Đường 3.200 tỷ đồng “giải cứu” nút giao Pháp Vân: Công trường vắng lặng, máy móc nằm im

Đã 15 tháng trôi qua kể từ ngày khởi công dự án đường nối cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ với vành đai 3, đến nay, nhà thầu thi công vẫn chưa được bàn giao một m2 mặt bằng nào để triển khai dự án.

Dự án cấp bách 3.200 tỷ "đắp chiếu" chờ mặt bằng

Đường nối cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ với Vành đai 3 nhằm giảm tải cho nút giao Pháp Vân- cửa ngõ vào Thủ đô ở phía Nam, vốn thường xuyên ùn tắc mỗi dịp cuối tuần, nghỉ lễ, Tết nhưng đến nay, đã hơn 15 tháng trôi qua kể từ ngày khởi công, dự án hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách này vẫn giậm chân tại chỗ.

Sáng 19/7/2023, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã tổ chức khởi công dự án đường nối cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ với Vành đai 3 trên cao với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. Dự án theo kế hoạch được hoàn thành trong năm 2025.

Dù vậy, ghi nhận của phóng viên cho thấy, đã sắp hết tháng 9/2024, tại công trường dự án vẫn rất vắng lặng, máy móc nằm im, lèo tèo vài công nhân thi công kiểu cầm chừng. Trên cả dự án kéo dài hơn 3km, nhà thầu chỉ thi công cầm chừng tại 2 điểm đầu là nút giao với cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ và nút giao với Vành đai 3.

Trong khi đó, tại nút giao với đường Vành đai 3, đơn vị thi công đã tiến hành rào chắn từ hơn 1 năm nay gây khó khăn cho phương tiện đi lại.

Rào chắn đường Pháp Vân để thi công dự án đường nối cao tốc Pháp Vân với Vành đai 3 nhưng cả năm nay thi công kiểu cầm chừng vì không có mặt bằng
 

Rào chắn đường Pháp Vân để thi công dự án đường nối cao tốc Pháp Vân với Vành đai 3 nhưng cả năm nay thi công kiểu cầm chừng vì không có mặt bằng

Anh Nguyễn Đức Huy ở KĐT Gamuda cho hay: “Ngày nào tôi cũng đi lại qua khu vực dự án này thi công. Hơn 1 năm nay rồi, rào đường xong có thời điểm chẳng có máy móc, công nhân nào thi công, rất bất cập”.

Báo cáo từ Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (chủ đầu tư) dự án cho thấy, dự án đường nối cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ với Vành đai 3 khởi công ngày 19/7/2023.

Hiện nay, Ban đang chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công các hạng mục trên mặt bằng hiện có thuộc phạm vi nút giao Tứ Hiệp và nút giao với đường Vành đai 3 của 2 gói thầu xây lắp chính, còn lại gói thầu 02-XL có một phần mặt bằng (cầu qua kênh Yên Sở) nhưng không có đường vào thi công.

Cũng theo đại diện Ban QLDA công trình giao thông, khối lượng mặt bằng đã có đủ điều kiện thi công ít, khó khăn cho việc huy động máy móc tập trung thi công đồng bộ các hạng mục công trình.

Đã 15 tháng trôi qua, chưa có mét vuông mặt bằng nào được bàn giao để thi công
 

Đã 15 tháng trôi qua, chưa có mét vuông mặt bằng nào được bàn giao để thi công

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ bàn giao mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án năm 2025.

Dự án "vỡ" tiến độ, trách nhiệm thuộc về ai?

Ban QLDA công trình giao thông Hà Nội là chủ đầu tư trực tiếp thực hiện công tác GPMB của dự án đường nối cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ với Vành đai 3.

Tổng diện tích đất thu hồi 316.224 m2, tương ứng 2.233 phương án. Trong đó đất ở là 8.709,2 m2; đất nông nghiệp là 212.613,9 m2; đất công là 94.901 m2.

Được biết, chủ đầu tư đang phối hợp với quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì GPMB đối với các diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan tổ chức.

Đối với diện tích đất ở, sẽ triển khai sau khi UBND quận, huyện phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường theo quy định. Đến nay, đã có thông báo thu hồi đất 1.922 phương án đất nông nghiệp; Đã điều tra 1.898 phương án đất nông nghiệp; Đã công khai dự thảo 19 phương án đất công; Đã phê duyệt, trả tiền 374 phương án đất nông nghiệp.

Dù vậy, đại diện chủ đầu tư dự án cho rằng, phần mặt bằng hiện có đã được bàn giao chiếm tỷ lệ nhỏ, "xôi đỗ", không liên tục dẫn đến chưa thể triển khai thi công đồng bộ các hạng mục của dự án.

Ngoài ra, việc quản lý đất đai của các địa phương có nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong công tác quy chủ, thẩm định bản đồ để ban hành thông báo thu hồi đất; công tác xác định giá đất ở cụ thể chậm do đó chưa có cơ sở triển khai GPMB đối với các phương án đất ở.

Thêm vào đó, Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ 1/8/2024 quy định, hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp các hộ gia đình, cá nhân có diện tích thu hồi dưới 30% diện tích đất đang sử dụng thì UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, định kỳ chi trả tiền hỗ trợ cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Đến nay, UBND TP chưa ban hành quy định mức hỗ trợ.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phương Thành- một trong liên danh các nhà thầu tham gia thi công dự án cho biết, hơn 1 năm qua kể từ ngày khởi công dự án đến nay, nhà thầu chưa được bàn giao một m2 đất nào. Việc thi công chỉ vỏn vẹn, cầm chừng trong 2 dải đất nhỏ, hẹp thuộc phạm vi cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ và Vành đai 3 rất khó khăn cho các nhà thầu thi công.

“Chúng tôi là đơn vị thi công, ký kết hợp đồng rồi thì chỉ mong có mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án. Trong khi máy móc, nhân vật lực các nhà thầu luôn đầy đủ, đáp ứng mọi yêu cầu của chủ đầu tư thì suốt thời gian dài qua lại không có mặt bằng để thi công”, đại diện Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phương Thành cho hay.

Như vậy, tiến độ dự án 3.200 tỷ đồng nối cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 đã hiển hiện nguy cơ bị "vỡ", trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?

https://www.anninhthudo.vn/duong-3200-ty-dong-giai-cuu-nut-giao-phap-van-cong-truong-vang-lang-may-moc-nam-im-post590474.antd

Ngân Tuyền / anninhthudo.vn