Dừng thi công đã 10 tháng, đoạn ngầm metro Nhổn-Ga Hà Nội vẫn chưa “chốt” ngày tái khởi động

Đoạn ngầm tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội đã dừng thi công toàn bộ 10 tháng nay nhưng cũng chưa rõ thời điểm có thể thi công trở lại.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) Hà Nội, tiến độ chung của dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội hiện mới đạt khoảng 74% theo khối lượng Hợp đồng xây dựng. Trong đó, đoạn tuyến trên cao đạt được 95,1%; còn đoạn tuyến đi ngầm mới chỉ đạt khoảng 33%.

Đáng nói, công trường 4km đoạn ngầm và ga ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội ngừng thi công đã hơn 10 tháng nay và chưa có mốc thời gian thi công trở lại.

Thiết bị quan trọng để thi công tuyến hầm là máy đào hầm đã hoàn thành lắp đặt tại ga Kim Mã từ tháng 4/2021, chỉ còn “chờ lệnh” để thi công. Dù vậy, chưa biết khi nào có thể đào hầm, dỡ rào hoàn trả mặt bằng.

Đại diện MRB Hà Nội cho biết, từ tháng 7/2021, Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella thông báo tạm dừng thi công toàn bộ 4km đoạn ngầm và 4 ga ngầm của dự án ngừng hoàn toàn thi công.

Nguyên nhân do khi đào thăm dò ngầm phát sinh các công trình bị ảnh hưởng, cần bố trí tạm cư hoặc phá dỡ công trình, dẫn đến phát sinh đối tượng cần GPMB. Công tác giải quyết vướng mắc mặt bằng đang được TP Hà Nội giải quyết, song đến nay vẫn chậm trễ.

antd-metro-nhon-ga-ha-noi-3160
Tiến độ dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội đang bị chậm trễ

“Mặt bằng ga Quốc Tử Giám đến nay đã được giải quyết xong, nhưng vẫn còn vướng mắc tại khu vực công trình phụ trợ phía Nam ga Kim Mã. UBND TP Hà Nội đã giao UBND quận Ba Đình hoàn thành, xử lý dứt điểm tồn tại trên trong tháng 6/2022.

Ngoài các trường hợp GPMB thuộc phạm vi ga ngầm, trên dọc tuyến ngầm có 50 tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm nên thuộc diện bồi thường, hỗ trợ, bố trí nơi tạm cư.

Theo chỉ đạo của thành phố, MRB Hà Nội và UBND quận Ba Đình, Đống Đa đang phối hợp để giải quyết, cố gắng hoàn thành trước ngày 30/9/2022”, theo MRB Hà Nội.

Cũng theo MRB, phát sinh trong GPMB đoạn ngầm là chưa có chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với công trình bị ảnh hưởng do thi công, đối tượng phải tạm cư.

Vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt khung chính sách với mức hỗ trợ tạm cư 6 triệu đồng/tháng/cặp vợ chồng; hỗ trợ phục hồi sinh kế cho chủ đất 1 tháng lương tối thiểu (4.420.000 đồng/người/tháng) và tối đa 16 triệu/hộ dân/tháng.

MRB Hà Nội cho biết, hiện MRB đang phối hợp với các đơn vị tư vấn và nhà thầu nghiên cứu và đề xuất phương án tối ưu tiến độ đoạn ngầm, trong đó áp dụng cải tiến kỹ thuật thi công, tăng nhân sự máy móc thiết bị.

Nhà thầu dự kiến tăng gấp đôi mũi thi công tại tường vây và công tác gia công lồng thép. Cùng đó, MRB đã đề xuất Sở GTVT Hà Nội cho phép xe bê tông, xe đổ thải có thể chạy 24/24h phục vụ thi công các công trường.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Hà Nội dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2022 và đoạn ngầm vào cuối năm 2025.

Ba nhóm vướng mắc gây chậm

Trong văn bản gần đây gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho biết, dự án trên đã và đang gặp 3 nhóm vướng mắc gây chậm trễ tiến độ: Sự khác biệt giữa hợp đồng theo mẫu của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) với quy định pháp luật Việt Nam; quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành; hợp đồng tư vấn trọn gói của Systra (Pháp).

Thời gian qua, các Bộ, ngành liên quan có nhiều ý kiến góp ý với UBND TP Hà Nội để tháo gỡ các vướng mắc trên, song góp ý chủ yếu dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, chưa đưa ra phương án cụ thể, khả thi để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.

Do vậy, để sớm giải quyết những vướng mắc của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ KH-ĐT cho rằng, cần có sự phân công cơ quan chuyên môn cụ thể chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra giải pháp đối với vấn đề thuộc thẩm quyền.

Ngân Tuyền / ANTĐ