Văn hào Lỗ Tấn lúc sinh thời đã từng nói “Trên đời này làm gì có đường. Người ta đi mãi sẽ thành đường mà thôi”. Câu nói nổi tiếng này từng được đưa vào đề thi văn trung học phổ thông với những gợi ý rất cụ thể chia làm 3 mục. Giải thích, nghị luận và bài học rút ra. Ngay phần đầu của mục giải thích được các thầy giáo cho đáp án như thế này: “Hình tượng con đường ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa bóng: là cách thức và phương hướng để con người giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội. Với Lỗ Tấn, đó là con đường cách mạng”. Không sai nhưng cũng chẳng đúng.
Tất nhiên đi mãi cũng thành đường nhưng là con đường có tên “đường mòn”. Đường sá kiểu này bị đám quan tham ghét cay ghét đắng. Đơn giản vì chẳng chấm mút được gì. Đã gọi “đường đi” là phải có dọn dẹp giải toả và xây cất gồm rất nhiều hạng mục hái ra tiền. Hoặc ít nhất thì cũng nâng cấp, mở rộng, đặt trạm thu phí BOT.
Những năm mới tiếp quản Hà Nội 1954 không phải tất cả các con đường trong phố đều đã trải nhựa như bây giờ. Những phố ngắn, ngõ cụt như Yên Bái, 325 (Thể Giao), Liên Trì, Đoàn Nhữ Hài... thường chỉ là đường rải đá. Những đường nhựa trong bốn khu phố chính từ thời Pháp thuộc cũng bắt đầu xuống cấp phải sửa chữa quanh năm. Kỹ thuật trải nhựa lúc ấy hoàn toàn thủ công vô cùng vất vả. Người ta phải xếp gạch làm bếp ven đường để đun chảy những thùng nhựa đường. Dùng gáo múc đổ vào thùng có ô doa như thùng tưới cây và đem tưới lên mặt đường. Công nhân bê từng rổ đá dăm rắc lên vài lớp. Những miếng vá dù có xe lu lăn kỹ nhưng bao giờ cũng lồi cao hơn mặt đường. Người ta đề phòng nó sẽ lún xuống là vừa. Nhưng có những miếng vá như thế vĩnh viễn không lún xuống bởi vì người đi đường thường có phản xạ tránh nó.
Đã có thời những con đường trong phố trải lại nhựa hoàn toàn. Nhưng lúc ấy chưa có phương tiện để đào bỏ đi lớp nhựa cũ. Người ta trải nhựa đè lên như thế vài lần là con đường sẽ cao hơn cả vỉa hè. Thậm chí cao hơn cả bậc nhà mặt phố gây ra rất nhiều bất tiện cho sinh hoạt. Phải mất vài chục năm mới có được bộ luật cho việc sửa chữa nâng cấp đường. Cùng với nó là bộ luật đi đường cũng được hoàn thiện từng bước.
Những con đường ở các vùng thành phố mở rộng giờ đây được xây cất và trang điểm hết sức đẹp đẽ. Đèn cao áp sáng choang, cây xanh thẳng hàng, nắp cống, hố ga được đúc bằng gang chắc nịch. Biển báo được làm mới đồng bộ dễ hiểu. Vỉa hè được bó lại bằng đá xanh nguyên khối. Nhiều vỉa hè cũng được lát đá xanh tự nhiên khá đắt tiền. Có đường đi khang trang đẹp đẽ như thế chính là nhờ những tiến bộ về công nghệ làm đường và quyết tâm của thành phố. Mỗi người dân Thủ đô cũng góp phần vào việc xây dựng ấy bằng tiền thuế của mình.
Vài năm nay truyền thông hay nhắc đến cụm từ “Văn hoá giao thông”. Chẳng cứ giao thông mà hầu hết những sinh hoạt cộng đồng đều được nhắc đến ở khía cạnh “văn hoá”. “Văn hoá đọc”, “Văn hoá công sở”, “Văn hoá bia hơi”, “Văn hoá du lịch”...Giao thông là việc ai ai cũng phải tiếp xúc hàng ngày hình như là vấn đề nan giải hơn cả. Hầu hết những nẻo đường dẫn vào nội đô giờ tầm đều có chung tình trạng tắc nghẽn. Vài năm trước còn thông thoáng được vào những ngày nghỉ cuối tuần. Giờ thì thứ bảy chủ nhật cũng đều tắc như nhau. Đó là bài toán lớn cho các nhà quản lý vĩ mô chưa tìm được lời giải. Bài toán ngày càng cồng kềnh hơn do đô thị mở rộng, dân số tăng từng ngày. Và dân trí giao thông đang xuống cấp trầm trọng.
Đi ngoài đường bây giờ luôn gặp những người lái xe máy một tay và nghe điện thoại vô tư như ở nhà. Có chị còn cẩn thận dừng hẳn xe máy giữa lòng đường để nói chuyện điện thoại. Chướng đến mức một anh Tây phải xuống ôtô kéo cả người và xe chị ấy vào lề đường. Lại có chị định quay đầu xe trên cầu không được bèn xuống xe mắng sa sả người đi xe máy đằng sau. Kinh hoàng nhất là một chị chạy xe ngược chiều nháy đèn loạn xạ trên cao tốc. May mắn là chị ấy vẫn tiếp tục hưởng dương.
Vài bác tài taxi có thói quen bóp còi vô tội vạ và đi vào phần đường xe máy làm cho những điểm chờ đèn tín hiệu thêm ùn tắc. Vài anh shipper chở hàng cồng kềnh luôn phóng bạt mạng vượt đèn đỏ như cơm bữa. Khủng khiếp nhất là người chở xe ba bánh những thanh sắt, tấm tôn dài thượt. Nó đã từng gây tai nạn chết người ở phố. Tất cả những biểu hiện như thế trên đường ta đều gặp hàng ngày. Đó chính là văn hoá giao thông đang ở mức rất kém. Người ta đã đánh mất đi lòng tự trọng của mình từ lúc nào không biết. Coi thường mình và cũng đồng nghĩa với coi thường người khác.
Đã từ rất lâu người sống ở Hà Nội quên mất tác phong nhường nhịn trên đường như đã từng có. Những tháng năm chiến tranh bao cấp gian khổ là thế nhưng người đi đường vẫn chững chạc nhường nhịn và đôi khi còn giúp đỡ những người già cả ốm yếu. Cả thành phố lúc ấy chỉ có dăm ba cái đèn tín hiệu treo giữa ngã tư mà thôi. Tất cả những ngã tư, ngã ba khác người ta đều nhường nhau mà đi chẳng cần đến một anh cảnh sát nào cả. Giờ muốn gặp lại cảnh ấy phải sang tận kinh đô Luang Prabang của nước bạn Lào may ra mới thấy.
4-2018
Thiên thần Victoria’s Secret giàu, nổi tiếng vẫn cô đơn
Sớm gặt hái được thành công song con đường đi đến vinh quang của Jourdan Dunn không hề trải toàn hoa hồng! |
Học sinh nhặt ví tiền gần 9 triệu đồng, tìm trả cho người đánh mất
Trên đường đi làm hồ sơ để chuẩn bị thi tốt nghiệp, 2 học sinh tại Nghệ An đã nhặt được chiếc ví có gần ... |
30 cung đường nên trải nghiệm ít nhất một lần trong đời
Trang du lịch của INSIDER đã lựa chọn ra 30 cung đường ấn tượng nhất du khách nên trải nghiệm ít nhất một lần trong ... |
Hầm chui hơn trăm tỷ đồng mới thông xe: Nước ngập lênh láng
Hầm chui nút giao đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng được đầu tư gần 120 tỷ đồng vừa khánh thành ... |
Vì sao chọn gỗ lim lát đường đi bộ ven sông Hương?
Trước nhiều ý kiến lo ngại việc lát gỗ lim sẽ khiến đường đi bộ ven sông Hương nhanh xuống cấp, Ban quản lý dự ... |
Tranh cãi làm đường đi bộ lát gỗ lim ở Huế: Kinh phí duy tu bảo dưỡng lấy từ ngân sách
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án KOICA cho biết, đơn vị tài trợ chỉ cho ngân sách để lót sàn chứ không tài trợ ... |
Tranh cãi lát gỗ lim đường đi bộ: Ban quản lý dự án nói gì?
Tuyến đường đi bộ nam dọc bờ nam sông Hương, TP.Huế đang được triển khai xây dựng, một số hạng mục dần hoàn thiện, một ... |