Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra khuyến nghị hôm 8/11 rằng, các cuộc đàm phán chính thức về tư cách thành viên EU nên bắt đầu với Ukraine và Moldova. Đây là bước đi táo bạo của EU trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine với Nga vẫn đang diễn ra và vì thế quyết định đang gặp sự phản đối của một số thành viên.
Trong báo cáo dài 1.200 trang về việc mở rộng khối 27 thành viên trong tương lai, EU cho biết các cuộc đàm phán sẽ chính thức khởi động sau khi Kiev thỏa mãn các điều kiện còn lại liên quan đến đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, thông qua luật vận động hành lang phù hợp với tiêu chuẩn của EU và tăng cường các biện pháp bảo vệ dân tộc thiểu số. Báo cáo cũng khuyến nghị mở các cuộc đàm phán gia nhập với Bosnia nhưng chỉ khi nước này đáp ứng các điều kiện ở một số khu vực nhất định và trao tư cách ứng cử viên cho Gruzia.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: “Việc hoàn thiện liên minh của chúng tôi là lời kêu gọi của lịch sử. Đó là chân trời tự nhiên”. Bà nói thêm, tư cách thành viên của EU là một “đòn bẩy mạnh mẽ” giúp thúc đẩy nền kinh tế và sự ổn định của khối. Bà nói: “Các láng giềng của chúng tôi phải chọn nơi họ muốn đến. Và, các nước ở Tây Balkan, Gruzia, Moldova, Ukraine đã chọn rất rõ ràng nơi họ muốn đến”.
Khuyến nghị về Ukraine là một cột mốc quan trọng trên con đường hội nhập phương Tây của Kiev, đồng thời là bước tiến địa chính trị đối với phương Tây, khi Ukraine hiện vẫn trong cuộc chiến tranh với Nga. Quyết định của EC, nếu được tất cả thủ tướng các nước thành viên phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 tới, có thể sẽ dẫn đến sự mở rộng lớn nhất của khối kể từ năm 2004, khi đó 10 quốc gia gia nhập EU bao gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, các nước vùng Baltic và Hungary.
Riêng đối với Ukraine và Moldova, EU đang đẩy nhanh tiến trình hơn bình thường rất nhiều. Các quan chức EU tỏ ra đặc biệt mong muốn đẩy nhanh việc Ukraine gia nhập khối, tuyên bố rằng họ hy vọng sẽ giảm quy trình đánh giá quy mô công việc kéo dài 2 năm thông thường liên quan đến việc đưa luật pháp EU vào các quy chế của Ukraine xuống chỉ còn 6 tháng. Tốc độ mà cả Ukraine và Moldova trong việc cải cách và loại bỏ tận gốc các nhà tài phiệt và hệ thống tham nhũng hiện đang được EU “đền đáp” bằng một thời gian biểu được đẩy nhanh ở Brussels, bất chấp trên thực tế vấn đề đó còn lâu mới đạt được như mong muốn, đặc biệt là ở Ukraine.
Một câu hỏi lớn đặt ra là “vì sao EU bất ngờ đẩy nhanh tiến trình kết nạp Ukraine vào lúc này?”.
Giới phân tích châu Âu cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “đòn bẩy” quan trọng mà EU dựa vào đó để chấp nhận việc đàm phán kết nạp Ukraine theo “quy trình nhanh” thay vì phải thông qua các thủ tục kéo dài nhiều năm như thường lệ trước đây. Một bình luận trên tờ The Guardian viết rằng, “thời điểm xoay chuyển tình thế này là điều không thể tưởng tượng được trước khi Nga phát động cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi hàng thập kỷ để gia nhập khối, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các quan chức EU thấy rõ sự cần thiết phải có một mặt trận phía Đông an toàn với Nga”. Vì thế, thu nạp Ukraine càng nhanh càng tốt. Cần nhớ rằng, Serbia nộp đơn gia nhập khối này từ năm 2009, nhưng tiến trình đàm phán đến nay vẫn chưa xong vì nhiều vấn đề phức tạp liên tục được đặt ra.
Và, trong khi Nga coi việc mở rộng NATO là mối đe dọa chính đối với an ninh của nước này thì các cuộc đàm phán gia nhập EU cũng đe dọa không kém đối với Nga, quốc gia dẫn đầu khối kinh tế Liên minh Kinh tế Á-Âu. Sự giằng co trong các mối quan hệ kinh tế - chính trị giữa EU và Nga ở Ukraine đã diễn ra từ nhiều thập kỷ, gần đây nhất là trước thời điểm xảy ra biến cố Euromaidan và cuộc xung đột ở Đông Ukraine, rồi từ đó bán đảo Crimea sáp nhập trở về Nga. Thời điểm đó, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã đưa ra quyết định là “hủy bỏ hiệp ước thương mại và thỏa thuận liên kết chính trị với EU”, từ đó châm ngòi cho các cuộc biểu tình Euromaidan năm 2013- 2014, sau đó dẫn đến việc ông Yanukovych bị lật đổ và dẫn đến việc 2 nước cộng hòa Luhansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 2014. Đối với Moldova, thời điểm đó Nga cũng đã gây áp lực lớn để buộc nước này dừng việc theo đuổi thỏa thuận thương mại và liên kết với EU. Và, Moldova đã không có hành động nào kể từ đó.
Giờ đây, giữa mối đe dọa về một cuộc chiến tranh mở rộng ở châu Âu, các rào cản trước đây đối với việc gia nhập EU đã được dỡ bỏ. Ngay cả ở Gruzia, nơi quyết định của EU phần lớn mang tính biểu tượng trong ngắn hạn, việc EC ra khuyến nghị khởi động đàm phán thành viên với Ukraine đã được ca ngợi là sự xác nhận mới nhất rằng Moscow đã mất ảnh hưởng đối với các nước láng giềng.
Tư cách thành viên EU phụ thuộc vào quyết định chính trị được chia sẻ bởi tất cả các thành viên của khối muốn thấy một quốc gia mới gia nhập, nhưng nó cũng phụ thuộc vào chính quốc gia ứng cử viên và công việc của quốc gia đó để ước chừng và áp dụng các tiêu chuẩn cũng như chuẩn mực cộng đồng của EU.
Hôm 8/11, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết các điều kiện hiện tại không phù hợp để EU xem xét kết nạp Ukraine trở thành thành viên. Ông Szijjarto cảnh báo: “Bằng cách kết nạp Ukraine, EU cũng sẽ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự hiện tại, điều mà rõ ràng là không ai muốn xảy ra. Việc mở rộng thành viên nên nhằm mục đích lan tỏa hòa bình, chứ không phải mang chiến tranh vào EU”. Ngoại trưởng Hungary cho rằng, việc EU đánh giá sự tiến bộ của Ukraine trong nỗ lực thực hiện cải cách, pháp quyền hoặc bất kỳ tiêu chí nào khác để kết nạp Kiev trong bối cảnh xung đột là điều “vô lý”.
Ngoài Hungary, một số quốc gia khác có khả năng cũng sẽ không chấp nhận kết nạp Ukraine vào thời điểm hiện nay, như Slovakia,...
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/eu-bat-dau-dam-phan-thanh-vien-voi-ukraine-i713619/