- Vì sao giá xăng dầu chỉ giảm nhỏ giọt gần 500 đồng/lít?
- Giá xăng dầu thất thường, quỹ bình ổn ‘hết phép’: Đến lúc bỏ?
Từ 15h ngày 1/8, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm. Xăng E5RON92 có giá bán không cao hơn 24.629 đồng/lít; xăng RON95-III, 25.608 đồng/lít; dầu diese 0.05S có giá 23.908 đồng/lít. Đây là lần giảm giá thứ tư liên tiếp kể từ đầu tháng 7 vừa qua.
Tổng cộng mức giảm giá sau 4 lần là: 7.165 đồng đối với xăng RON95; 6.673 đồng với xăng E5Ron92 và 5.471 đồng đối với dầu diesel. Trong khi đó, giá hàng hoá trên thị trường hầu như vẫn giữ ở mức cao, thậm chí một số mặt hàng còn tăng giá.
Một số hàng hoá giảm giá nhẹ
Trong những ngày qua, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống đã bắt đầu giảm 10.000-20.000 đồng/kg. Chị Trần Mai Hoa (tiểu thương chợ Cổng - Hà Đông) cho biết, giá thịt trong tuần qua đã giảm, sườn non, ba chỉ, bắp giò, nạc vai 130.000 đồng/kg; mông sấn 110-120.000 đồng/kg. Giá thịt lợn đã tăng so với hồi đầu tháng 7 nhưng đến thời điểm này giữ ổn định, không tăng cũng chưa thấy giảm so với trước kia.
Trong khi đó, chị Minh Hoa (Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, hôm qua tôi mua trứng gà ta trong siêu thị đã thấy tăng 5.000 đồng/chục quả. Trước là 45.000 đồng, giờ là 50.000 đồng/chục. Các loại rau gia vị như hành, mùi, thì là… cũng tăng giá đáng kể. Được biết, giá trứng gia cầm tăng một phần do chi phí vận chuyển, một phần do thức ăn chăn nuôi tăng giá và thời tiết ấm nóng khiến người chăn nuôi giữ trứng để ấp nở, tái đàn nhiều hơn.
Mặc dù thịt lợn đã bắt đầu giảm giá nhẹ thì các loại thực phẩm tươi sống khác vẫn giữ giá ở mức cao. Gà ta lông 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với trước đó; cánh gà công nghiệp 85.000-90.000 đồng/kg; đùi gà 75.000 đồng/kg; gà công nghiệp nguyên con 65.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách đây một tháng. Thịt bò các loại dao động từ 240.000-270.000 đồng/kg; cá nục 40.000-50.000 đồng/kg tùy kích cỡ; cá trắm nguyên con 65.000 đồng/kg, cắt khúc 90.000 đồng/kg, cũng cao hơn 10.000 đồng/kg so với mức giá duy trì trong các tháng đầu năm nay. Đối với các loại rau, giá khá ổn định: Rau muống 8.000-10.000 đồng/mớ; bí xanh 10.000 đồng/kg; khoai sọ 15.000- 18.000 đồng/kg; ngao 17.000-20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, rau gia vị vẫn khá đắt. Chẳng hạn hành lá 40.000 đồng/kg; rau mùi 70.000 đồng/kg.
Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, diễn biến giá cả cũng diễn biến trái chiều. Mặt hàng dầu ăn sau khi tăng giá mạnh hồi đầu năm nay hiện các đại lý bán lẻ đã giảm từ 2.000-3.000 đồng/chai 1 lít. Nguyên nhân giảm giá được cho là do chi phí vận chuyển đã "hạ nhiệt", kèm theo đó nguyên liệu sản xuất dầu ăn nhập khẩu đã dồi dào trở lại, giá nguyên liệu cũng đi xuống.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.Opmart Hà Đông cho biết, từ 29/7-1/8, một số nhà cung cấp đã thông báo mức giá thay đổi giảm một số mặt hàng thiết yếu. Theo đó, mặt hàng sữa tươi giảm 200 đồng/túi; cà phê Trung Nguyên xay 500g từ 57.900 đồng/hộp xuống còn 50.000 đồng; dầu đậu nành Simply 1 lít 64.900 đồng giảm còn 62.500 đồng; nước tương Nam Dương từ 17.600 đồng giảm còn 13.900 đồng; bột ngọt Vedan 454g từ 33.000 đồng giảm còn 28.500 đồng. Để hỗ trợ người tiêu dùng, siêu thị còn chạy các chương trình khuyến mại, giảm giá nhiều mặt hàng, kích cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.
Cùng với giá xăng dầu giảm, từ 1/8, giá gas bán lẻ giảm tháng thứ tư liên tiếp; trong đó, bình 12kg có mức giảm tới hơn 18.000 đồng/bình tuỳ từng công ty. Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán lẻ gas bình Petrolimex (đã bao gồm VAT) tháng 8/2022 là 430.400 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.721.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 18.400 đồng/bình 12kg và 73.900 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT). Như vậy, đây là tháng thứ tư liên tiếp giá gas điều chỉnh giảm. Tính chung 4 tháng qua, giá gas giảm hơn 83.000 đồng/bình 12kg.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Trên thực tế, giá xăng đã giảm sâu liên tiếp trong các kỳ vừa qua, người tiêu dùng đều "trông chờ" hàng hoá giảm giá theo. Tuy nhiên, hàng hoá tiêu dùng thiết yếu vẫn neo ở mức cao, mức giảm tuỳ mặt hàng lại không đáng kể. Hàng hoá tăng giá, sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu. Trước áp lực hàng hóa tăng giá đang đè nặng lên mỗi người tiêu dùng, trong khi thu nhập của người lao động sau đại dịch chưa tăng. Để thích nghi, người dân đều phải tìm cách thức phù hợp.
Chị Nguyễn Hiên ở Hà Đông cho biết, giá thực phẩm tăng mạnh, gia đình phải tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu. Với chi phí cho gia đình gồm 5 người lớn, 3 trẻ em, chi phí thức ăn hàng ngày khá cao nên dịp này, chị tôi thường tranh thủ dậy sớm đi chợ đầu mối mua hàng cho rẻ. Mua liền thức ăn cho 2-3 ngày cũng tiết kiệm được kha khá. Cùng với đó, cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết của các thành viên trong gia đình.
Giá hàng hóa tăng chóng mặt trong thời gian qua có một phần nguyên nhân từ việc giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh từ tháng 3 năm nay khiến chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao. Tuy nhiên, đến nay, giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng nhiều mặt hàng vẫn chưa giảm giá tương ứng, cho thấy biểu hiện lạm dụng tình hình thị trường để tăng giá bất hợp lý.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thông thường, khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá các loại hàng hóa khác và tạo nên mặt bằng giá mới. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa vẫn đang nghe ngóng, cân nhắc, còn đang nghi ngại liệu giá xăng có giảm ở mức bền vững không. Cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, bao gồm giá xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục.
Trước những diễn biến trên thị trường, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 679/CĐ-TTg, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá với từng nhóm hàng cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng có công điện yêu cầu lực lượng quản lý thị trường thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tăng giá bất hợp lý.