Gia nhập ngành hàng xuất khẩu tỷ USD, sầu riêng Việt đối diện rủi ro gì?

Mang về 1,2 tỷ USD trong 8 tháng năm 2023, sầu riêng Việt Nam đang có lợi thế 'một mình một chợ', tuy nhiên, ngành hàng này đang đối diện với những rủi ro lớn.

Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng dự kiến vượt 1,5 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả mang về đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, con số trên đã vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD) và với tốc độ tăng trưởng có thể vượt kỷ lục 3,81 tỷ USD vào năm 2018.

8720dc9f5473fbfa1c63c5a5708d69cb
Giữa tháng 7/2022, Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc

Đáng chú ý, với việc mang về 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2023, sầu riêng chính là nhóm hàng đóng góp lớn cho kỷ lục của rau quả.

Đặc biệt, đà tăng của loại trái cây này được dự báo còn tiếp tục bởi đây là lợi thế của Việt Nam khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ.

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định, vụ sầu riêng chính ở vùng Tây Nguyên với sản lượng và diện tích rất lớn và trái vụ so với các nước khác. Thời điểm từ tháng 9, hầu như chỉ có Việt Nam có vụ sầu riêng và đây là lợi thế về xuất khẩu.

Đến nay, đã có hơn 300 các mã số vùng trồng sầu riêng và gần hơn 100 mã số cơ sở đóng gói. Do vậy hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ cho việc xuất khẩu cho các diện tích và sản lượng sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên đi một cách thuận lợi.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay, tháng 9 là thời điểm vùng sầu riêng lớn nhất nước - Tây Nguyên - vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó, sầu riêng các nước khác đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh. Chính vì vậy, sầu riêng tươi của Việt Nam càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể vượt 1,5 tỷ USD.

Đối diện với rủi ro gì?

Bên cạnh những tín hiệu tích cực về thị trường và giá bán sau khi có được “tấm hộ chiếu” xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thì ngành hàng sầu riêng cũng đối mặt nhiều biến động, bất an khi liên tục bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, chất lượng không đảm bảo khi múi bị sống sượng, quả thối hỏng không thể chín vì trái bị cắt non.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do có những thời điểm giá lên cao, thương lái gom hàng mạnh, chủ vườn tranh thủ bán hàng chạy giá theo kiểu cắt một lần là sạch vườn thì tỷ lệ trái non rất lớn.

Việc chất lượng sầu riêng xuất khẩu nảy sinh nhiều vấn đề, thị trường tranh mua, tranh bán, bát nháo như hiện nay, theo các chuyên gia, lý do một phần nằm ở lòng tham của chủ vườn, thương lái; song phần lớn là trách nhiệm thuộc về các cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Mặt khác, vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng Việt Nam hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Trong khi tại Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán cho doanh nghiệp. Chính vì cách quản lý này nên sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, trong khi giá nhập khẩu sầu riêng Thái Lan và Việt Nam nhiều thời điểm ngang nhau, nhưng nếu làm hàng Thái Lan thì yên tâm về chất lượng, mẫu mã. Tình trạng này đang khiến loại trái cây xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam bị giảm uy tín, nguy cơ khó giữ được thị trường xuất khẩu bền vững.

Về việc này, ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, Bộ cũng đã nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng sầu riêng bị cắt non, chất lượng không đảm bảo, sang đến thị trường nhập khẩu bị thối hỏng phải đổ bỏ. Dù số lượng các lô hàng này không nhiều nhưng tác động rất tiêu cực đến uy tín, hình ảnh sầu riêng Việt Nam.

“Giá trị xuất khẩu rất lớn, đầu ra tiêu thụ tương đối ổn định nên vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng là phải giữ được thị trường. Chúng ta phải cạnh tranh với các nước khác bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng”, ông Hoàng Trung nói.

Ông Hoàng Trung cho biết, từ nay đến hết năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử các đoàn đi kiểm tra thực tế địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng cắt bán sầu riêng non, các hành vi vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ngay trong mùa xuất khẩu sầu riêng.

Nếu như năm ngoái, giá sầu riêng bán xô tại vườn rơi vào khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, với giá này nhà vườn đã có lãi. Tuy nhiên, năm nay, do Trung Quốc tăng thu mua nên cơn sốt về loại quả này ngày càng tăng. Nhất là khi vụ thu hoạch chính sầu riêng tại Tây Nguyên đang đến gần. Một số nơi, thương lái đã đặt giá gần 100.000 đồng/kg với bà con trồng sầu riêng. Thậm chí, trước khi thu hoạch cả tháng, nhiều thương lái đã đến đề nghị chốt giá, đặt tiền.

Sau khi thương lái chốt cọc xong, chủ vườn sẽ tăng cường bón phân, thuốc để sầu riêng đạt năng suất cao. Điều này dẫn đến giảm chất lượng sầu riêng thành phẩm và tuổi thọ của cây. Trước tình trạng trên, Văn phòng SPS Việt Nam cũng khuyến cáo, các vườn trồng cần tuân thủ chặt chẽ Nghị định thư, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của cả ngành hàng.

“Việc thu hái sầu riêng cần đủ độ tuổi. Việc cắt non sầu riêng, quá trình từ nhà vườn về cơ sở đóng gói, vận chuyển đến tay người tiêu dùng chưa đảm bảo chín, chất lượng sẽ không đảm bảo. Và nếu chúng ta thu hoạch sầu riêng quá non, thì thậm chí trái sầu riêng sẽ không chín được”, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, theo tính toán, thời gian sầu riêng từ lúc ra hoa đến lúc cho thu hoạch quả là khoảng 100 ngày. Sầu riêng chín cây được cắt vào khoảng ngày thứ 90 - 92. Do sầu riêng chín dần từ dưới lên, nếu thu hoạch thì sầu riêng chỉ nặng cân mà không đảm bảo hương vị tốt nhất, thậm chí không chín khi tới tay người tiêu dùng. Nếu thu hoạch muộn hơn, sầu riêng có thể bị chín dọc đường, dẫn đến hiện tượng nứt vỏ.

Nguyễn Hạnh / Báo Công Thương