Giá hàng hoá "lên nhanh xuống chậm", làm sao kiểm soát được?

Trước diễn biến giá cả trên thị trường thế giới tác động đến thị trường trong nước, các cơ quan quản lý Việt Nam bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.

Giá hàng hoá
Nhằm bình ổn giá từ nay tới cuối năm, Cục Quản lý giá cho rằng sẽ căn cứ quy định tại Luật Giá cần đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. (Ảnh: Int)

Điều hành theo Luật Giá

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 7 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%. So với tháng trước, CPI tháng 7.2022 tăng 0,4% (khu vực thành thị tăng 0,42%; khu vực nông thôn tăng 0,37%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Tuy nhiên, thực tế trên thị trường diễn biến giá cả đang có chiều hướng khác, khi bà nội trợ phải chi thêm 10 - 15% chi phí/ngày so với hồi tháng 2-3/2022. Bởi giá tất cả các mặt hàng như rau xanh, thịt, cá, đồ dùng gia đình… đều tăng. Thậm chí, chi phí đi lại cũng tăng, mặc dù sau 2 kỳ điều hành gần đây giá xăng đã giảm.

Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính phân tích, việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Luật Giá, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý, điều tiết sự vận động của giá cả thị trường thông qua phương thức gián tiếp là chủ yếu. Nhà nước chỉ còn định giá trực tiếp một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.

“Hiện giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...”, đại diện Cục Quản lý giá nói.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho rằng, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai các giải pháp bình ổn

Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của giá dầu trên thế giới sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá chiến lược trên thị trường thế giới cũng như trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến CPI và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.

Việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể, nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp… các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Với mặt hàng xăng dầu-mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế, chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải-trong tháng 7/2022, giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh nhưng giá cả nhiều mặt hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá cần đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế thị trường của Việt Nam có sự quản lý của Nhà nước, do đó, không thể lấy lý do để thị trường quyết định mọi thứ cũng như để các doanh nghiệp phân phối lớn, các siêu thị lớn gây ảnh hưởng không lành mạnh đến thị trường giá cả hàng hoá.

https://markettimes.vn/gia-hang-hoa-len-nhanh-xuong-cham-lam-sao-kiem-soat-duoc-2981.html

Minh Trang / Nhịp sống thị trường