GDP bình quân 3.000USD/năm: Cắt tóc, trà đá cũng tính vào GDP

Tổng cục Thống kê thống kê thêm những hoạt động kinh tế không quan sát hoặc chưa quan sát được vào GDP.

Theo Tổng cục Thống kê, cách tính GDP mới đã cho ra một số kết quả tích cực. Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam (GDP đầu người) theo cách tính GDP mới sẽ tăng lên ở mức 3.000 USD/năm (năm 2018), thay vì 2.590 USD/người/năm như khi ps dụng cách tính hiện nay.

Dù vậy, số liệu cụ thể về quy mô GDP của nền kinh tế Việt Nam theo cách tính mới chưa được tiết lộ. Theo cách tính vẫn áp dụng hiện nay thì nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 5,5 triệu tỷ đồng.

Chia sẻ trên báo Dân Việt, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết, Tổng cục Thống kê, như đã nói rõ trong đề án, đã thống kê thêm những hoạt động kinh tế không quan sát hoặc chưa quan sát được. Điều này sẽ làm gia tăng GDP của nền kinh tế và đương nhiên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng lên.

Vị chuyên gia khẳng định đây không phải là việc chưa có tiền lệ. Trước đây, nhà ở tự có không tính vào GDP nhưng từ năm 2014, nhà ở tự có cũng đã được đưa vào để tính GDP.


Cắt tóc, bán trà đá cũng được tính vào GDP

Tương tự, theo cách tính mới của Tổng cục Thống kê dù chưa công bố chính thức nhưng có thể dự đoán rằng, cơ quan này sẽ tìm thêm những dịch vụ như thế để tính vào GDP.Ví dụ bạn có 1 ngôi nhà. Nếu như ngôi nhà đó bạn đi thuê thì phải mất 10 triệu đồng/tháng. Nhưng thay vì bạn phải trả tiền thuê cho chủ ngôi nhà và nó trở thành thu nhập của người cho thuê thì nay nếu bạn chính là chủ sở hữu ngôi nhà thì cũng giống như bạn tự trả tiền cho bạn là 10 triệu đồng. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán rằng, giá trị của ngôi nhà đó tạo ra cho bạn bao nhiêu tiền và số tiền này được đưa thêm vào tính GDP và làm gia tăng GDP của nền kinh tế.

Ngoài ra, còn có những hoạt động phi chính thức như con gà, mớ rau mà các gia đình đang tự sản xuất, tự tiêu dùng. Đặc biệt là các gia đình nông thôn chẳng hạn, họ tự trồng rau, nuôi con gà, con lợn và tự tiêu thụ. Tất cả những giá trị được tạo ra từ hoạt động đó đều có thể được Tổng cục Thống kê quy đổi, ước tính để tính vào GDP.

Hay như các hoạt động phi chính thức khác như cắt tóc, bán hàng rong, trà đá… trước đây chưa thống kê vào thì nay sẽ thống kê vào.

Lưu ý muốn biết cách tính lần này của Tổng cục Thống kê có theo thông lệ quốc tế không phải đợi đơn vị này công bố xem họ tính thêm cái gì vào cách tính mới, tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thế Anh khẳng định, việc thay đổi cách tính GDP chỉ mang tính hình thức.

"Tức là thay đổi về mặt danh nghĩa còn thực chất thu nhập của nền kinh tế vẫn không thay đổi, thực tế trước là 10 đồng thì nay vẫn là 10 đồng chứ không phải thay đổi cách tính thì thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế được tạo thêm ra.

Chỉ khác nhau ở chỗ, trước kia nền kinh tế có 10 đồng thì chúng ta mới chỉ đưa vào con số chính thức 7 đồng, còn lại 3 đồng không được tính hay nói ví von “để ngoài sổ sách” thì nay chúng ta sẽ đưa vào tính toán chính thức để tính GDP mà thôi.

Nếu như vậy thì bản chất là thu nhập bình quân đầu người không thay đổi mà chỉ thay đổi con số hình thức. Người dân trước đây sống như thế nào thì nay cũng vẫn sẽ như thế, đời sống không cải thiện hơn. Chứ không phải với cách tính mới GDP tăng thêm thì người dân giàu lên hay nghèo đi", PGS.TS Phạm Thế Anh nói.

Trao đổi với Đất Việt trước đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận xét, tính thêm khu vực kinh tế ngầm vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống.

"Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ "ảo" để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi thực tại", ông Bùi Trinh thẳng thắn.

Ông Trinh phân tích, cộng khu vực kinh tế chưa được quan sát (tạm gọi chung là kinh tế ngầm) vào GDP sẽ khiến quy mô GDP tăng lên, tỷ lệ nợ công/GDP và tỷ lệ bội chi/GDP giảm đi… nhưng thực tế con số tuyệt đối về nợ công và bội chi không giảm, dễ dẫn tới thành tích ảo.

Vấn đề quan trọng hơn, nếu cộng cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP, tức là phủ nhận toàn bộ các chỉ số tính GDP suốt trong thời gian qua.

Con số thống kê không chính xác sẽ kéo theo hàng loạt các chính sách bị sai lệch. Hơn nữa, nếu điều chỉnh quy mô GDP theo hướng cộng thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát thì phải điều chỉnh tỷ lệ nợ công, bội chi, cùng với hàng loạt các quyết sách, chính sách bởi vì tất cả đều dựa vào GDP để tính.

Bên cạnh đó, ông Trinh cho rằng nếu tìm cách đo kinh tế ngầm chỉ để làm tăng quy mô GDP, chứng minh tỷ lệ nợ công thấp hơn, bội chi/GDP không lớn... thì không mang lại lợi ích gì, nếu không thực sự quyết tâm khắc phục các vấn đề về nợ công, thu chi, đặc biệt là chi ngân sách.

Năm 2018, nợ nước ngoài chiếm 46% GDP
Tăng trưởng GDP Trung Quốc thấp nhất trong 27 năm, ông Trump "tranh công"
GDP 6 tháng tăng 6,76%

 

/ baodatviet.vn