Gen Z kể chuyện đồng đội và tình yêu của ông ngoại thời chiến gây sốt mạng

Trước thềm 30/4, cô gái TP.HCM kể chuyện tình đồng đội, tình yêu của người ông từng chiến đấu và bị thương ở chiến trường miền Nam khiến cư dân mạng trẻ rưng rưng.

Câu chuyện về tình đồng đội và tình yêu thời chiến của ông ngoại do cô gái gen Z Phùng Ngọc Lam (sinh năm 2002, sinh viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM) kể lại trên mạng xã hội Threads đang gây sốt. Người xem, đặc biệt là các bạn trẻ, xúc động khi biết về thế giới tình cảm, cuộc sống và sự hy sinh của thế hệ ông bà mình để đất nước được độc lập, hòa bình.

Ông ngoại của Lam là Trần Xuân Nựu (81 tuổi, sống tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Câu chuyện của ông không chỉ là ký ức về sự khốc liệt của những tháng năm bom đạn mà còn là sự ấm áp của tình đồng đội thắm thiết, của tình yêu thủy chung, sâu sắc với bạn đời.

Ông bà ngoại của Ngọc Lam thời trẻ. (Ảnh: NVCC)

Ông bà ngoại của Ngọc Lam thời trẻ. (Ảnh: NVCC)

Tình đồng đội khi thập tử nhất sinh

Ngọc Lam kể rằng, khi chiến đấu tại chiến trường Bình Định, ông ngoại cô bị mất một chân do trúng bom. Các đồng đội bất chấp hiểm nguy, gian nan cõng ông qua đường rừng, né địch để đưa ông về đơn vị để được y bác sỹ cứu chữa.

Suốt 2 ngày di chuyển, ông Nựu không ăn, vết thương mất nhiều máu, bốc mùi hôi, người như tàu lá héo, thoi thóp thở. Các đồng đội phải lấy gạo sấy cho vào “hăng-gô” để nấu ra thứ cháo lõng bõng không muối, không đường, cố đút cho ông Nựu ăn.

Cuối cùng họ cũng đưa ông về được trạm phẫu của tiểu đoàn. Trạm trưởng nói nếu để chậm khoảng 20 phút nữa thì hết phương cứu chữa. Sau khi được sơ cứu, ông được chuyển tới Bệnh viện K206 của tỉnh. Vết thương bị nhiễm trùng rất nặng, các y bác sĩ phải 2 lần tháo khớp (ở cổ chân và đầu gối) nhưng vẫn không chặn được tốc độ hoại tử.

Chất độc trong bom khiến da thịt tại vết thương cứ nổ lép bép và đen từng đoạn như than, cơ xương bị phân hủy rất nhanh. Cuối cùng, bác sỹ quân y phải quyết định tháo tới khớp háng mới cứu được ông Nựu.

Trong quá trình điều trị, có lúc người thương binh này tưởng như không qua khỏi, thậm chí đã được đưa qua nhà xác, nhưng rồi ý chí mạnh mẽ đã giúp ông qua khỏi một cách kỳ diệu.

 

Cuối năm 1971, ông Trần Xuân được đưa ra Bắc điều dưỡng và trở về gia đình cùng chiếc chân giả. Ngọc Lam cho biết ông ngoại cô là thương binh loại 2 với 71% thương tật do mất chân trái và nhiều vết thương ở đầu, lưng, hông...

"Câu chuyện này không chỉ được ông ngoại kể, mà tôi còn được nghe ông Hồng - người đồng đội đã cứu sống ông tôi, người cõng ông suốt 2 ngày bị thương kể lại qua hồi ký khi hai người gặp lại nhau vào năm 2006. Ông ngoại tôi thường nhắc rằng nếu không có các đồng chí trinh sát và ông Hồng thì ông không còn sống đến hôm nay. Thật cảm phục sức sống kỳ diệu của ông ngoại tôi", cô gái gen Z chia sẻ.

Hai ông cháu chụp ảnh cùng nhau. (Ảnh: NVCC)

Hai ông cháu chụp ảnh cùng nhau. (Ảnh: NVCC)

Tình yêu sắt son thời chiến

Câu chuyện tình yêu thời chiến của ông bà ngoại Ngọc Lam cũng chạm đến trái tim của nhiều người trẻ khi cả nước đang xúc động hướng đến lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hồi còn trẻ, ông Trần Xuân Nựu rất đẹp trai. Bà ngoại Lam, con gái một cán bộ có cấp bậc cao trong xã, mê chàng thanh niên mồ côi vừa đẹp vừa tốt tính này. Họ yêu nhau trong khoảng thời gian ông Nựu chờ ngày nhập ngũ, sau đó là những tháng ngày xa cách đầy nhớ thương.

"Ông tôi trước khi ra mặt trận đã yêu bà. Bà ở hậu phương một lòng chờ đợi. Ông thì cố gắng chiến đấu, giữ mình ‘có khát khô cổ cũng không dám uống nước tại vì sông suối dính chất độc da cam hết rồi", Ngọc Lam viết.

Sau khi ông Nựu mất một chân và trở về miền Bắc, trong lần đầu tiên đến thăm, bà ngoại Lam được cán bộ báo trước về tình hình của người yêu, rằng bà phải chuẩn bị tinh thần, nếu bà không muốn đến với ông nữa thì có thể rời đi vì nếu gặp xong mà không nhận thì sẽ gây tổn thương cho người lính. Nhưng bà quyết đến với người đàn ông đã mất đi một phần thân thể này,

Họ xây dựng gia đình và sống hạnh phúc với nhau bao năm qua, có với nhau 4 người con, 7 người cháu. Ở tuổi ngoài 80, sức khỏe ngày càng kém, ông vẫn luôn chăm sóc vợ tận tình, âm thầm cầu nguyện cho vợ mỗi khi bà đau ốm.

Ngọc Lam luôn ngưỡng mộ và trân trọng chuyện tình yêu của ông bà. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Lam luôn ngưỡng mộ và trân trọng chuyện tình yêu của ông bà. (Ảnh: NVCC)

"Đến bây giờ, ông vẫn yêu bà tha thiết. Khi bà đau ốm, ông chống nạng lên bàn thờ đọc kinh cầu nguyện cho bà mỗi ngày. Sức chịu đau của ông hơn người bình thường, dù có đau ốm gì ông cũng không than vãn, chỉ khi gặng hỏi thì mới nói", Ngọc Lam chia sẻ. Câu chuyện tình yêu "như phim" của ông bà cô khiến cư dân mạng rưng rưng xúc động và bày tỏ sự ngưỡng mộ.

Ngọc Lam tâm sự: "Sắp tới ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, tôi xem video diễu binh hoành tráng ở TP.HCM mấy ngày nay mà luôn nhớ về ông ngoại. Tôi cảm thấy buồn vì ông ở quê không đi xem trực tiếp được và sức khoẻ của ông cũng khó bay đi bay lại được. Qua câu chuyện thời chiến của ông ngoại, tôi muốn lan toả sự biết ơn đối ông cha ta dùng xương máu đánh đổi lại bình yên như hiện tại".

Nhiều cư dân mạng trẻ nói, nghe câu chuyện của ông Trần Xuân Nựu, họ học hỏi được rất nhiều về giá trị cuộc sống, về tình yêu và sự cống hiến.

"Thời bây giờ, mọi thứ đều diễn ra quá nhanh, tình yêu dường như cũng vậy, con người dường như cũng sống ích kỷ hơn, câu chuyện về ông ngoại bạn Lam khiến tôi hiểu rằng, ồ, tình yêu thực sự là hết lòng vì nhau như vậy đó, thế hệ ông bà chúng ta tuyệt vời và đáng kính biết bao", một gen Z bày tỏ.

https://vtcnews.vn/gen-z-ke-chuyen-dong-doi-va-tinh-yeu-cua-ong-ngoai-thoi-chien-gay-sot-mang-ar939630.html

Nhật Thùy / VTC News