- Tăng giá điện, EVN sẽ thu về bao nhiêu tiền?
- Giá điện lên mức cao nhất 3.015 đồng/kWh, người dân phải trả thêm bao nhiêu?
Các chuyên gia phân tích về tác động của việc giá điện tăng 3% đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4/5, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh so với mức hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương ứng mức tăng 3%.
Nhận định về việc tăng giá điện sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết: Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI là tăng 0,33%; Nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ.
Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.
Nguồn: EVN
Trong khi đó, trả lời VTC News, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Điện là loại năng lượng đặc biệt, mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Thiếu điện sẽ dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân. Do vậy, việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, doanh nghiệp và chỉ số CPI.
Hiện điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI nên sau khi tăng 3% thì làm trực tiếp CPI tăng 0,105%.
Mặc dù vậy, ông Lâm cho rằng, đáng ra giá điện phải tăng ở mức 8%, bất kể điều đó sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng nhiệt điện than, nhiệt điện khí và nhiệt điện dầu chiếm khoảng hơn 45% tổng sản lượng điện quốc gia. Nói cách khác, điện sản xuất ra từ nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó giá than dùng để sản xuất điện năm 2022 tăng 264% và giá xăng dầu tăng 143% so với năm 2021.
“Giá điện được điều chỉnh tăng lần gần đây nhất vào tháng 3/2019, với mức tăng 8,36%. Đã 4 năm điện không tăng giá, trong khi đó khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu", TS. Nguyễn Bích Lâm nói.
Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tăng giá điện là hợp lý bởi giá cả phải lên xuống theo thị trường.
“Chúng ta cần xem xét giá đầu vào tăng thì giá đầu ra cũng phải tăng. Với mức tăng giá điện là 3% thì tuy cũng có tác động nhất định đến đời sống, đến nền kinh tế nhưng dự báo không nhiều”, ông Thịnh nói.
Theo tính toán ông Thịnh dự báo, việc tăng giá điện 3% sẽ khiến chỉ số CPI tăng 0,12%.
“Đây cũng là con số không đáng kể, không có ý nghĩa nhiều đối với nền kinh tế đang trên đà hồi phục mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng giá điện tăng sẽ có tác động nhất định đến nguồn thu nhập, chi tiêu của người dân và chi phí tăng thêm của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”, ông Thịnh nói.
Điện tăng 3% được dự báo không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số CPI. (Ảnh minh họa: Internet)
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, xét về nhiều yếu tố thì tăng giá điện là điều bất khả kháng hiện nay do tình hình lạm phát trên thế giới, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài đẩy giá nguyên liệu hoá thạch, giá dầu mỏ tăng cao
Tuy nhiên, ông Doanh cảnh báo, khó tránh khỏi giá điện tăng lên sẽ kéo những mặt hàng khác tăng theo, bởi điện là nguồn năng lượng chính để sản xuất ra tất cả các mặt hàng, kể cả sản xuất nông nghiệp.
“Giá đầu vào của các ngành sản xuất tăng chắc chắn sẽ tác động đến chỉ số CPI và lạm phát. Tuy nhiên, tác động ở mức nào thì cần phải tính toán qua nhiều vòng, nhiều sản phẩm và có cách thức tính toán kỹ càng mới có thể cho ra kết quả chính xác", ông Doanh phân tích.
Trong khi đó, thông tin giá điện tăng tối đa 3% khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, ái ngại. Vì tuy với mức tăng không đáng kể nhưng rất có thể hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ được đà tăng theo, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên.
Cũng như xăng, điện là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của bất kỳ hộ gia đình nào. Không những thế, nó còn tác động đến rất nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên đới khác. Trên thực tế, việc tăng giá xăng đã từng kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu đắt đỏ thêm đáng kể.
Chưa hết, việc giá điện tăng rất có thể còn bị coi là "cái cớ" để hàng hóa thiết yếu "tát nước theo mưa" và thiết lập mặt bằng giá cả mới. Còn nhớ, thời điểm tháng 7/2022, giá xăng tăng liên tiếp và đắt kỷ lục, ngay lập tức, giá cả loạt hàng hóa từ mớ rau, con cá cho đến bát phở, bát bún...cũng tăng theo và thiết lập nên một mặt bằng giá mới. Đáng nói là khi giá xăng hạ "nhiệt" thì các loại hàng hóa trên vẫn không giảm hoặc giảm nhỏ giọt và đến giờ vẫn không quay lại mức giá cũ.
"Nay lại đến điện tăng giá, tôi thực sự lo lắng không biết các mặt hàng thiết yếu có lại ào ạt tăng giá theo như hiệu ứng đã từng xảy ra với giá xăng dầu hay không. Nhưng với kiểu kinh doanh tự phát hiện nay, sẽ rất khó để kiểm soát được việc tự ý nâng giá nhằm trục lợi của nhiều tiểu thương. Chỉ số giá tiêu dùng theo tôi chắc chắn sẽ tăng, kéo theo chỉ số lạm phát tăng lên", anh Phạm Danh Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói.
https://vtc.vn/gia-dien-tang-3-chi-so-cpi-se-the-nao-ar770415.html