Giảm trừ gia cảnh

“Giá xôi tăng từ 12 nghìn lên 15 nghìn”, người lái xe ôm buông câu đầu khi vừa nổ máy, chở tôi rời đi từ một xe xôi sáng trên đường Pasteur, quận 1. 

Sáng nào anh cũng ăn xôi ở đó để có sức chạy xe. Thu nhập của anh mỗi ngày một đến vài trăm tùy hên xui, "bây giờ phải trả thêm ba nghìn Đồng tiền ăn sáng". Chỉ ba nghìn Đồng, nhưng tỷ lệ tăng giá là 25% so với mức 12 nghìn Đồng trước đó. Giá một gói xôi tăng thêm ba nghìn đồng có lẽ chỉ được nhớ bởi một người ăn xôi có thu nhập tính theo cùng đơn vị nghìn đồng.

Đến tiệm cà phê, tôi kể chuyện này với bạn - người "sang" hơn một chút, thường ăn ở những tiệm xôi ngon. "Tiệm xôi tôi hay ăn cũng tăng từ 30 lên 35 nghìn một dĩa", anh gật gật, mức tăng hơn 16%.

Tới nhà, tôi thấy vợ chạy vội ở đâu về. "Ủa, tưởng em đi chợ với má để mua đồ mang sang Anh", vợ tôi lắc đầu, "về lấy thẻ và lấy thêm tiền mặt vì hai triệu em cầm theo không đủ". Năm nào về Việt Nam, vợ chồng tôi cũng mua một ít đồ ăn để mang đi Anh - nơi tôi làm việc. Lần này, cũng mua chừng đó thứ, số cân hành lý chỉ có vậy, vợ tôi đã mang đi chợ hai triệu Đồng tiền mặt mà không đủ. "Giá lên dữ vậy sao?", tôi hỏi, "Ờ, có nhiều thứ bây giờ cũng không còn rẻ hơn ở Anh nhiều như mình tưởng nữa đâu". Cô lật đật lấy tiền và thẻ rồi chạy đi.

Giá cả là một trong những điều tôi nhớ nhất khi trở về thăm nhà lần này. Ngồi ở quán cà phê quen thuộc trên đường Điện Biên Phủ, chỉ vào ly cà phê, thằng bạn ở Pháp năm nào cũng về Việt Nam kêu: "chỉ một năm mà sao giá cả lên quá mậy? từ cà phê tới hủ tíu, cơm tấm". Một trong những bạn học của tôi ở Đại học Kinh Tế TP HCM, vốn rất bàng quan với giá cả tiêu dùng, cũng gật đầu thừa nhận, anh cảm thấy giá trong vòng hơn một năm qua khác quá.

Điều ngạc nhiên là con số lạm phát năm 2019 được Chính phủ công bố ở mức 2,79%, thấp nhất trong vòng ba năm. Có gì đó không đúng ở đây chăng? Lật ra số liệu chi tiết của Tổng cục Thống kê về lạm phát ở Việt Nam, bức tranh dần rõ hơn. Một số loại chỉ số giá như thực phẩm, y tế và giáo dục đều tăng từ 6% đến hơn 8,5%, cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi con số lạm phát chung 2,79%.

Vậy vì sao số lạm phát chung thấp như vậy? Có vài nguyên nhân có thể dẫn đến điều này. Thứ nhất, giá một số mặt hàng khác giảm, hoặc tăng thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, một số mặt hàng như giao thông giảm hơn 1% so với năm 2018, một số mặt hàng khác chỉ tăng chừng 1,35% như nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình.

Thứ hai, những loại mặt hàng có mức giá giảm hay mức tăng giá thấp như vậy lại chiếm tỷ trọng cao trong "rổ hàng hóa" được cơ quan này sử dụng để tính lạm phát. Rổ hàng hóa hiểu nôm na là một hệ thống chia phần mà theo đó Tổng cục Thống kê giả định (dựa trên một số khảo sát của họ) rằng một gia đình thu nhập trung bình thường chi bao nhiêu phần trăm cho thực phẩm, cho đi lại, giáo dục, y tế...

Cũng theo thông tin trên trang web của cơ quan này, một số mặt hàng có mức tăng thấp hoặc đã giảm giá chiếm tỷ trọng tương đối cao trong rổ hàng hóa. Ví dụ như giao thông chiếm 9%, còn thiết bị và đồ dùng gia đình chiếm hơn 7%. Trong khi đó, dịch vụ y tế và giáo dục - các khoản mục có mức tăng giá cao - chỉ chiếm tỷ trọng từ khoảng 3% đến 5% rổ hàng hóa. Điều đó cho thấy con số lạm phát tính theo chỉ số CPI chung không phản ánh hết được mức tăng giá của một số loại hàng hóa thiết yếu của dân chúng như giá lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, điện, xăng của một người bình thường sống ở đô thị lớn.

Thế nhưng, kết quả lạm phát ấy vừa được Bộ Tài chính áp dụng để xây dựng mức giảm trừ gia cảnh mới khi tính thuế Thu nhập cá nhân cho cả nước. Mức giảm trừ gia cảnh được tăng từ 9 triệu Đồng lên 11 triệu Đồng với một người phụ thuộc.

Mức tăng 2 triệu Đồng sau gần 10 năm là một cái gì đó khập khiễng với gói xôi của anh xe ôm, ly cà phê của bạn tôi hay tô phở gần nhà tôi - năm 2013 chỉ khoảng 20 nghìn Đồng nay đã hơn 35 nghìn Đồng, tăng giá tới 75%. Thế nhưng, chỉ số lạm phát chung tính theo CPI từ 2013 tới tháng 12/2019 chỉ tăng 23,2%. Dường như có một sự lệch pha đáng kể giữa mức tăng chi phí sống tính theo chỉ số CPI chung và mức tăng chi phí sống mà người dân thật sự phải trả.

Lạm phát bản thân nó đã là một loại thuế đánh lên người dân, nhất là nhóm thu nhập trung bình và thấp. Vì với họ, một phần lớn thu nhập phải chi cho lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục, là những mặt hàng có tốc độ tăng giá nhanh hơn nhiều so với chỉ số CPI chung. Giá một gói xôi tăng vài chục nghìn chưa chắc xi-nhê gì với một người thu nhập tiền triệu mỗi ngày, trừ những người nhặt tiền lẻ. Vì vậy, sử dụng tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số CPI chung để điều chỉnh cho mức chịu thuế thu nhập cá nhân là khập khễnh.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của thu ngân sách là phải nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang chống chọi với dịch bệnh. Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều câu hỏi về nguy cơ suy thoái trong khi người dân vẫn tiếp tục phải đóng nhiều loại tiền khác chẳng hạn như bảo hiểm xã hội, họ kỳ vọng được cảm thấy sự động viên, hỗ trợ nhiều hơn, bằng cách tính thuế vừa vặn hơn.

Ở phía ngược lại, tôi cũng thông cảm với những khó khăn của ngân sách Nhà nước. Theo ước tính của Bộ Tài chính, điều chỉnh giảm trừ gia cảnh lần này sẽ khiến số thuế thu nhập cá nhân giảm 13 % so với số thu 2019. Người dân sẽ chấp nhận giảm trừ gia cảnh thấp đi một chút nếu được giải thích tử tế, tường minh hơn về những thay đổi chứ không phải tuyên bố "điều chỉnh tăng giảm trừ gia cảnh 2 triệu đồng so với năm 2013 là phù hợp với biến động giá cả", và "các cơ quan cũng như mọi người dân đều phải thực hiện, tuân thủ Luật Thuế và việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo đề xuất lần này" như phát biểu của đại diện Bộ Tài chính.

Người dân chấp nhận chia sẻ khó khăn với Nhà nước bằng sự logic và thấu hiểu. Họ không muốn bị xem như người không biết gì về các bài toán kinh tế mà chỉ có các chuyên gia của cơ quan nào đó mới có quyền độc quyền chân lý về cách tính thuế. Không có cách tính thuế nào là tuyệt đối đúng cả. Chỉ một một sự thật: người dân có cảm thấy mức thuế mình đóng tương ứng với những gì mình được nhận hay không mà thôi.

Hồ Quốc Tuấn

giam tru gia canh Tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng: Vẫn lỗi thời?
giam tru gia canh Hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh
giam tru gia canh Hàng tiêu dùng, thực phẩm tăng giá
giam tru gia canh Đã đến lúc phải tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân
giam tru gia canh Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân
giam tru gia canh Có thể tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân
/ vnexpress.net