Giải pháp nào giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội?

Ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp khiến cho dư luận băn khoăn, các giải pháp mà thành phố Hà Nội đã triển khai trong các giai đoạn vừa qua có thực sự hiệu quả? Nên chăng cần có giải pháp đột phá để giải quyết "bài toán" ùn tắc giao thông đang đặt ra. Báo Hànộimới khởi đăng loạt bài nhằm làm rõ những vấn đề này.

tinh-trang-un-tac-giao-thon.jpg
Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên đường Nguyễn Trãi.

Bài 1: Loay hoay với ùn tắc giao thông

Ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được cải thiện nhiều, thậm chí ngày càng nghiêm trọng mặc dù lực lượng chức năng đang hằng ngày phải căng mình điều tiết phương tiện. Nhiều giải pháp mang tính tình thế ra đời, trong khi các nhiệm vụ mang tính trọng tâm, bền vững lại triển khai chậm, nên giải quyết được điểm ùn tắc này lại phát sinh điểm ùn tắc giao thông khác.

Nhìn đâu cũng thấy tắc đường

Nhiều năm nay, nút giao từ đường 70 với đường Xa La - Nguyễn Xiển (đoạn gần Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều) đã trở thành “điểm đen” ùn tắc giao thông khiến ai nấy chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi phải di chuyển qua đây. Chị Nguyễn Thị Phương (Khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) bức xúc nói: “Đường thì nhỏ hẹp mà người và xe lại quá đông. Trong khi, cầu vượt cũng như nút giao chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Ngày nào cũng ùn tắc chứ không phải chỉ xảy ra vào các khung giờ cao điểm”.

Cách đó không xa, tuyến đường Vành đai 3 cả trên cao lẫn bên dưới cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Điển hình là khu vực ngã tư Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch do một phần đường bị rào chắn phục vụ thi công 2 đơn nguyên cầu đô thị (thuộc Dự án cầu cạn Mai Dịch đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long). Đặc biệt, các nhánh lên, xuống chuyển tiếp giữa đường Vành đai 3 trên cao và dưới thấp… thường xuyên ùn tắc phương tiện, kể cả ngoài giờ cao điểm, do đường hẹp, lượng phương tiện lớn.

Trên các trục đường hướng tâm cũng còn rất nhiều điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tại nhiều khu vực, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông… phải “căng mình” chốt trực phân luồng hằng ngày nhưng tắc vẫn hoàn tắc. Những ngày cao điểm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, lực lượng công an phải bố trí mỗi ngày hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự tham gia điều tiết và xử lý sự cố vào các khung giờ cao điểm tại hơn 200 điểm được xác định thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hạ tầng nhiều tuyến đường, khu vực của Thủ đô đang bị quá tải nghiêm trọng, lưu lượng phương tiện vượt quá khả năng cung ứng của kết cấu hạ tầng. Ví dụ như đường Vành đai 3 trên cao đang phải “cõng” lượng phương tiện vượt khoảng 8 lần so với thiết kế ban đầu. Tương tự, cầu Chương Dương mỗi ngày có khoảng 95.000 phương tiện qua lại, vượt 8 lần thiết kế; cầu Thanh Trì có 120.000 phương tiện mỗi ngày, vượt khoảng 4 lần thiết kế; cầu Nhật Tân khoảng 107.000 phương tiện mỗi ngày, vượt khoảng 6 lần thiết kế.

Hay như đường Nguyễn Trãi, lượng phương tiện lưu thông vượt 3,3-5,6 lần thiết kế vào giờ cao điểm. Trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, lượng phương tiện cũng vượt 1,7-1,8 lần thiết kế.

Khó cải thiện sớm

Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông tin, năm 2008, JICA đã hỗ trợ Hà Nội lập quy hoạch giao thông và quy hoạch phát triển đô thị. Theo quy hoạch này, để duy trì mức độ thông thoáng, với tốc độ lưu thông trung bình 15-17km/giờ trong giờ cao điểm, đòi hỏi thành phố phải triển khai nhiều giải pháp, như xây dựng ít nhất 3 tuyến đường sắt đô thị, xây dựng đường bộ cao tốc trong đô thị, xây dựng thêm các tuyến đường trục chính, nút giao và cầu vượt, triển khai thêm xe buýt và làn đường dành riêng cho xe buýt… Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 24.000-25.000 tỷ đồng/năm, liên tục trong khoảng 20 năm. Hiện tại, dù thành phố đã có nhiều cố gắng, nhưng mức độ đầu tư chưa đạt, vì vậy tình hình ùn tắc giao thông khó có thể cải thiện.

Còn theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nếu áp dụng tiêu chí thông thường về ùn tắc trên thế giới (tỷ lệ giữa thời gian chuyến đi giờ cao điểm/giờ thấp điểm), Hà Nội (và cả thành phố Hồ Chí Minh) thuộc loại đô thị ùn tắc nhất thế giới (thời gian chuyến đi trong khung giờ cao điểm cao hơn 100% so với thời gian thấp điểm trên cùng cung đường).

Để đối phó với tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên diện rộng, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện các giải pháp cấp bách như: Dùng phần mềm mô phỏng tổ chức giao thông; thành lập 4 tổ công tác liên ngành rà soát, xử lý bất cập trong tổ chức giao thông; cắt xén vỉa hè, thu hẹp dải phân cách để mở rộng lòng đường… Trong năm 2023, Sở đã điều chỉnh tổ chức giao thông 48 tuyến đường và nút giao, qua đó xử lý 15/37 điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên trên địa bàn thành phố lại phát sinh 11 điểm ùn tắc mới.

“Các giải pháp điều chỉnh tổ chức giao thông, cắt xén dải phân cách, vỉa hè… mở rộng lòng đường vẫn chỉ là giải pháp tình thế”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường thẳng thắn nhìn nhận.

(Còn nữa)

Tuấn Lương / HNM.com.vn