Việc lần đầu tiên đưa một chiến hạm vào Biển Đông trong gần hai thập kỷ qua cho thấy, Đức muốn tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực cùng các quốc gia châu Âu khác, nhất là khi Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện chiến lược xoay trục về Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Tàu Bayern lớp Brandenburg là tàu chiến đầu tiên của Đức tiến vào Biển Đông trong 20 năm qua |
Sứ mệnh nhằm phản đối yêu sách chủ quyền phi lý
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức được hãng Reuters trích lời ngày 15-12 cho biết, tàu chiến mang tên Bayern (một trong bốn khinh hạm lớp Brandenburg của Hải quân Đức) đang quá cảnh Biển Đông trên đường tới Singapore. Như vậy, khinh hạm Bayern trở thành chiếc tàu chiến đầu tiên của Đức hiện diện tại Biển Đông trong gần 20 năm qua kể từ năm 2002.
Chiến hạm Bayern với hơn 200 sĩ quan và thủy thủ đã rời căn cứ Hải quân Wilhelmshaven ở Đức ngày 2-8-2021 trong một buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Annegret Kramp-Karrenbauer nhằm thực hiện sứ mạng kéo dài 6 tháng trên biển, trong đó có các nhiệm vụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tàu chiến Bayern được biên chế vào Hải quân Đức từ tháng 6-1996 với số hiệu F217, có chức năng chính là săn ngầm, nhưng cũng có thể thực hiện nhiệm vụ khác như phòng không, chỉ huy chiến thuật cho biên đội tàu chiến mặt nước và tác chiến đối hải. Chiến hạm Bayern có chiều dài 138,8m, rộng 16,7m, trọng tải tối đa 3.600 tấn, được trang bị các loại radar tầm xa có thể phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không hoặc thiết bị sonar để phát hiện tàu ngầm đối phương dưới mặt biển. Hệ thống vũ khí lắp đặt trên Bayern khá đa dạng, với nhiều loại vũ khí như 4 tên lửa chống hạm Exocet, 16 tên lửa phòng không Sea Sparrow, 2 trực thăng đa nhiệm Sea Lynx…
Đề cập tới sứ mệnh của chiến hạm Bayern trong chuyến đi tới Thái Bình Dương, Hải quân Đức cho biết, đây là một “chuyến đi huấn luyện và hiện diện thông thường”. Tuy nhiên, Hải quân Đức cũng nhấn mạnh rằng, Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện là “khu vực chiến lược quan trọng nhất trên trái đất”, nơi “đưa ra các quyết định quan trọng về tự do, hòa bình và thịnh vượng”. Hải quân Đức cũng nhấn mạnh, các mục tiêu mà Chính phủ Đức đặt ra cho việc tăng cường sự hiện diện của hải quân trong khu vực bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ một số đối tác địa phương và duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật lệ. “Chuyến đi thể hiện Đức đứng về phía các đối tác quốc tế có cùng giá trị về tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế” - Phó Đô đốc Hải quân Đức Kay Achim Schoenbach nêu rõ. Cùng với các đồng minh của mình, Đức muốn thể hiện sự hiện diện nhiều hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhìn về sứ mệnh hoạt động lần này của chiến hạm Bayern tại Thái Bình Dương, trong đó lần đầu tiên đi vào Biển Đông kể từ gần hai thập kỷ qua, giới quan sát đánh giá, chuyến đi cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của Đức với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo họ, quyết định điều tàu chiến qua Biển Đông của Đức có thể nhằm ủng hộ duy trì luật pháp và thông lệ quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải ở những vùng biển quan trọng với thương mại quốc tế. Động thái này cũng nhằm phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý và hoạt động đi ngược lại trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trên biển.
Khẳng định tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông
Sự hiện diện của một chiến hạm Đức tại Biển Đông sau gần 20 năm diễn ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) đang có những điều chỉnh chiến lược, chính sách quan trong đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các chuyên gia cho rằng, Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng đã chứng kiến sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân nhiều nước thời gian qua, và điều này cho thấy tầm quan trọng của khu vực này với cả thế giới. Cùng với Mỹ liên tục thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, các quốc gia khác như Nhật Bản, Australia, Canada và Ấn Độ đã điều tàu chiến diễn tập trên Thái Bình Dương.
Trước Đức, các cường quốc ở châu Âu là Pháp, Anh đều đã triển khai tàu chiến tới Biển Đông trong những sứ mệnh nhằm khẳng định “tự do hàng hải, hàng không” tại vùng biển chiến lược toàn cầu này. Trong đó, Pháp - một thành viên NATO và EU - đã nhiều lần đưa tàu chiến tới Biển Đông, trong khi Anh cũng đã triển khai tới vùng biển này biên đội tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth uy lực và hiện đại nhất của quốc gia châu Âu là thành viên NATO này.
Sự hiện diện sau gần hai thập kỷ của tàu chiến Đức ở Biển Đông, theo giới phân tích, đã cho thấy các quốc gia châu Âu đang ngày càng quan tâm tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Các nước như Pháp, Đức, Hà Lan… đã đề xuất chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, EU hồi tháng 4-2021 cũng đã công bố chiến lược được cho là hướng trọng tâm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay còn được gọi là xoay trục về khu vực này. Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU) vào tháng 9 vừa qua đã giới thiệu Chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược này, theo ông Josep Borrell, người đứng cơ quan ngoại giao của EC là nhằm thích hợp với trọng tâm của thế giới dịch chuyển sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương về mặt địa - kinh tế cũng như địa - chính trị. “Tương lai của EU và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương liên quan chặt chẽ với nhau” - ông Josep Borrell nêu rõ.
Theo chiến lược mới của EC, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm đến 60% GDP của thế giới, 3/5 dân số toàn cầu và đóng góp 2/3 cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Cùng với nhiều cường quốc, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, còn có ASEAN, một đối tác ngày càng quan trọng của EU. Trong khi đó, các thành viên EU là nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác hợp tác phát triển chính, đồng thời là một trong những đối tác thương mại lớn của khu vực này. Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu chiếm hơn 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới, cũng như hơn 60% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thế nhưng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lại đang trở thành khu vực đã trở thành khu vực có sự cạnh tranh địa - chính trị gay gắt, làm gia tăng căng thẳng trong thương mại và chuỗi cung ứng cũng như trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh.
Trung Quốc với sự trỗi dậy rất nhanh về sức mạnh kinh tế và quân sự đã bộc lộ những tham vọng, trong đó tham vọng phi pháp về chủ quyền trên biển, đặc biệt đòi độc chiếm tới 80% diện tích Biển Đông. Tham vọng trỗi dậy thành cường quốc toàn cầu, trước hết biến khu vực lân cận thành sân sau trong phạm vi ảnh hưởng cũng như đòi hỏi phi pháp về chủ quyền, đã tạo ra những thách thức, đe dọa an ninh nghiêm trọng, trong đó có tuyến vận tải biển và hàng không quan trọng. Vì vậy, EU quyết định tăng cường cam kết chiến lược với các đối tác trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên chiến lược cam kết lâu dài.
Trong động thái đáng chú ý, EU trong tuyên bố đưa ra ngày 21-11 vừa qua đã tái khẳng định, phản đối mạnh mẽ mọi hành động đơn phương gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tiết lộ kho vũ khí siêu thanh ở châu Á-Thái Bình Dương
Một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị cuốn vào cuộc đua vũ khí siêu thanh và năng ... |
Các nước âm thầm chạy đua vũ trang, châu Á nguy cơ trở thành ‘thùng thuốc súng"
Nguy cơ xung đột vũ trang ở khu vực châu Á gia tăng khi các quốc gia gia âm thầm tăng sức mạnh quân sự, ... |