- Trung Quốc: G20 không phải nơi cãi vã về địa chính trị
- Trung Quốc xây lưới điện siêu khủng ở sa mạc, bằng nửa công suất điện nước Mỹ
Để cạnh tranh với Trung Quốc tại Trung Á, Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện tại khu vực này bằng một chiến lược mới. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đang lên kế hoạch phát triển một tuyến giao thông mới, nối Á-Âu. Ngoài ra, EU đề ra chiến lược “giảm thiểu rủi ro” trong bối cảnh nền kinh tế của khối quá phụ thuộc vào Trung Quốc và các nước khác về chuỗi cung ứng chiến lược.
Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Á xoay quanh các khoản đầu tư lớn dài hạn. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào các nước Trung Á, củng cố vị thế là một cường quốc kinh tế lớn trong khu vực.
Trên toàn thế giới, các dự án BRI có tổng giá trị 1.000 tỷ USD. Trong khi BRI gặp phải vấn đề đặc biệt là ở châu Âu, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy ở các khu vực khác. Năm ngoái, họ đã công bố các dự án dài hạn ở Trung Á với Tuyên bố Tây An được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á và ký các thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD. Trung Quốc đã tăng khối lượng thương mại với các nước trong khu vực từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên 70 tỷ USD vào năm 2022.
EU đã phản ứng: Cả Chiến lược Trung Á ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007 rồi được cập nhật vào năm 2019 và Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) đều thảo luận về tác động ngày càng tăng của BRI đối với khu vực. EU cho biết chiến lược Global Gateway đưa ra một cách tiếp cận khác để phát triển “trên cơ sở bình đẳng”. Sáng kiến trị giá 300 tỷ euro này nhắm tới các dự án cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và khí hậu toàn cầu vào năm 2027, khiến Trung Á trở thành một ưu tiên. Dự án nhằm hỗ trợ khu vực, tăng cường sự tham gia của châu Âu.
Một giai đoạn quan trọng của sáng kiến này đã được đưa ra tại Diễn đàn Global Gateway vào tháng 10 năm ngoái. Các dự án khu vực đã được trình bày và các thỏa thuận song phương đã đạt được - ví dụ, chuyển đổi kỹ thuật số ở Kyrgyzstan và thành lập một nhóm đặc biệt cho mục đích này, chuyển đổi kinh tế ở Turkmenistan và giúp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cải cách giáo dục toàn diện ở Tajikistan.
EU cũng đã tổ chức Diễn đàn Đầu tư về kết nối giao thông EU - Trung Á, quy tụ đại diện từ cả 5 nước cộng hòa Trung Á cùng với các quan chức EU vào cuối tháng 1 vừa qua tại Brussels (Bỉ). Tại sự kiện này, Ủy ban châu Âu (EC) và một số tổ chức quốc tế đã ký một số cam kết tài chính, nhằm huy động khoản đầu tư lên tới 10 tỷ euro (10,81 tỷ USD), với mục tiêu phát triển các tuyến đường thương mại nối châu Âu và Trung Á trong những năm tới. Kế hoạch này rất có ý nghĩa cả về kinh tế và địa chính trị đối với EU và Trung Á.
Theo EC, khoản đầu tư 10 tỷ euro sẽ giúp phát triển “hành lang vận tải xuyên Caspi” thành một tuyến đường hiện đại, đa phương thức, hiệu quả và bền vững. Nó sẽ giúp kết nối Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan với Đông Âu. Hơn nữa, nó cũng sẽ giúp kết nối châu Âu với các trung tâm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, giúp việc đi lại chỉ mất tối đa 15 ngày, thậm chí là 13 ngày, vào năm 2040.
Mạng lưới giao thông này dự kiến được thiết kế xung quanh trục đường sắt trung tâm xuyên qua Kazakhstan tới Biển Caspi. Hệ thống đường bộ đảm bảo phục vụ các nước trong khu vực, trong khi phần còn lại được chia thành nhiều đoạn, bao gồm tuyến hàng hải đi qua Biển Caspi, sau đó là tuyến đường bộ đi qua Caucasus và cuối cùng, một tuyến hàng hải đi qua Biển Đen. Từ đó sẽ có nhiều khả năng tiếp cận các điểm đến ở châu Âu, qua Rumani và Bulgaria. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cũng tham gia diễn đàn, giống như các quốc gia Caucasus, cũng có thể là một lựa chọn thay thế Nga bằng đường bộ.
Theo EC, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ tài trợ một phần số tiền 10 tỷ euro nói trên thông qua các khoản vay được EC bảo lãnh. EIB đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với tổng trị giá 1,47 tỷ euro với các chính phủ Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, cũng như với Ngân hàng Phát triển Kazakhstan (DBK).
Về phần mình, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã ký một biên bản ghi nhớ với Kazakhstan để cung cấp quỹ đầu tư trị giá 1,5 tỷ euro. Ngân quỹ này sẽ được sử dụng cho các dự án “phát triển tổng thể kết nối giao thông Trung Á” đang được chuẩn bị triển khai. Nó cũng sẽ mở đường cho các khoản đầu tư khác, được hỗ trợ bởi nhiều tổ chức tài chính quốc tế. Việc mở rộng mạng lưới giao thông “không chỉ hỗ trợ hoạt động vận tải Âu - Á mà còn góp phần tích cực cho tăng trưởng và quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Á.
“Mạng lưới giao thông đầy tham vọng này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm tại địa phương, kết nối người tiêu dùng với các dịch vụ, đồng thời góp phần thúc đẩy hội nhập khu vực”, Phó Chủ tịch EC phụ trách nỗ lực thúc đẩy lối sống châu Âu, Margaritis Schinas, nhấn mạnh.
Liên quan đến chiến lược “giảm thiểu rủi ro”, ông Agedit Demarais, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, định nghĩa đó là biện pháp nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ hàng đầu của phương Tây, do đó ngăn cản các công ty Trung Quốc sử dụng bí quyết phương Tây để đổi mới và điều đó “làm giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với hàng hóa quan trọng”. Các khoáng sản quan trọng chỉ là một ví dụ, trong đó EU nhập khẩu 93% lượng tiêu thụ hằng năm các nguyên liệu chiến lược này từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nỗ lực mới trên là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm khôi phục động lực cho ngành công nghiệp và đổi mới của châu Âu đồng thời thúc đẩy các mục tiêu của quá trình chuyển đổi xanh. Ngoài ra, EU cũng đồng ý về một công cụ chống cưỡng chế, tự trao cho mình quyền triển khai các biện pháp trả đũa để chống lại “sự ép buộc kinh tế”. Điều đáng chú ý là Chiến lược An ninh Kinh tế châu Âu đề cập trực tiếp đến thông tin tình báo được chia sẻ giữa các quốc gia thành viên về an ninh kinh tế và lộ trình của EU để sàng lọc các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài mà các công ty châu Âu thực hiện bên ngoài thị trường chung.
Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia đề cập, cách tiếp cận mới vẫn chưa hoàn hảo. EU vẫn mô tả Trung Quốc là “đối tác hợp tác và đàm phán”, “đối thủ cạnh tranh kinh tế” và “đối thủ có hệ thống”. Trong khi một số quốc gia thành viên đang đi theo con đường đảm bảo an ninh kinh tế thông qua các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm vào Trung Quốc và Nga, thì sự thiếu phối hợp giữa họ là một vấn đề đáng lo ngại.
Hà Lan đã đi đầu với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây nhằm hạn chế khả năng tiếp cận các nguyên liệu chính để sản xuất chip của Trung Quốc. Đức, tuy là nước đi sau, nhưng cũng đã công bố “Chiến lược đối với Trung Quốc” mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ chiến lược. Tuy nhiên, một số thành viên EU khác vẫn có sự khác biệt lớn trong quan điểm đối với Trung Quốc, trong đó Pháp tránh thừa nhận công khai về mối đe dọa từ cường quốc thương mại hàng đầu thế giới này và Hungary cũng không coi Trung Quốc là một mối đe dọa.
Chuyên gia Eduardo Castellet Nogués thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu lưu ý, mặc dù đây là một kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại của EU nhưng khối không được nhầm lẫn giữa “giảm thiểu rủi ro” với chủ nghĩa bảo hộ. Giảm thiểu rủi ro là đảm bảo các nguyên liệu quan trọng đối với an ninh quốc gia chứ không phải chặn các sản phẩm hướng đến người tiêu dùng bình thường. Đối với EU, chính sách “giảm thiểu rủi ro” bị tác động bởi hai yếu tố: khả năng cạnh tranh kinh tế, bắt nguồn từ Brussels; và an ninh quốc gia, bắt nguồn từ các quốc gia thành viên.
Chuyên gia Eduardo Castellet Nogués kết luận, an ninh kinh tế không thể xây dựng từ sự cô lập mà từ sự tham gia thông qua phối hợp trong chuỗi cung ứng chiến lược, chia sẻ thông tin về khả năng tiếp cận thị trường của nhau trước các đối thủ chiến lược của EU và đặc biệt là tích hợp các chuỗi cung ứng quan trọng vào một mạng lưới an toàn, đáng tin cậy.