Luật Trật tự công cộng của Singapore xử phạt và buộc người nuôi bồi thường cho nạn nhân bị chó cắn, dù người nuôi có lỗi hay không.
Tại Singapore, Đạo luật Thú và Chim quy định người muốn nuôi chó hơn ba tháng tuổi cần phải đăng ký cấp phép với cơ quan chức năng, ai vi phạm sẽ bị phạt tối đa 5.000 SGD. Phí gia hạn giấy phép nuôi chó mỗi năm với chó dưới 5 tháng tuổi hoặc đã triệt sản là 15 SGD, chưa triệt sản là 90 SGD. Phí gia hạn với con chó thứ tư trở lên là 180 SGD. Mỗi người chỉ được nuôi tối đa ba con chó trong nhà (trừ trường hợp là trang trại chó hoặc cửa hàng kinh doanh).
Đạo luật Thú và Chim còn đặt ra danh mục giống chó nguy hiểm bị hạn chế nuôi vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân người nuôi và cộng đồng như: Pit Bull, Akita, Tosa...
Giống chó Tosa bị cấm nhập khẩu vào Singapore. |
Mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó thuộc danh mục này song phải cho cấy chip, trải qua khóa huấn luyện hành vi, và được triệt sản. Chủ chó phải mua bảo hiểm có giá trị ít nhất 100.000 SGD để bồi thường trong trường hợp con vật làm bị thương người hoặc làm hư hỏng tài sản... Ngoài ra, người nuôi cần đặt cọc 5.000 SGD với cơ quan chức năng và khoản này sẽ bị sung công trong trường hợp vi phạm các điều kiện trên hoặc để mất chó.
Chó Bull Terrier, Béc-giê Đức, Rottweiler... có điều kiện nuôi tương tự nhưng số tiền đặt cọc với cơ quan chức năng chỉ là 2.000 SGD và không bắt buộc triệt sản.
Nếu chó cắn người, bất kể là chủ nhân có lỗi hay không, Luật Trật tự công cộng Singapore quy định người chủ sẽ bị phạt tối đa 5.000 SGD và bồi thường không quá 2.000 SGD. Chó dữ cắn người có thể bị tòa ra lệnh tiêu hủy. Chủ con vật sẽ không phải bồi thường nếu nó cắn người đột nhập trái phép hoặc người có hành vi trêu chọc.
Nếu con chó có thói quen nhảy xổ vào người khác hoặc vào phương tiện đang di chuyển trên đường, chủ chó sẽ bị phạt 1.000 SGD. Mức phạt cũng tương tự nếu con vật phá hoại cây cối hoặc hàng rào bên đường.
Cảnh sát được phép bắn hạ chó dữ nếu có căn cứ hợp lý cho rằng sẽ gặp nguy hiểm trong quá trình khống chế con vật.
Ở Anh, hành vi thả rông chó nguy hiểm bị coi là trái luật ở mọi nơi, kể cả khu vực thuộc sở hữu tư nhân (ví dụ như trong nhà hoặc sân vườn của hàng xóm) và thậm chí trong nhà của chủ. Nếu vi phạm, chủ của con chó sẽ bị phạt tiền không giới hạn và ngồi tù 6 tháng. Họ không được nuôi chó trong tương lai, con vật có thể bị tiêu hủy.
Nếu chó gây thương tích với người khác, người nuôi có thể đi tù tối đa 5 năm và bị phạt tiền. Nếu cố ý sử dụng chó làm bị thương người khác, người chủ sẽ bị buộc tội Cố ý gây thương tích. Nếu cho phép con vật giết người, chủ nhân có thể ngồi tù 14 năm và bị phạt tiền không giới hạn.
Mỹ không có đạo luật ở cấp độ liên bang về việc nuôi chó dữ. Tuy vậy, 39 bang và nhiều thành phố lớn khác đã ban hành luật hoặc quy định để điều chỉnh những con chó có hành vi nguy hiểm. Những văn bản pháp lý này được gọi chung là Luật điều chỉnh chó nguy hiểm.
Mỗi bang đều đặt ra định nghĩa thế nào là chó nguy hiểm. Ví dụ, Alaska cho rằng chó nguy hiểm là con chó từng cắn hoặc tấn công người khi không bị trêu chọc. Bang Illinois quy định chó nguy hiểm là khi bị thả rông cùng ba con chó khác hoặc hơn.
Nếu một con chó bị coi là ẩn chứa nguy hiểm, chủ của nó sẽ phải thực hiện một số biện pháp để hạn chế rủi ro. Ví dụ ở bang Virginia và Pennsylvania, chủ chó sẽ phải đăng ký chó nguy hiểm với cơ quan chức năng, phải cấy chip, khi cho chó ra ngoài phải có dây dắt và rọ mõm. Bang Georgia nghiêm cấm chủ nhân chuyển quyền sở hữu chó nguy hiểm trừ phi cho bác sĩ thú y hoặc cơ quan chức năng để tiêu hủy.
Nếu vi phạm vào luật chó nguy hiểm, con vật có thể bị tòa án bắt buộc tiêu hủy, chủ con chó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tiền. Bang Georgia phạt người nuôi từ 5.000 tới 10.000 USD và từ một tới 5 năm tù nếu con chó gây thương tích nghiêm trọng cho người khác, đồng thời người này trước đó từng vi phạm điều luật liên quan.
Quốc Đạt (TheoPerro Pet, Animal Law)
Đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên: Phẫn nộ việc nuôi chó thả rông
Vụ việc cả đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên đang gây phẫn nộ trong cộng đồng. Chính phủ đã có ... |
Nuôi chó, mèo ở Đà Nẵng phải đăng ký với chính quyền
Ngoài việc tiêm văcxin phòng dại, người dân Đà Nẵng phải đăng ký vật nuôi với phường nơi sinh sống. |
Nuôi chó ở Bắc Kinh phải đóng lệ phí, xin cấp phép
Tại khu vực trung tâm thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), người dân không được nuôi 35 giống chó dữ hoặc có chiều cao hơn ... |