viên ... |
Hãy trả hàm giáo sư về cho trường đại học
Một số ứng viên GS, PGS trong danh sách 95 trường hợp cần xác minh đã tự nộp đơn xin rút lui khỏi danh sách ... |