Gánh nợ “khủng”, không sở hữu tàu bay nào, Pacific Airlines có nên phá sản?

Vừa qua, hãng hàng không Pacific Airlines đã trả toàn bộ đội tàu bay cho các nhà cung cấp để xóa nợ. Hiện tại, Pacific Airlines là hãng bay không sở hữu bất kỳ tàu bay nào, trong khi đó còn nhiều khoản nợ do quá trình kinh doanh thua lỗ trước đây để lại. Vậy tại sao Pacific Airlines không tuyên bố phá sản?

Hai lần tái cơ cấu bất thành

Hàng không Pacific Airlines ra đời năm 1991, do Vietnam Airlines và Saigontourist sáng lập và đồng sở hữu, tổng số vốn ban đầu 40 tỷ đồng.

Sau nhiều năm kinh doanh bết bát và thua lỗ, đầu năm 2005, Chính phủ yêu cầu chuyển 86,49% vốn Nhà nước về Bộ Tài chính quản lý và tái cơ cấu. Đến tháng 8/2006, tiếp tục chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) điều hành.

Để tái cơ cấu hoạt động của Pacific Airlines, Chính phủ đồng ý bán gần 30% cổ phần của hãng này cho Tập đoàn Qantas (Úc). Ban đầu, “ông lớn” hàng không Úc rót khoảng 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó mới đầu tư lên 30%. Sau đó, Pacific Airlines đổi sang thương hiệu Jetstar Pacific Airlines.

Ngày 2/5/2007 đánh dấu sự ra đời của hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, bước ngoặt quan trọng của Pacific Airlines. Đây cũng là hãng bay đầu tiên của Việt Nam có sự đầu tư của nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, dù đã được cổ đông nước ngoài rót vốn nhưng từ năm 2008, kinh tế toàn cầu suy thoái, cùng nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan từ hãng đã khiến Jetstar Pacific liên tục thua lỗ. Tổng lỗ lũy kế giai đoạn 2005-2011 của hãng lên đến 2.100 tỷ đồng.

Hai lần tái cơ cấu, Pacific Airlines vẫn không thoát khỏi khó khăn thua lỗ
 

Hai lần tái cơ cấu, Pacific Airlines vẫn không thoát khỏi khó khăn thua lỗ

 

Jetstar Pacific lại chìm trong khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Cuối năm 2011, hãng mất khả năng thanh toán với vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỷ, lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng.

Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại SCIC và thực hiện tái cơ cấu lần thứ hai đối với Jetstar Pacific.

Từ năm 2018-2019, hãng đã giảm lỗ và bắt đầu có lãi 2 năm liên tiếp. Dù vậy, đến năm 2019, khoản lỗ của hãng vẫn ghi nhận ở mức 4.400 tỷ đồng.

Tiếp đó, dịch Covid-19 khiến hàng không thế giới và trong nước liêu xiêu, Jetstar Pacific cũng không ngoại lệ. Hãng Qantas cũng gặp khó khăn tại thị trường trong nước nên chấp nhận tặng 30% cổ phần tại hãng và rút lui sau 13 năm kinh doanh không hiệu quả.

Tháng 6/2020, Qantas chính thức rút vốn khỏi Jetstar Pacific, Vietnam Airlines sở hữu 98% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ. Jetstar Pacific trở về với với thương hiệu cũ Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện mới.

Tới năm 2022, Pacific Airlines tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trước thuế lỗ 2.096 tỷ đồng, dù đã giảm lỗ gần 212 tỷ đồng so với năm 2019.

Ước tính, lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng. Chưa kể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại ngày 31/12/2022, Pacific Airlines đang nợ ACV hơn 874 tỷ đồng.

Có nên phá sản để tái cơ cấu?

Số nợ khổng lồ cùng với bối cảnh thị trường hàng không vẫn gặp khó khăn, trong khi đội tàu bay khiêm tốn với mạng lưới bay hẹp khiến Pacific Airlines phải đi đến quyết định trả toàn bộ đội tàu bay cho nhà cung cấp để xóa nợ.

Được biết, số nợ mà hãng đã đàm phán xóa với các nhà cung cấp tàu bay lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng.

Theo lộ trình tái cấu trúc, Pacific Airlines sẽ thuê 3 máy bay của Vietnam Airlines để tối ưu hóa nguồn lực. Điều này nhằm giúp hãng duy trì giấy phép AOC. Vietnam Airlines cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Pacific về dùng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách (như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất).

Dù vậy, theo các chuyên gia, bối cảnh của Pacific Airlines hiện nay thể hiện sự khó khăn bộn bề của hãng. Vậy, câu hỏi đặt ra là có nên để Pacific Airlines thực hiện phá sản hay cứ cố kéo dài “hơi thở tàn” như hiện nay, trở thành gánh nặng cho công ty mẹ là Vietnam Airlines?

Tuy nhiên, theo phân tích, việc cho phá sản Pacific Airlines cũng như để Vietnam Airlines thoái vốn khỏi hãng hàng không này là điều không đơn giản.

Theo quy định tại Nghị định số 91 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines - doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên - không thể thoái vốn tại các doanh nghiệp đang bị lỗ, lỗ lũy kế, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Để được thoái vốn, hoạt động kinh doanh của Pacific Airlines phải có 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Điều này rất khó trở thành hiện thực.

Trên thế giới đã ghi nhận nhiều hãng hàng không nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau 2 năm đại dịch Covid-19, trong đó có nhiều hãng tên tuổi như Thai Airways, hay Air Italy, Alitalia hay Virgin Atlantic.

Đáng nói, Thai Airways hay Virgin Atlantic, nhờ quá trình bảo hộ phá sản, đã tái cấu trúc thành công và trở lại bầu trời. Có thể thấy, bảo hộ phá sản không phải đã đặt dấu chấm hết cho một hãng hàng không.

https://www.anninhthudo.vn/ganh-no-khung-khong-so-huu-tau-bay-nao-pacific-airlines-co-nen-pha-san-post570551.antd

Ngân Tuyền / anninhthudo.vn