Mục tiêu của kế hoạch phục hồi nhằm khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi.
Các nhà lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh tại Brussels. (Ảnh: AP)
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau trực tiếp tại Brussels hai ngày 17-18/7 để thảo luận về kế hoạch phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cùng với đó là một ngân sách dài hạn mới của khối.
Mục tiêu của kế hoạch phục hồi nhằm khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất khoản ngân sách 1.074 tỷ euro để đạt được các mục tiêu dài hạn của EU cũng như để duy trì toàn bộ năng lực của kế hoạch phục hồi. Đề xuất này phần lớn dựa trên nội dung đưa ra hồi tháng 2, đó là kết quả của hai năm thảo luận giữa các quốc gia thành viên.
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ được ủy nhiệm để đi vay tới 750 tỷ euro dựa trên việc xác định các nguồn lực của khối. Khoản tiền này có thể được sử dụng để tài trợ cho các khoản vay và những chi phí phát sinh trong khuôn khổ các chương trình ngân sách dài hạn.
Ông Michel cũng đề xuất duy trì sự cân bằng giữa các khoản vay, bảo lãnh và tài trợ để tránh gây quá tải cho các quốc gia thành viên mắc nợ. Điều này cũng rất cần thiết cho tương lai của thị trường chung và giúp tránh gia tăng sự chia rẽ và bất bình đẳng.
Đề xuất đảm bảo rằng các quỹ sẽ đến được với các quốc gia và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng, với 70% tạo điều kiện cho phục hồi và khả năng phục hồi sẽ được cam kết vào năm 2021 và 2022, theo tiêu chí do Ủy ban châu Âu (EC) phân bổ.
30% còn lại sẽ được cam kết vào năm 2023, có tính đến sự suy giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 và 2021. Toàn bộ số tiền trên sẽ được giải ngân muộn nhất vào năm 2026.
Trên cơ sở đề xuất, các quốc gia thành viên sẽ vạch ra kế hoạch phục hồi của nước mình cho giai đoạn 2021-2023 theo 6 tháng nhiệm kỳ luân phiên châu Âu, đặc biệt là sẽ có các khuyến nghị cụ thể theo quốc gia.
Các kế hoạch này sẽ được xem xét và rà soát vào năm 2022. Việc đánh giá các kế hoạch này sẽ được Hội đồng châu Âu thông qua theo phương thức đa số dựa theo đề xuất của EC.
Ngoài ra, 30% số tiền cũng sẽ được dành cho các dự án liên quan đến khí hậu. Chi tiêu cho khung tài chính nhiều năm và chương trình "thế hệ tiếp theo" sẽ đáp ứng mục tiêu của EU là đạt được sự trung lập về khí hậu vào năm 2050, các mục tiêu khí hậu năm 2030 của EU và Paris.
Ông Charles Michel cũng đề xuất khoản dự trữ Brexit trị giá 5 tỷ euro để giải quyết các hậu quả không lường trước ở các quốc gia thành viên và các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.Ngoài ra, sẽ có sự gia tăng tài trợ trong lĩnh vực y tế, phù hợp với đề xuất của EC để đối phó với COVID-19 và hậu quả của nó.
Các cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ dài và khó khăn. Hội nghị thượng đỉnh bất thường dự kiến sẽ kéo dài 2 hoặc thậm chí là 3 ngày và có thể chưa phải là thượng đỉnh cuối cùng về ngân sách dài hạn./.
Ủy ban châu Âu lo ngại nguy cơ "dịch chồng dịch" vào mùa Thu
EC khuyến cáo chính phủ các nước EU nên tiến hành chiến dịch tiêm phòng cúm vào mùa Hè, sớm hơn so với thời điểm ... |
Nhiều nước châu Âu tái phong toả địa phương khi dịch bùng phát trở lại
Ngoài Tây Ban Nha, một số nước châu Âu khác cũng đang phải chứng kiến sự bùng phát trở lại đáng lo ngại tại các ... |