Những người làm phim chúng tôi hay tán ngẫu về vấn đề duyệt phim. Câu chuyện khi cay đắng, khi uất ức, có khi như chuyện hài.
Những người làm phim chúng tôi hay tán ngẫu về vấn đề duyệt phim. Câu chuyện khi cay đắng, khi uất ức, có khi như chuyện hài.
Khi tôi làm live show cho ca sĩ Lam Trường tại Singapore năm 2007, người lo toàn bộ giấy phép tổ chức, quảng bá là một em sinh viên Việt Nam đang du học tại đó. Trong thời gian ngắn, em đọc luật và hỏi nhà hát là có thể trả lời chúng tôi rành mạch: những gì được làm, không được làm.
Hay khi tôi quay phim "Dạ cổ hoài lang" tại Canada cũng vậy, chỉ cần hai người đã có thể tổ chức được đoàn phim, không khó để biết rõ mình được và không được làm gì. Thực tế, dù luật ở các nước khác có những yêu cầu khắt khe hơn Việt Nam, nhưng nó rất rõ ràng, dễ áp dụng.
Trở lại tình hình phim ảnh hay tổ chức biểu diễn tại Việt Nam, những người làm nghề như tôi và bạn bè - ít nhất cũng làm nghề trên 10 năm - vẫn rất lơ mơ về việc cái gì được, cái gì không. Hay có những khi, phim này "qua" được, phim kia lại không. Có thời điểm thì câu trả lời là "có", có lúc lại "không", bởi những lý do rất cảm tính như: vi phạm thuần phong mỹ tục, vấn đề đang nhạy cảm, không phản ánh đúng hiện thực xã hội, gây tác động tiêu cực...
Tôi cũng từng gặp các anh chị, cô chú trong Hội đồng duyệt phim quốc gia. Họ ở ngoài cũng rất "thoáng", rất cập nhật tình hình phát triển điện ảnh quốc tế vì họ cũng đi nước ngoài nhiều, tham gia các hội thảo quốc tế, hoặc có con cháu học ở nước ngoài. Nhưng khi ở trong vị trí Hội đồng duyệt phim, những quyết định của họ nhiều khi làm chúng tôi ngỡ ngàng.
Mười lăm năm làm nghề, qua một số nhiệm kỳ của người quản lý và Hội đồng duyệt phim, thật sự tôi thấy có vẻ càng ngày ngành Điện ảnh, văn hoá lại càng yếu thế về tiếng nói riêng của ngành mình. Chúng ta quá phụ thuộc và e dè trước dư luận, chính trị, kinh tế. Gần đây, chúng ta không thấy các phim nặng ký với những đề tài mãn tối của xã hội, lên tiếng nói phản biện, công kích các tiêu cực ở các ngành nghề, vấn đề trong xã hội. Bởi bản thân những phim này vốn nội dung đã kén khách, lại không biết khi kiểm duyệt số phận sẽ thế nào, người làm phim không dám mạo hiểm.
Phim "Nụ hôn thần chết" 12 năm trước đây có một câu thoại: "Không phải cái gì dân thấy thì công an cũng thấy". Phim được cho qua kiểm duyệt. Bây giờ, những tình huống như vậy gần như là không thể. Hay phim "Mỹ nhân kế" có những cụm từ mà bây giờ tôi nghĩ lại, rất có thể sẽ bị yêu cầu cắt đi như "bọn giặc phương Bắc" hay "cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan" - những chi tiết hay câu thoại người ta rất dễ cho là "nhạy cảm".
Đến một phim khác của đồng nghiệp gần đây nói về ngôi trường trên đảo cũng không được dùng chữ "đảo" vì "nhạy cảm vấn đề biển đảo" trong khi nội dung phim không liên quan tới chủ đề này. Vậy, nếu chúng ta làm phim về lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền tổ quốc, có được nhắc đến Trung Quốc không? Thật sự tôi không thể đoán được.
Nhưng là người trong nghề, tôi nhận thấy gần đây Hội đồng duyệt phim cũng phải chịu quá nhiều áp lực từ sự suy diễn mang tính chính trị của nơi này nơi kia. Tâm lý chung, họ cũng bị yếu thế, cố tránh né sao cho an toàn. Và vì quá an toàn và sợ áp lực nên đôi khi chúng tôi cảm giác như Hội đồng đã "thà cắt oan còn hơn bỏ sót". Tôi cũng có thể hiểu, vì một vài lý do khác không nằm trong sự kiểm soát của Hội đồng. Và không ít ý kiến trong nghề cho rằng, với cơ chế, cách tư duy đã diễn ra, bất kỳ ai vào vị trí Hội đồng duyệt cũng khó mà thay đổi.
Có thể ai đó cho rằng tôi đang bênh vực thành viên Hội đồng duyệt phim, nhưng văn hoá phải có được tiếng nói riêng. Nó là góc nhìn riêng, nó là một kênh tường thuật và phản biện cuộc sống. Văn hóa là sự tưởng tượng, sáng tạo, gợi cảm hứng nhằm cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn. Người xem, người làm, người quản lý phải hiểu điều đó. Nếu một bộ phim nói về một nhân vật công an xấu, đó là góc nhìn của người sáng tác. Đó chỉ là một cá nhân, chứ cả bộ phim hay nhân vật trong phim không đại diện cho chân dung của ngành công an. Hình ảnh chung của ngành công an phải được xây dựng bởi ngành.
Điều quan trọng nhất của thị trường văn hóa, nghệ thuật, giải trí là một cộng đồng, một cá nhân hoặc dư luận có thể lên tiếng phản biện hay tẩy chay bộ phim mà họ cho là không đúng. Với nhà làm phim, đó là điều họ sợ nhất: sự quay lưng của công chúng.
Nếu chúng ta nhìn nhận như vậy, Hội đồng duyệt phim sẽ đỡ áp lực hơn nhiều. Họ không ngại làm mất lòng ai. Việc của họ khi ấy chỉ là đánh giá bộ phim theo câu chữ quy định trong Luật Điện ảnh. Ví dụ: có quan hệ giới tính thì hạn chế lứa tuổi nào? Bạo lực cỡ nào thì tuổi nào được xem, những hình ảnh và câu thoại nào phạm vào tính dân tộc, quốc gia thì không được... Mọi thứ khi đã tường minh sẽ không bị gánh vác một "bóng ma" nặng nề vô hình mang tên "vấn đề nhạy cảm" nữa.
Hội đồng duyệt phim hiện nay đang phải xem hơn 200 phim một năm, rồi ngồi suy xét xem cái nào nhạy cảm, chỗ nào đụng chạm, chỗ nào sẽ bị suy diễn làm phức tạp hóa hơn... Khách quan mà nói, là khối lượng công việc quá lớn. Theo tôi, cần lập ra nhiều hội đồng theo thể loại phim hay tính chất phim, ví dụ như hội đồng duyệt phim tình cảm, hài, hội đồng phim châu Á, châu Âu. Và mỗi hội đồng duyệt phim cũng không cần đông tới trên 10 người mà vẫn bất cập như hiện nay.
Đừng bắt họ choàng trọng trách quá nặng, cũng đừng bắt khán giả tiếp tục thiệt thòi vì lý do mà khán giả vô can.
Nguyễn Quang Dũng