Bắt đúng “bệnh” để xóa điểm ùn tắc giao thông

Với việc thực hiện các giải pháp cải tạo hạ tầng, lắp đặt bổ sung và điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông và tăng cường lực lượng chốt trực…, trong năm 2023, thành phố Hà Nội đã xử lý được 15/37 điểm ùn tắc giao thông. Năm 2024, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, kịp thời giải quyết các tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố…

un-tac.jpg
Ùn tắc trên trục đường Nguyễn Trãi do thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Hoài Nam

Giao thông "dễ thở" hơn

Sau nhiều năm là “điểm nóng” ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội thì đến nay, nút giao Trần Đại Nghĩa - Đại La (quận Hai Bà Trưng) và nút giao Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng (quận Đống Đa) đã trở nên thông thoáng hơn.

Tại nhiều khu vực khác của thành phố, đến nay, tình trạng giao thông cũng đã “dễ thở” hơn sau khi các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp như cải tạo hạ tầng, lắp đặt bổ sung và điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông, đồng thời tăng cường lực lượng chốt trực… Đại diện Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, qua khảo sát, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông (gồm 10 điểm phát sinh mới và 27 điểm tồn tại từ năm 2022). Từ kết quả khảo sát, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thống nhất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại để xử lý các vị trí ùn tắc theo các nhóm nguyên nhân. Trong số này có 17 điểm ùn tắc do rào chắn phục vụ thi công; 14 điểm do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; 2 điểm do đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; 4 điểm do quá tải lưu lượng phương tiện.

Việc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông đã giúp đưa ra các giải pháp phù hợp. Ví dụ như tại khu vực nút giao Trung Văn - Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm), xác định ùn tắc là do lưu lượng phương tiện lớn, trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao nên cơ quan chức năng đã tiến hành bịt nút giao Trung Văn - Tố Hữu và tổ chức cho các phương tiện quay đầu tại điểm mở dải phân cách giữa và tại nút giao Trung Văn - cầu Mỗ Lao; mở thêm điểm quay đầu lùi về phía quận Hà Đông cho xe máy, nhằm giảm tải lưu lượng phương tiện tại điểm quay đầu hiện trạng...

Nhờ thực hiện các giải pháp nói trên, trong năm 2023, thành phố đã giải quyết được 15/37 điểm ùn tắc giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng

Trong số các điểm ùn tắc còn tồn tại, có một số điểm do ảnh hưởng từ việc rào chắn kéo dài phục vụ thi công các công trình trọng điểm của thành phố, như dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; dự án xây dựng cầu vượt đường An Dương - Thanh Niên giai đoạn 2, đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân…

Thừa nhận quá trình thi công dự án kéo dài đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại, đại diện các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu bày tỏ mong muốn người dân chia sẻ và khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường thông tin, theo tiến độ được giao, đến hết năm 2024 dự án xây dựng cầu vượt đường An Dương - Thanh Niên giai đoạn 2 phải hoàn thành. Tuy nhiên, thành phố đã yêu cầu rút ngắn tiến độ 6 tháng. Hiện, dự án đang được triển khai thi công 3 ca liên tục. Ban Quản lý dự án cam kết từ nay cho đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ hoàn thành khoảng 1km, gồm 300m từ Khách sạn Thắng Lợi đến đường Xuân Diệu và 700m từ đường Lạc Long Quân đến cầu Nhật Tân.

Với dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự kiến trong quý II-2024 có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt là hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa đoạn tuyến trên cao vào khai thác thương mại. Đối với đoạn ngầm, hiện nay nhà thầu cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện “3 ca, 4 kíp” với quyết tâm bảo đảm hoàn thành tiến độ dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.

Tại cuộc họp liên ngành mới đây nhằm đánh giá về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trong năm 2024, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục phối hợp để giải quyết công tác tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giảm thiểu ùn tắc; tiếp tục rà soát, nghiên cứu các tuyến đường đủ điều kiện để phân làn phương tiện, các tuyến đường dành riêng hoặc dùng chung cho xe đạp…

Các cơ quan chức năng cũng sẽ xác định các vị trí có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm để bố trí lực lượng phối hợp hướng dẫn, phân luồng. Cùng đó là tiếp tục duy trì các tổ công tác, tiến hành họp hằng tuần để kịp thời xử lý các tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố…

https://hanoimoi.vn/bat-dung-benh-de-xoa-diem-un-tac-giao-thong-654025.html

Tuấn Lương / HNM.com.vn